Dịch bệnh tay- chân- miệng, sốt xuất huyết và một số dịch bệnh khác như thủy đậu, sởi... đang có chiều hướng lây lan rộng... khiến nhiều trẻ em mắc phải. Riêng dịch tay- chân- miệng rất nguy hiểm, “tấn công” vào các trường học mầm non, nhà trẻ đã khiến hơn 20 trẻ ở TPHCM tử vong và hàng ngàn trẻ phải nhập viện. Nhằm cung cấp cho bạn đọc và quý phụ huynh cách nhận biết, phòng ngừa, sáng 19-7 báo SGGP tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với sự tham gia trả lời của các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM.
Sau đây là nội dung của buổi giao lưu:
Nguyễn Ánh Dương - Quận 12 - TPHCM: Trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng nếu phát hiện trễ sẽ bị biến chứng gì? Có nguy hiểm đến tính mạng không?
- Bệnh tay chân miệng đa số tự khỏi nhưng nếu có biến chứng thì có khả năng bị bệnh viêm màng não, viêm não, phù phổi cấp, viêm cơ tim. Vì đây là những cơ quan quan trọng nên có tỷ lệ tử vong khá cao.
Đinh Thị Ngọc Hoa - Quận 4 - TPHCM: Xin hỏi dịch bệnh tay-chân-miệng thường xảy ra ở trẻ em, vậy thường rơi vào lứa tuổi nào và người lớn có bị mắc bệnh này không?
- Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ em trong lứa tuổi nhà trẻ. Tuy nhiên, trẻ lớn và người lớn vẫn có thể mắc bệnh này.
Hà Văn Nghĩa - Quận 3 - TPHCM: Từ 2 hôm nay con tôi (5 tuổi) lên cơn sốt, hôm qua sốt 38°, bỏ ăn và quấy khóc. Trước đó, cháu có đi tiêu phân đen. Có phải con tôi mắc bệnh sốt xuất huyết không? Phải làm cách nào để chữa trị?
- Bé con anh bị sốt 2 ngày, bỏ ăn và quấy khóc. Bé cần được tìm các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết cũng như xác định dấu hiệu tiêu phân đen có phải do chảy máu không. Như vậy anh nên đưa bé đến cơ sở y tế để được khám và làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh. Qua đó các bác sĩ sẽ hướng dẫn anh cách chăm sóc và theo dõi bệnh thích hợp. Chào anh.
Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Mai Hải |
Nguyễn Diễm Trinh - Quận 6 - TPHCM: Trẻ em bị nghi mắc bệnh tay -chân- miệng có triệu chứng thế nào và khi nào cần phải đưa trẻ đến bệnh viện, thưa bác sĩ?
- Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện: lở miệng, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, một số trường hợp có thể nổi ở mông, gối hoặc khuỷu tay kèm theo sốt nhẹ hoặc không sốt. Thông thường, trong giai đoạn đầu khi mắc bệnh, trẻ thường biếng ăn, đặc biệt là hay chảy nước miếng do lở và đau họng. Những nốt ngoài da của bệnh tay chân miệng đặc biệt không đau, không ngứa do đó không làm trẻ khó chịu.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng cần được điều trị tại cơ sở y tế. Trẻ cần phải nhập viện khi có những dấu hiệu sau đây: sốt cao liên tục, giật mình, yếu liệt chi, thở bất thường, run chi hay run thân khi không sốt, đi lảo đảo, rung giật mắt, ói nhiều, lừ đừ, da nổi bông.
Võ Tuờng Hân - Quận 5 - TPHCM: Xin bác sĩ cho tôi hỏi: Con tôi đã 2 tuổi, mấy hôm nay cháu biếng ăn hẳn và hay ho về đêm. Tôi cho cháu uống nước tần dày lá nhưng không khỏi. Xin hỏi có phải cháu bị bệnh tay-chân-miệng không? Cho cháu uống thuốc kháng sinh có được không?
- Bé của anh 2 tuổi, biếng ăn và hay ho về đêm. Nếu nghĩ đến bệnh tay-chân-miệng, anh cần tìm các dấu hiệu bệnh ở miệng và ở tay chân. Nếu bé há miệng có những vết loét ở trong miệng; ở bàn tay, bàn chân, đầu gối hay vùng mông xuất hiện các mụn nước. Nếu có các dấu hiệu này anh nên đưa cháu đến cơ sở y tế khám bệnh. Không có những dấu hiệu trên thì có thể bé anh mắc bệnh đường hô hấp.
Nước tần dầy lá để làm dịu họng và giảm ho khi trẻ bị bệnh đường hô hấp. Việc tự ý dùng kháng sinh không có lợi cho bé, có khi còn gây hại khi không cần thiết. Bé uống thuốc không khỏi anh nên đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh và điều trị cụ thể thích hợp cho bệnh của cháu. Chào anh.
Võ Thị Lan Phuơng - Quận 3 - TPHCM: Nghe nói bệnh tay-chân-miệng lây lan dữ lắm. Con tôi đang đi học trường mầm non và được biết trong lớp cháu có một trẻ bị mắc bệnh tay-chân-miệng. Vậy có cách phòng ngừa cho con tôi không hay cho cháu nghỉ học?
- Bệnh tay chân miệng lây qua việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, qua nước miếng bắn từ mũi họng người bệnh cũng như qua đồ đạc, vật dụng nhiễm virus. Với đường lây như vậy, lớp học là môi trường dễ lây bệnh.
Có thể kiểm soát ngừa lây bệnh trong lớp học, để thực hiện việc này cần phải thực hiện đầy đủ các biện pháp mà các cơ quan chức năng đã phổ biến. Cần tạo đồng thuận với phụ huynh: theo dõi sức khỏe trẻ, khi trẻ mắc bệnh không đưa trẻ đi học và thông báo cho nhà trường.
Nhà trường cần phát hiện sớm trẻ bị bệnh khi đang học ở lớp và thông báo cho phụ huynh đưa trẻ về nhà đi khám bệnh. Khi phát hiện trẻ bệnh ở lớp, nhà trường phải khử khuẩn ngay. Làm vệ sinh lớp học mỗi ngày và khử khuẩn hàng tuần: sàn lớp, các vật dụng, đồ chơi của trẻ, các nơi trẻ thường có tiếp xúc.
Nhà trường và phụ huynh thực hiện các yêu cầu trên thì trường lớp không phải đóng cửa, trẻ khỏe mạnh vẫn đi học
Trong trường hợp cụ thể bạn nêu, không biết trẻ khi bị bệnh có đi họckhông? Nếu có bạn theo dõi con mình trong vòng 14 ngày, khi phát hiện các dấu hiệu bệnh bạn phải đưa con đi khám bệnh ngay.
Việc phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ là điều phải làm, đối với bệnh tay chân miệng không có vaccin, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên cần phải thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng như mọi người trong gia đình đó là rữa tay thường xuyên, làm sạch nhà cửa và đồ dùng thường có tiếp xúc mỗi ngày, khử khuẩn hàng tuần.
Lữ Phúc An - Quận 4- TPHCM: Xin bác sĩ cho biết triệu chứng mắc bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thế nào? Mức độ nào thì phải đi cấp cứu bệnh viện? Cho uống thuốc hạ sốt có được không?
- Thạc sỹ - Bác sỹ Lê Phan Kim Thoa- Phó khoa Nhiễm- Bệnh vịân Nhi Đồng 1: Khi trẻ sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên thì phải coi chừng trẻ bị Sốt xuất huyết. Trẻ bị Sốt xuất huyết như tên gọi của bệnh sẽ có sốt cao liên tục kèm xuất huyết, thường là xuất huyết ngoài da biểu hiện bắng những chấm xuất huyết, ngoài ra trẻ có thể bị cháy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu hoặc đi cầu phân đen.
Trẻ bị Sốt xuất huyết có thể được chăm sóc và theo dõi tại nhà, tuy hiên cần phải tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ để phát hiện kịp thời giai đoạn có nguy cơ trở nặng để nhập viện.
Trong thời gian theo dõi tại nhà , nếu bạn thấy bé ói nhiều, lừ đừ, than đau bụng, lạnh chân tay, vả mồ hôi, chảy máu bất thường ,ói ra máu, đi cầu phân đen thì cần phải đến bệnh viện ngay.
Bệnh sốt xuất huyết có thể xử dụng thuốc hạ sốt, tuy nhiên chỉ xử dụng thuốc hạ sốt thuộc nhóm Paracetamol.
Nguyễn Thị Diệu - Bình Tân - TPHCM: Tôi sinh một bé gái được 3,2 kg. Đến nay bé được 1 tháng rưỡi, nặng 4,7 kg. Bé bú sữa mẹ và sữa Dumex. Một ngày bé bú khoảng 180 đến 240 ml sữa Dumex và khoảng 3 lần bú mẹ. Bé bú như vậy có đủ lượng sữa cho 1 ngày chưa thưa bác sĩ? 2 ngày có khi 3, 4 ngày bé mới đi cầu 1 lần, phân màu vàng sền sệt vậy có phải bé bị bón không? Nếu bé bón có thể cho bé uống nước cam để bé đi cầu không? Mỗi lần bé tiểu thấy bé rặn đỏ cả mặt. Như vậy xin hỏi bé có bị bệnh gì không và phải chữa trị như thế nào?
BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa- Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Cân nặng của bé tăng như vậy là được. Nếu bé bú khoảng 6 cữ thì thiếu, chị có thể tăng ít nhất 8 bữa một ngày cho bé. Độ tuổi này chưa uống nước cam được. Bé đi tiểu rặn đỏ cả mặt, chị nên đưa bé đi khám để xét nghiệm nước tiểu để biết bệnh chị nha!
Phan Minh Tú - Quận 5 - TPHCM: Có mấy người bạn bảo để ngừa dịch bệnh tay- chân-miệng phải lấy hóa chất diệt trùng Chloramin B lau chùi nhà cửa, đồ chơi cho trẻ. Tôi muốn hỏi chất này mua ở đâu và sử dụng thế nào, có ảnh hưởng đến sức khỏe con nhỏ không?
|
BS Nguyễn Đắc Thọ - Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM. Ảnh: Mai Hải |
- Bs Nguyễn Đắc Thọ - TTYTDP TP: Bệnh tay chân miệng không có vaccin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Để phòng bệnh cần thực hiện thường xuyên vệ sinh cá nhân như rửa tay, vệ sinh và khử khuẩn sàn nhà vật dụng đồ chơi của trẻ. Việc khử khuẩn, bạn có thể dùng Cloramin B được cấp miễn phí tại các trạm y tế phường xã. Ngoài ra, bạn có thể dùng nước javel có bán trên thị trường để khử khuẩn. Nước javel bạn nên chọn loại có mùi thơm để át mùi javel đặc trưng.
Điều quan trọng khi khử khuẩn là pha đúng nồng độ khi sử dụng. Các trạm y tế sẽ hướng dẫn cách sử dụng nếu là cloramin B hoặc làm theo hướng dẫn có ghi trên nhãn khi dùng Javel
Sau khi lau chùi bằng chất khử khuẩn phải để trong vòng 15-20 phút rồi mới lau lại bằng nước sạch và lau khô. Việc này rất quan trọng để tẩy đi chất khử khuẩn để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
ODAN MONG HONG - Q6-TPHCM: Nhà tôi có một trẻ bị bệnh tay-chân-miệng và một trẻ 14 tuổi chưa mắc bệnh, làm thế nào để bệnh không lây lan, thưa bác sĩ?
Thạc sỹ- Bác sỹ Lê Phan Kim Thoa - Phó khoa Nhiễm - BVNĐ 1: Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần, thậm chí là trong cùng 1 mùa dịch. Ngay cà người lớn và trẻ lớn cũng có thể mắc bệnh này. Cho đến hiện nay vẫn chưa có thuốc chủng ngừa bệnh. Do đó biện pháp quan trọng nhất đề phòng ngừa bệnh là vệ sinh, đặc biệt là cách ly trẻ bệnh.
Người chăm sóc trẻ phải chú ý giữ vệ sinh bàn tay của mình, phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Ngoài ra phải chú ý giữ vệ sinh môi trường nơi trẻ ở, đặc biệt là các vật dụng trẻ sử dụng, kể cả đồ chơi của trẻ vì đó có thể là nguồn lây lan bệnh.
hoangquanghuan - quanghuantx@yahoo.com - quận 2: Bác sĩ cho tôi hỏi: Trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng mà phát hiện trễ sẽ bị biến chứng gì? Có nguy hiểm tính mạng không? Làm sao để biết những dấu hiệu biến chứng nặng? Cảm ơn bác sĩ.
- Thạc sỹ- bác sỹ Lê Phan Kim Thoa - Phó khoa Nhiễm - BVNĐ 1: bạn vui lòng xem câu trả lời cho bạn Nguyễn Ánh Dương - Quận 12 - TPHCM và Nguyễn Diễm Trinh - Quận 6 - TPHCM . Cám ơn.
Đoàn Thị Kim Sương: Xin bác sĩ cho tôi hỏi: Khi bị bệnh tay- chân- miệng có cần ăn kiêng không, tôi cho bé uống nước cam nhiều có làm cho bé bớt bệnh không?
- Thạc sỹ - Bác sỹ Lê Phan Kim Thoa - Phó khoa Nhiễm - BVNĐ 1: Bệnh tay chân miệng không cần ăn kiêng, chì cần cho trẻ ăn những thức ăn được nấu chín và đảm bảo vệ sinh vì một số trẻ mắc bệnh tay chân mịêng có thể bị tiêu chảy vào ngày thứ 4-5 của bệnh.
Trẻ có thể uống nước cam, tuy nhiên nếu trẻ lở miệng thi chất chua có thể làm trẻ bị đau miệng hơn.
TRANTHIVUI - Nữ 39 tuổi - tran_vui@gmail.com - quận Bình Thạnh, TPHCM: Mấy hôm nay trong khu dân cư tui ở kháo nhau về dịch bệnh tay -chân- miệng. Tôi có 2 con nhỏ, xin hỏi dịch bệnh này lây lan thế nào và y tế phuờng có về phun thuốc như phòng dịch sốt xuất huyết không? Nghe nói mấy bác sĩ sẽ về cho thuốc vệ sinh mà nhà tôi chưa có. Tôi muốn có thuốc sát khuẩn gì đó thì mua ở đâu? Cảm ơn bác sĩ.
- Bs Nguyễn Đắc Thọ - TTYTDP TP: Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, để phòng bệnh cần kiểm soát lăng quăng. Lăng quăng thường có trong lu vại trữ nước trong gia đình, trong các vật phế thải đọng nước mưa. Gia đình bạn cần chủ động diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết. Việc phun thuốc diệt muỗi chỉ áp dụng khi dịch bệnh bộc phát
Tay chân miệng lây qua khi tiếp xúc với người bệnh và qua các đồ vật nhiễm virus
Cả 2 bệnh này đều không có vaccin phòng bệnh. Để chủ động phòng bệnh tay chân miệng, ngoài việc thường xuyên rửa tay cần phải vệ sinh khửa khuẩn nhà cửa, vật dụng trong nhà thường có sử dụng
Bạn có thể đến trạm y tế để được cấp Cloramin B miễn phí hoặc có thể mua sản phẩm Javel có bán ở các siêu thị, khi chọn mua javel bạn nên mua loại có pha thêm hương liệu để có mùi thơm và khi sử dụng bạn nên đọc kỹ cách sử dụng có ghi trên nhãn
Hà Thị Tuyết Oanh - Bình Thạnh - TPHCM: Con trai tôi được 3 tuổi 4 tháng, cháu nặng 18 kg, cao 104 cm, 3-4 ngày cháu mới đi tiêu 1 lần. Ngoài ra, một tuần trở lại đây tôi thấy trên dương vật của cháu một bên hơi sưng to hơn. Xin hỏi bác sĩ cháu có hiện tượng như vậy có gì nguy hiểm không? Và tôi nên cho cháu đi khám hay kiểm tra cho cháu ở đâu?
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1:
Chị Oanh thân mến!
Cân nặng và chiều cao của cháu như vậy là tốt rồi. Nếu phân của cháu bình thường thì chị chỉ cần tập cho cháu đi cầu mỗi ngày vào những giờ nhất định, cháu sẽ có thói quen đó. Trên dương vật của cháu một bên hơi sưng to hơn có thể là cháu bị kén bao qui đầu. Chị nên đưa cháu đến khoa ngoại bệnh viện Nhi Đồng 1 để khám nha.
Lương Ngọc Bích- ngocbichtoto@yahoo.com - quận 9, TPHCM: Tôi đọc báo thấy dịch bệnh tay- chân- miệng và sốt xuất huyết đang bùng phát dữ dội. Nhà tôi có một cháu nhỏ 3 tuổi nên cũng rất lo. Nếu lỡ cháu mắc bệnh thì làm thế nào phân biệt được là mắc bệnh tay- chân- miệng hay sốt xuất huyết, thưa bác sĩ?
- Thạc sỹ- bác sỹ Lê Phan Kim Thoa - Phó khoa Nhiễm - BVNĐ 1: Xin vui lòng xem lại câu trả lời cho bạn Nguyễn Diễm Trinh Q6 và Lữ Phúc An - Q4.
truongvudanh - vudanh67@yahoo.com - quận Bình Thạnh, TPHCM: Em đọc tài liệu thấy có nói bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm nhất là lúc hạ sốt. Con em bị sốt đã 3 ngày, có ho và sổ mũi, đã uống thuốc theo toa bác sĩ được 2 ngày. Đến hôm nay bé đã hết sốt và chơi bình thường nhưng em vẫn rất lo, làm sao để biết rằng bé bớt bệnh hay đang vào giai đoạn nặng của sốt xuất huyết? Xin bác sĩ tư vấn giúp. .
- Thạc sỹ- bác sỹ Lê Phan Kim Thoa - Phó khoa Nhiễm - BVNĐ 1: Bệnh sốt xuất huyết thường trở nặng vào giai đoạn trẻ hạ sốt. Tuy nhiên vào giai đoạn này trẻ sẽ có biểu hiện lừ đừ, ói nhiều, bỏ ăn, nếu nặng trẻ sẻ bị lạnh chân tay, vả mồ hôi. Nếu con bạn vẫn ăn chơi bình thưởng thi có thể tiếp tục theo dõi tại nhà.
Nguyễn Minh Tâm - Hóc Môn - TPHCM: Con tôi được 14,5 tháng tuổi, gần đây mỗi lần ăn cháo bé hay ho và trào cháo ra. Buổi tối bé ngủ được nhưng hơi thở không êm, nghe như có tiếng ngáy nhỏ. Tôi có cho con đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng thì có bác sĩ nói bé bị trào ngược, có bác sĩ nói bé bị viêm mũi. Kính mong quý bác sĩ cho tôi biết bé bị bệnh gì và cách chữa như thế nào? Nếu cho bé đi khám thì khám ở khoa Tai Mũi Họng hay Khoa Hô hấp?
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Bé 14,5 tháng bị ho, ngủ có tiếng ngáy có thể bé bị bệnh viêm phế quản. Chị nên đưa đi khám tại bệnh viện Nhi Đồng 1 để biết bệnh và chữa trị thích hợp. Nơi đây cũng có đủ các chuyên khoa cho trẻ em cháu sẽ được khám thêm khi cần.
Huỳnh Minh Nguyệt - Quận 8- TPHCM: Bệnh sốt xuất huyết có lây lan không? Mọi người nói mắc bệnh sốt xuất huyết là do muỗi đốt nhưng nhà tôi không có muỗi. Vậy sao con tôi mới 3 tuổi mà mắc sốt xuất huyết. Hôm trước đưa đi bệnh viện khám rồi bác sĩ cho về. Vậy cách nào để phòng ngừa, thưa bác sĩ?
- BS Nguyễn Đắc Thọ - TTYTDP TP: Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Nhà bạn không có muỗi nhưng con bạn có thể mắc bệnh sốt xuất huyết, điều này rất thường gặp vì con bạn có thể đi đến một nơi nào đó bị muỗi vằn truyền chích truyền bệnh.
Vì vậy để phòng bệnh, diệt lăng quăng là công việc của mọi nhà và của cả cộng đồng. Việc làm này phải thường xuyên ít nhất định kỳ mỗi tuần một lần, không kể thời điểm có dịch bệnh hay không.
anhthu - anhthunguyen@yahoo.com - quận 3 - TPHCM: Xin bác sĩ cho biết có phải dịch bệnh sốt xuất huyết dễ mắc đối với trẻ bị béo phì? Tôi nghe nói trẻ bị dư cân, béo phì mà mắc bệnh sốt xuất huyết thì khó chữa có phải vậy không? Con trai tôi 6 tuổi mà nặng 35kg, tôi cũng hơi lo, xin hỏi bác sĩ có cách nào phòng ngừa cho cháu không, nên tiêm vaccine gì, nếu bị bệnh thì cháu có biểu hiện gì? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.
- TSBS - Lê Phan Kim Thoa - Phó khoa Nhiễm - BVNĐ 1: Tất cả mọi trẻ đều có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nếu chúng ta không giữ vệ sinh môi trường xung quanh nơi trẻ sống. Tuy nhiên, đúng như chị lo lắng, trẻ béo phì khi mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ dể trở nặng hơn trẻ bình thường. Cháu 6 tuổi nặng 35 kg là đã bị béo phì, chị nên đưa cháu đi khám dinh dưỡng để được tư vấn về cách giảm cân cho cháu. Hiện nay vẫn chưa có vaccin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, biện pháp duy nhất để phòng bệnh là vệ sinh môi trường, đặc biệt là diệt muỗi và không tạo môi trường cho muỗi phát triển.
Khi trẻ sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên thì phải đề phòng trẻ bị sốt xuất huyết. Trẻ bị sốt xuất huyết như tên gọi của bệnh sẽ có sốt cao liên tục kèm xuất huyết, thường là xuất huyết ngoài da biểu hiện bắng những chấm xuất huyết. Ngoài ra trẻ có thể bị cháy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu hoặc đi cầu phân đen.
|
Thạc sỹ - Bác sỹ Lê Phan Kim Thoa - Phó khoa Nhiễm - BVNĐ 1. Ảnh: Mai Hải |
Huỳnh Minh Khang - Quận 3- TPHCM: Cháu nhà em được 13 tháng tuổi, chưa uống vacxin ngừa tiêu chảy Rota. Bác sĩ có thể cho biết có loại vacxin ngừa tiêu chảy nào khác cho bé quá tháng tuổi uống ngoài vacxin Rota không? Cháu nhà em rất hay bị tiêu chảy, nên em rất lo. Mỗi lần cháu đi cầu phân không tốt là em lại cho cháu uống Lactomin Plus. Lactomin Plus và Probio có khác nhau không? Có thể uống cùng lúc 2 loại này được không?
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Hiện nay chỉ có một loại thuốc chủng ngừa tiêu chảy do Rotavirus mà thôi. Cháu đã được tiêm chủng như vậy là được rồi. Lactomin Plus và Probio đều là men vi sinh nhằm tăng thêm lợi khuẩn cho đường tiêu hóa của bé. Sử dụng để trị bệnh cần có hướng dẫn của bác sĩ.
VoAnhDao -vodaotst@yahoo.com - quận 8 TPHCM: Thưa bác sĩ, mấy hôm nay bên quận 8 tôi đang ở rộ lên dịch bệnh tay- chân- miệng. Truờng mầm non cũng đóng cửa, nên con nhỏ của tôi cũng phải ở nhà. Liệu ở nhà vậy thì có mắc bệnh không bác sĩ? Có cần cho cháu tiêm vaccine gì dự phòng không? Cảm ơn bác sĩ tư vấn.
- BS Nguyễn Đắc Thọ - TTYTDP TP: Trường mầm non nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh thì trẻ sẽ không mắc bệnh khi đi học.
Để trẻ ở nhà không mắc bệnh, gia đình bạn cần phải thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho mọi thành viên và làm sạch nhà cửa, vật dụng trẻ thường tiếp xúc và khử khuẩn mỗi tuần.
Ngoài ra, bạn không nên đưa trẻ đi chơi hoặc đi đến những nơi có người bệnh, người trong gia đình cần thực hiện vệ sinh khi chăm sóc trẻ để không vô tình lây bệnh cho trẻ nhất là những khi có tiếp xúc với trẻ bệnh hoặc khi vừa mới về đến nhà.
Đoàn Thị Kim Sương: - Bé nhà tôi chỉ bị sốt nhẹ, nổi vài hột nhỏ, vẫn chơi bình thường 2 ngày nay, vậy cháu có thể bị sốt nặng không?
BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Chị không cho biết tuổi của bé và những hột nhỏ ở những vị trí nào trên cơ thể, cũng như những đặc tính về màu sắc, có chứa gì bên trong không. Nên chị có thể đưa đi khám bệnh mới biết được hướng theo dõi và chăm sóc.
Trần Trọng Trí - Quận 11-TPHCM: Con tôi năm nay 15 tuổi tự nhiên ở cổ chân của cháu xuất hiện một mụn cóc màu đen, không đau. Lâu ngày cháu thấy khó chịu và cào mụn cóc đó đi thì vùng da xung quanh bị lở loét. Sau một thời gian dùng thuốc kháng sinh vết lở loét khỏi nhưng để lại một vết thâm màu đen không bình thường như vết thâm của các vết thương khác. Đọc báo đuợc biết bệnh của cháu rất giống với căn bệnh u melyna. Vậy cháu bị bệnh gì? Và có thể đi khám ở đâu để tìm ra bệnh của cháu?
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Những tổn thương ở da xảy ra ở cháu kéo dài và làm thay đổi màu da. Chị nên đưa cháu đến chuyên khoa Da liễu để biết bệnh và cách chữa trị.
Phạm Mỹ Hà - Quận 1 - TPHCM: Có mấy người bảo bị sốt xuất huyết thì tránh ra gió, uống lá ngải cứu thì khỏi. Có phải đúng vậy không, thưa bác sĩ?
Thạc sỹ - Bác sỹ Lê Phan Kim Thoa - Phó khoa Nhiễm - BVNĐ 1: Bệnh sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng gây nên, do đó điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi, phát hiện các dấu hiệu nặng để điều trị hổ trợ chứ không có thuốc điều trị đặc hiệu.
Các biện pháp dân gian như chị hỏi (tránh ra gió, uống lá ngải cứu) không gíúp cho bệnh mau lành mà ngược lại còn làm cho trẻ khó chịu. Thậm chí có thể làm cháu bệnh nặng hơn. Khi cháu bị bệnh, nếu chúng ta ủ cháu kín quá thì cháu sẽ không thể hạ sốt được, ngoài ra cháu sẽ rất ngứa ngáy và khó chịu khi bị kiêng nước, tránh gió. Riêng việc dùng lá ngải cứu để uống thì chúng ta vẫn chưa biết được hết tác hại khi sử dụng, trong khi hiệu quả điều trị bệnh sốt xuất huyết thì không có, do đó không nên dùng.
Nguyễn Đức Trọng - Quận Thủ Đức - TPHCM: Con tôi năm nay 4 tuổi, cháu phát triển bình thuờng nhưng khi ăn vào thường xuyên bị ói ra. Khi ngủ cháu hay thức giấc vào lúc 1,2 giờ sáng. Vậy cháu bị bệnh gì và cách chữa trị ra sao?
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Cháu 4 tuổi phát triển bình thường nhưng ăn hay ói. Chị cho cháu ăn chậm hơn, lựa những món cháu ưa thích để làm giảm tình trạng này. Còn vấn đề hay thức giấc lúc 1-2 giờ sáng, chị lưu ý tránh cho cháu xem những phim, truyện hay những trò chơi gây căng thẳng. Thường xuyên trò chuyện với cháu để tìm hiểu xem có những vấn đề tâm lý nào không để kịp thời giải tỏa cho cháu.
Phạm Thị Ngà - Quận Thủ Đức - TPHCM: Cháu nhà tôi năm nay 10 tuổi, cháu có sở thích trong ăn uống là trứng chiên và thịt mỡ heo. Trong bữa ăn nếu thiếu hai món này là cháu ăn rất ít, thậm chí bỏ ăn. Gia đình đã thay thế món ăn cho cháu nhiều lần nhưng hiệu quả mang lại không cao. Khi ăn trứng chiên, thịt mỡ cháu khỏe mạnh và tuơi tỉnh, thể trạng bình thuờng nhưng khi không ăn cháu mệt mỏi và có phần yếu. Vậy cháu ăn nhiều trứng chiên và mỡ heo như vậy có ảnh hưởng gì không, và cách khắc phục? Cảm ơn bác sĩ.
- Chế độ ăn cho trẻ 10 tuổi là chế độ ăn hàng ngày của gia đình. Chị có thể cho ăn thêm rau củ quả để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho cháu. Đối với trẻ kén ăn, chị nên dành thời giờ nhiều hơn để trò chuyện với cháu. Việc giảm dần những món ăn cần tạo hứng thú và thoải mái cho bữa ăn của cháu.
Nguyễn Hà Linh - Củ Chi - TPHCM: Cháu gái nhà em được 1 tuổi, cháu hơi biếng ăn. Em nghe người ta mách ngâm B1 với mật ong cho cháu ăn hàng ngày. Xin hỏi bác sĩ cách làm này có tốt không? Cháu 1 tuổi có dùng được không và liều lượng như thế nào?
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Hiện có sản phẩm sữa ong chúa tại các nhà thuốc tây, chị có thể mua cho cháu dùng.
Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Mai Hải |
Lê Hoàng Tuấn - Quận 9- TPHCM: Con tôi năm nay 12 tuổi, cháu bị cận thị hơn 3 độ từ 3 năm nay. Tôi nghe nói nếu thường xuyên cho cháu uống thực phẩm chức năng omega 3 (gan cá hồi) thì bệnh cận của cháu sẽ có khả năng thuyên giảm. Tuy nhiên, qua hỏi một số bác sĩ chuyên khoa mắt thì loại thực phẩm này không tốt cho gan. Vậy gia đình có nên mua loại thuốc này cho cháu uống không?
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Cháu bị cận thị, chị nên đưa cháu đến chuyên khoa mắt để được theo dõi và được hướng dẫn cụ thể cách chữa trị và dùng thuốc cho cháu.
Lê Bảo Trân - Quận 2 - TPHCM: Cháu nhà tôi năm nay 4 tuổi phát triển bình thường về thể trạng và trí lực. Tuy nhiên cháu có biểu hiện là rất thích uống bia. Khi ngồi ăn cùng gia đình cháu có thể uống hết 1 lon và không có biểu hiện say xỉn. Bố mẹ đã cấm không cho uống nhưng có cơ hội là cháu đòi uống bằng được. Vậy, với thói quen thích uống bia như vậy thì cháu có bị ảnh hưởng gì về sức khỏe không? Cảm ơn bác sĩ.
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Bia là thức uống có khả năng gây nghiện và được dùng cho người lớn. Cháu còn trong độ tuổi đang phát triển cả trí lực và thể lực nên việc cho uống nhiều và thường xuyên là không nên.
Vũ Cẩm Phương - Quận 8 - TPHCM: Cháu nhà tôi năm nay 11 tuổi, cháu phát triển bình thường, tuy nhiên, về đường tiêu hóa của cháu có biểu hiện không tốt. Cụ thể: 5 ngày cháu mới đi tiêu một lần, phân bị táo bón, trong thời gian không đi cầu cháu bị đau bụng dưới. Gia đình đã cho dùng viên nang được chiết xuất từ rau diếp cá nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Xin bác sĩ cho biết cách chữa trị?
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Chị không nêu rõ thời gian cháu bị táo bón là bao lâu. Nếu chị đã bổ sung thêm chất xơ cho chế độ ăn của cháu bằng khoai rau củ quả, uống đủ nước và cháu vẫn không đi cầu bình thường thì nên đưa cháu đi khám để biết bệnh và cách trị liệu đúng.
phanthanhthuy - phanthuymamnon@gmail.com - quận 7, TPHCM: Tôi có mở một trường mầm non tư thục, khoảng 30 cháu, thấy bên quận 8 tạm ngưng nuôi dạy trẻ để phòng dịch bệnh tay-chân-miệng, tôi cũng hơi lo. Vậy có cách nào phòng dịch bệnh mà vẫn mở cửa trường học bình thường không. Chúng tôi có cần mời bác sĩ về trường khám cho các cháu, hay tạm thời đóng cửa trường? Xin cảm ơn bác sĩ.
- BS Nguyễn Đắc Thọ - TTYTDP TP: Bạn nên đến Trung tâm YTDP quận, huyện nơi trường bạn tọa lạc để được hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong các trường mầm non, nhà trẻ. Nếu trường bạn thực hiện đúng những gì đã hướng dẫn thì trường học không phải đóng cửa.
Việc có bác sĩ để tầm soát, khám bệnh cho trẻ là cần thiết nhưng ở trường, thầy cô nếu được hướng dẫn kỹ vẫn có thể phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ đầu tiên khi trẻ mắc bệnh. Phát hiện sớm trẻ mắc bệnh khi đang ở lớp là việc cần làm để đưa trẻ về nhà không làm lây bệnh cho trẻ cùng lớp.
Trần Bá Nam - Huyện Bình Chánh - TPHCM: Con tôi năm nay tròn 4 tuổi, cháu nhanh nhẹn, khỏe mạnh, thông minh. Tuy nhiên, cháu mắc phải một căn bệnh về đường tiêu hoá. Cụ thể, khoảng từ 2 đến 3 ngày cháu mới đi tiêu một lần, những lần đi tiêu cháu gào thét, kêu khóc vì rất khó đi. Chúng tôi đã dùng các biện pháp chữa trị như dùng thuốc thụt, ngồi chậu nước ấm nhiều giờ nhưng hiệu quả không khả quan. Về lâu dài bệnh này có dẫn tới bệnh trĩ hay không và cách chữa trị ra sao? Xin cảm ơn bác sĩ.
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Những biện pháp dùng thuốc thụt, ngồi chậu nước ấm chỉ là tạm thời. Tập thói quen đi cầu đúng giờ, giúp cháu giải tỏa tâm lý sợ đi cầu. Đồng thời chỉnh sửa chế độ ăn uống là những biện pháp lâu dài. Nếu thất bại anh chị nên đến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Vũ Thị Linh - Bình Dương: Nhà tôi ở căn cứ quân sự quân đoàn 4 (Sóng Thần, Bình Dương), tôi có một con gái 6 tuổi; năm cháu 4 tuổi, sau một trận cảm cúm tự nhiên tóc của cháu rụng dần, biểu hiện đầu tiên là tóc xoăn lại rồi bạc sau đó là rụng. Gia đình rất lo lắng và đã cho cháu uống rất nhiều loại thuốc trong đó có cả hà thủ ô nhưng tóc của cháu vẫn không có dấu hiệu mọc lại và lớp da đầu của cháu ngày càng bóng láng. Vậy cháu bị bệnh gì và cách chữa trị?
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Tóc của cháu bị rụng nhiều và da đầu bị bóng chị nên đưa cháu đi khám bệnh để trị cho cháu.
|
BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Mai Hải |
Lê Minh Thủy - minhthuy@xddk.com - 126/1 KP2- P.Tân Chánh Hiệp - Q.12- TP.HCM: Xin bác sĩ cho tôi hỏi: Con tôi được 5 tháng rưỡi tuổi nặng 7,5 kg, bé không bú sữa mẹ, uống sữa ngoài loại EnFa A+, mỗi ngày bé uống 6 cữ mỗi lần 120ml và ăn thêm một cữ bột. Mấy hôm nay, buổi sáng ngủ dậy bé hay trở mình lăn lộn, rồi lại tiếp tục nằm sấp ngủ, đầu hơi ấm ấm, trong lúc ngủ bé rên một hai tiếng, nhưng khi tỉnh giấc bé bình thường, đi cầu có ngày 2 đến 3 lần phân lỏng có bọt, có ngày không đi. Vậy bác sĩ cho tôi biết, con tôi có mắc bệnh gì không? Xin cảm ơn.
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Cân nặng của cháu như vậy là bình thường. Chị nên cặp thủy xem cháu có sốt không, nếu có sốt và thở bất thường nên đưa cháu đi khám bệnh.
Nguyễn Văn Khuôn - Thủ Đức - TPHCM: Tôi có đứa con trai năm nay 7 tuổi, cháu bị phát phì năm lên 4 tuổi, vợ chồng tôi cho cháu ăn uống theo chế độ mà bác sĩ chỉ dẫn vì vậy cháu đã giảm cân từ 50 kg xuống còn 32kg. 6 tháng trở lại đây cháu tự nhiên có nhu cầu ăn uống nhiều trở lại và trọng lượng cơ thể gần trở lại như trước khi chữa bệnh. Tôi đã cho cháu tới viện dinh dưỡng khám và điều trị nhưng trọng lượng của cháu không hề thuyên giảm. Trong khẩu phần ăn của cháu gia đình giảm tối đa các chất đạm, mỡ... thì cháu không chịu ăn và đổ bệnh. Hiện nay, gia đình bắt buộc phải cho cháu ăn theo nhu cầu thì cháu lại khỏe mạnh. Gia đình phải làm gì, thưa bác sĩ?
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Để trị bệnh béo phì cần thời gian và kiên nhẫn. Chị nên tiếp tục theo dõi và khuyến khích cháu theo hướng dẫn y tế mới có hiệu quả.
Phạm Thị Triều - thuytrieu021002@yahoo.com - Q.12-TP.HCM: Xin bác sĩ cho tôi hỏi: Con gái tôi đã được gần 6 tháng tuổi cân nặng 7,5 kg, từ khi sinh ra bé hay bị hắt hơi, mỗi ngày 2-3 lần, vậy bé có bị bệnh gì không, có cần đi bác sĩ khám không? Khi mặc tã hay quần thì bộ phận sinh dục của bé có triết ra chất nhầy và đỏ, vậy có sao không bác sĩ? Xin cảm ơn.
- BSCK2 Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng khoa Nội Tổng Quát 1, Bệnh viện Nhi Đồng 1: Cân nặng của cháu như vậy là bình thường, hắt hơi có thể do có các chất kích thích mũi hiện diện xung quanh cháu. Nên tránh để bột phấn rôm, bụi nhà, khói vào mũi cháu. Chất dịch nhầy và đỏ có thể là máu. Chị nên đưa cháu đi khám để biết bệnh và cách chăm sóc thích hợp.
Khi có dấu hiệu bị bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để điều trị. Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Mai Hải |
Lâm Hoàng Liêm - lamhoanglim@gmail.com - 213/15 Vĩnh Viễn: Xin bác sĩ cho tôi hỏi, bệnh tay-chân-miệng có vacxin phòng chống hay không? Các năm trước đây đều xuất hiện bệnh này, nhưng hiện tại đã phát triển thành dịch, vậy tại sao các cơ quan Y tế cũng như các nhà nghiên cứu bệnh học không tìm ra được biện pháp dập dịch dứt điểm?
- BS Nguyễn Đắc Thọ - TTYTDP TP: Bệnh tay- chân- miệng chưa có vaccin phòng ngừa. Bệnh do nhiều tác nhân gây ra: virus đường ruột như coxsackie nhóm B (typ 1 - 5), EV 71... Bệnh lưu hành quanh năm, nếu là do EV 71 thì sẽ gây bệnh nặng có thể tử vong. Các năm trước, virus gây bệnh là nhóm coxsackie, EV 71 chủng C5.
Năm nay, virus gây bệnh chủ yếu EV 71 chủng C4, đây là chủng lần đầu lưu hành ở thành phố và các tỉnh phía Nam vì vậy bệnh gây dịch lớn. Ở TP HCM từ khi biết được bệnh tay- chân- miệng lưu hành đến nay đã qua 12 năm với các vụ dịch năm 2003, 2007, 2011.
Như chúng ta biết, bệnh không có vaccin phòng ngừa, việc phòng bệnh chủ yếu dựa vào các biện pháp vệ sinh-không đặc hiệu nên dự phòng không đạt hiệu quả như mong muốn.
Phó TBT Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Tấn Phong (bìa trái) tặng hoa các khách mời giao lưu. Ảnh: Mai Hải |
Theo SGGP
Thông tin từ Bệnh viện Đại học (BV ĐH) Y Hà Nội ngày 18-7 cho biết, gần 40 cán bộ, bác sỹ của BV này đã bị ngộ độc thực phẩm trong kỳ nghỉ tại Hạ Long (Quảng Ninh) vào cuối tuần qua.
(HBĐT) - Vui mừng, phấn khởi và hoan hỉ - đó là thái độ của tất cả mọi người khi được biết việc HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết không thu phí trông giữ xe tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh. “Tại sao không vui được chứ, khi mà đã nhiều năm, tình trạng thu phí trông giữ xe diễn ra tại các bệnh viện, đặc biệt tác động trực tiếp đến những người hoàn cảnh kinh tế khó khăn có người nhà ốm đau nằm viện” .
Tại hội nghị trực tuyến chỉ đạo tuyến chuyên ngành ngoại khoa, tổng kết dự án bệnh viện (BV) vệ tinh và giới thiệu những thành tựu, tiến bộ y học của BV Việt - Đức diễn ra ngày 15-7 vừa qua, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV khẳng định, nếu không có các "bài thuốc điều trị" như dự án BV vệ tinh, Đề án 1816, thì "bệnh" quá tải còn nặng và sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nhân tuyến dưới lên tuyến trên phải xếp hàng, thậm chí 10 năm mới đến lượt được điều trị.
Trước khi máy tính được phát minh, bạn có thể ghi nhớ nhiều thông tin hơn như số điện thoại bàn hay ngày sinh nhật so với bây giờ. Và nghiên cứu cho thấy bộ não sẽ không muốn nhớ khi biết rằng thông tin đã được lưu trong máy tính.
Với 54 ca ghép thận, 4 ca ghép gan, 1 ca ghép tim và 2 ca ghép van tim được thực hiện tại BV Việt - Đức thành công thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đánh giá, trình độ ghép tạng ở Việt Nam đã tương đương, thậm chí cao hơn nước ngoài với tỷ lệ thành công 100%.
(HBĐT) - Trong khoảng thời gian từ 1 giờ đến 13 giờ ngày 17/7, trạm y tế xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) đã tiếp nhận 51 bệnh nhân với các triệu chứng ngộ độc thực phẩm: đau bụng, nôn mửa, sốt rét run và tiêu chảy nhiều lần.