Mẫu măng khô an toàn. (Ảnh: vfa.gov.vn)

Mẫu măng khô an toàn. (Ảnh: vfa.gov.vn)

Măng được xem như một sản phẩm thực phẩm đặc sản truyền thống thường được nhiều gia đình sử dụng phổ biến trong dịp tết và trong thực đơn các bữa tiệc.

 

Tuy nhiên, trong mấy tháng gần đây, việc cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều mẫu măng khô có tồn dư hóa chất lưu huỳnh vượt tiêu chuẩn hàng trăm lần có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng đã làm không ít người dân lo lắng…

Măng khô nở rộ dịp Tết

Dạo qua một vòng quanh các chợ Bưởi, Nghĩa Tân, Hàng Bè… dịp này, tại những cửa hàng lương thực khô, mặt hàng măng khô đã được nhập về để bán khá nhiều.

Chị Hương, chủ cửa hàng khô tại chợ Bưởi cho hay: “Ngày thường mặt hàng này bán rất chậm, chỉ mỗi dịp Tết về thì mới bán đắt hàng. Đợt vừa rồi chị nhập hơn 100kg.”

Hiện nay, giá của những loại măng khô này được các chủ cửa hàng bán dao động trong khoảng từ 240-300 nghìn đồng/kg. Khi được hỏi về nguồn gốc nhập sản phẩm, chị Thanh Hà ở chợ Hàng Bè phân trần, mặt hàng măng khô được chị lấy từ các tỉnh như Hà Giang, Bắc Kạn về.

Theo thông tin từ Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), vừa qua, kết quả giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm măng khô, măng tươi trên phạm vi cả nước đã phát hiện nhiều mẫu măng khô có tồn dư hóa chất lưu huỳnh và sulfite có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Cách đây hơn 2 tháng (10/2012), lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành tiêu hủy 25 tấn măng tươi sơ chế bằng lưu huỳnh. Trước đó, vào trung tuần tháng 9/2012 lượng chức năng Thanh Hóa cũng đã phát hiện và bắt giữ 530 kg măng sợi khô đã được sấy, hấp bằng lưu huỳnh. Qua kiểm tra cho thấy hàm lượng lưu huỳnh trong số măng này vượt hàng trăm lần so với mức cho phép.

Phân tích về tính độc hại của măng khô có hàm lượng lưu huỳnh, thạc sỹ Cao Văn Trung – chuyên gia về thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm cho biết, nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chứa chất lưu huỳnh có nồng độ cao, lâu dài mà không biết sẽ gây tổn thương về thần kinh, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết, ảnh hưởng đến sự phát triển của não.

Đặc biệt, ông Trung nhấn mạnh, có trường hợp ăn phải các loại măng có hàm lượng lưu huỳnh số lượng lớn, có thể gây tổn thương cho phổi, mắt thậm chí còn gây nhiễm độc máu, suy thận…

Trước những thông tin trên đã khiến người tiêu dùng lo ngại về sản phẩm này và phân vân không biết cách chọn lựa sản phẩm này ra sao.

Cách chọn măng an toàn


Theo Cục An toàn thực phẩm, măng khô chủ yếu được khai thác quanh năm nhưng tập trung chủ yếu vào tháng 7, 8, 9 trong năm. Loại măng trên do người dân vào rừng khai thác măng sau đó để tươi, luộc (măng chua) hoặc phơi khô để bán cho các chủ thu mua. Tùy theo mục đích sử dụng mà người ta có thể bảo quản bằng cách ngâm nước, phơi khô hoặc sấy (măng sợi, măng khô) để bán cho người sử dụng.

Ông Trung phân tích, lưu huỳnh (người dân thường gọi là diêm sinh) thường được sử dụng trong quá trình sấy khô măng để chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng hơn hoặc ngâm hóa chất tẩy trắng để làm cho sản phẩm măng trắng hơn nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Tại Việt Nam lưu huỳnh được xác định là hóa chất độc hại không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Theo khuyến cáo của WHO, hàm lượng lưu huỳnh không nên vượt quá 20mg cho một kg sản phẩm.

Với người tiêu dùng, việc nhận biết được sản phẩm măng truyền thống  không chứa lưu huỳnh hoặc chất bảo quản độc hại rất quan trọng. Để giúp người dân trở thành người tiêu dùng thông thái, ông Trung khuyến cáo người dân cách lựa chọn, sử dụng, chế biến măng đảm bảo an toàn.

Theo đó, người tiêu dùng nên chọn măng có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ, bề rộng thịt dày, khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay, có thể bẻ gãy được. Bên cạnh đó, măng tự nhiên còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc.

Đặc biệt, người dân chỉ nên mua măng khô được bảo quản trong túi ly non có nhãn mác, có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ông Trung cũng đưa ra một số dấu hiệu để nhận biết măng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Măng sấy bằng lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng của lưu huỳnh, khi ngửi sẽ có mùi SO2 (mùi diêm sinh). Măng ngâm hóa chất thường có độ bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc. Người tiêu dùng không nên mua măng có màu sắc khác thường và hạn chế mua măng chua trái mùa thu hoạch thông thường.

Để đảm bảo an toàn, khi chế biến măng khô, người tiêu dùng nên có những bước xử lý măng trước khi nấu như cần được rửa thật kỹ bằng nước sạch. Riêng đối với măng khô cần rửa sạch sau đó đổ ngập nước ngâm bằng nước ấm hoặc nước gạo (ngâm thời gian khoảng một đêm).

Theo ông Trung, khi người dân luộc măng thì nên thay nước từ 2 đến 3 lần, mỗi lần 30 phút. Bên cạnh đó, người tiêu dùng không sử dụng măng đã bị hỏng, mốc để phục vụ chế biến thành thức ăn./.

                                                                  Theo Báo Vietnam+
 
 

Các tin khác


Cảnh báo biến chứng nguy hiểm từ phương pháp căng da mặt bằng chỉ không an toàn

PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, căng da bằng chỉ là phương pháp làm đẹp không phẫu thuật được nhiều người lựa chọn, tuy nhiên biến chứng căng chỉ gây ra nhiễm khuẩn là vô cùng tai hại.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình đã tiến hành cấp cứu thành công bệnh nhân tổn thương mạch máu lớn nguy hiểm đến tính mạng dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức.

Thành phố Hòa Bình lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là hành động ý nghĩa, nhân văn, nghĩa cử cao đẹp, góp phần cứu sống, mang lại hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân cần máu tại các cơ sở y tế. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) vận động HMTN TP Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của phong trào HMTN. Qua đó, ngày hội HMTN hàng năm tổ chức tại địa bàn đã tiếp nhận hàng nghìn đơn vị máu do cán bộ, công chức, chiến sỹ, đoàn viên, thanh niên và người dân chia sẻ.

Yêu cầu đình chỉ ngay bếp ăn khiến 350 công nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm

Liên quan đến vụ việc 350 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, tối 14/5, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu đình chỉ ngay hoạt động bếp ăn tập thể của công ty này.

Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến khó lường, khó dự báo với các biến chủng phụ mới tiếp tục được ghi nhận. Bộ Y tế vừa có hướng dẫn mới nhất về tiêm vaccine phòng COVID-19 để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao...

Nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể - Bài cuối: Siết chặt quản lý để đảm bảo an toàn cho người dân

Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, hết năm 2023, số lượng nhà hàng, quán cà phê ở nước ta đạt mốc trên 300.000 chưa kể các quán ăn nhỏ lẻ, xe kéo. Việc quản lý an toàn thực phẩm ở các cửa hàng, thực phẩm đường phố, hàng rong rất khó khăn. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý khâu đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguồn gốc hàng hóa cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn bao giờ hết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục