(HBĐT) - Sau 2 ngày lênh đênh trên biển, tàu thả neo khi màn đêm đã buông xuống mù mịt, xa xa là những ánh đèn rọi lại cách tàu chúng tôi chừng 2 hải lý. Chỉ huy trưởng cho biết, đó chính là đảo Đá Lát, đảo tiền tiêu nằm gần đất liền nhất trong số các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu.


Đảo Đá Lát vững vàng giữa trùng khơi.

Háo hức, chờ đợi, hồi hộp và vui sướng là những cảm xúc đan xen khi biết rằng, ngay phía trước đã là đảo đầu tiên mà đoàn công tác ghé thăm sau 2 ngày rẽ sóng ra biển. Khi nghe đến cái tên Đá Lát, ai cũng phấn chấn, năng lượng hao hụt được bù đắp một cách thần kỳ. Sáng sớm, chỉ huy đoàn thông báo, đầu giờ chiều đoàn sẽ lên xuồng vào Đá Lát. Biển như chiều lòng người, giữa mùa giông bão nhưng lại êm đềm đến lạ. Từ boong tàu quan sát, đảo Đát Lát hiện ra sừng sững và lung linh khi ánh bình minh lấp lánh trên chiếc gương khổng lồ được tạo bởi sắc xanh của đại dương. Xung quanh đảo Đá Lát là những chiếc thuyền neo đậu của ngư dân sau một đêm đánh bắt xa bờ. 

13h, từng chiếc xuồng lần lượt chở cán bộ, chiến sỹ và phóng viên vào thăm, chúc Tết đảo Đá Lát. Tay bắt mặt mừng, giữa những người chưa từng gặp mà chỉ nhìn ánh mắt, chúng tôi đã cảm thấy thân quen đến lạ. "Đảo là nhà, biển cả là quê hương” - đó là dòng chữ được tô sắc đỏ nổi bật trên đảo Đá Lát, cùng với những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa trùng khơi mênh mông. Đảo Đá Lát nằm gần đất liền nhất trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đảo là một bãi san hô khép kín, là vị trí phòng thủ quan trọng, bảo vệ phía Bắc Đông Bắc của Nhà giàn DK1. 

Trong buổi chiều ngắn ngủi lên thăm đảo Đá Lát, được gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ, chúng tôi phần nào cảm nhận được nhịp sống của những người lính đảo. Đảo chìm, quanh năm nắng gió khắc nghiệt nhưng những luống rau muống, giậu mồng tơi và cây bàng vuông luôn tươi màu xanh thắm là minh chứng cho sự kiên cường, ý chí sắt đá vượt      lên mọi khó khăn của những người lính đảo. Trung úy Nguyễn Thành Trung đã từng công tác ở các đảo Song Tử, Cô Lin, Sơn Ca. Tháng 7/2019, anh nhận nhiệm vụ tại đảo Đá Lát. Lính đảo là xa nhà đằng đẵng. Hậu phương vững chắc là động lực để những người lính yên tâm công tác, tay chắc cây súng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trung úy Trung chia sẻ: "Mặc dù xa gia đình, vợ con nhưng chúng tôi luôn đoàn kết, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bởi, chúng tôi luôn có hậu phương vững chắc. Chúng tôi rất xúc động khi nhận được quà Tết của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên mọi miền đất nước gửi về. Tết trên đảo cũng như ở đất liền, đầy đủ hương vị, đặc biệt nó chan chứa tình cảm, là nguồn động lực rất lớn để chúng tôi giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.  

Chuyến đi này, nhiều cán bộ, chiến sỹ từ đất liền ra công tác tại các đảo. Đổi lại, cán bộ, chiến sỹ đã hoàn thành nhiệm vụ ở các đảo sẽ trở về đất liền nhận nhiệm vụ mới. Không giấu nổi cảm xúc tự hào, xúc động và niềm vui sau 1 năm gắn bó với đảo Đá Lát, trung sỹ  Đỗ Ngọc Trường, chia sẻ: Một năm công tác tại đảo là khoảng thời gian thiêng liêng của cuộc đời em khi được cùng những người đồng đội ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hoàn thành nhiệm vụ, em được trở về đất liền, cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vui vì được gặp gia đình, bạn bè, nhưng buồn vì phải rời xa đảo Đá Lát, rời xa những người đồng đội thân yêu. 

Tâm trạng của chiến sỹ trẻ Đỗ Ngọc Trường cũng là tâm trạng của chúng tôi khi chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi nán lại trên đảo. 16h30p, chúng tôi chào tạm biệt Đá Lát trong những cái ôm ấm áp, cái bắt tay bịn rịn để tiếp tục hành trình "chở Tết" đến những đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Mỗi đảo là một câu chuyện, một lát cắt về những người con đất Việt, những người lính kiên trung ngày đêm âm thầm bảo vệ vững chắc non sông, bờ cõi.

Viết Đào

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục