(HBĐT) - Mấy năm gần đây, giới trẻ và những người thích "xê dịch” luôn tìm đến những điểm du lịch có cảnh đẹp còn hoang sơ để "sống ảo”. Họ muốn đến nơi hoang dã để quên đi những bận rộn, xô bồ, lo toan của cuộc sống thực tại. Và Tà Xùa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) là một nơi như vậy.


Hình ảnh mây được nhìn từ nhiều góc ở Tà Xùa.

Tìm nơi "sống ảo”

Một ngày giữa đông, chúng tôi ngược dốc từ Mộc Châu vắt qua lòng hồ sông Đà lên Tà Xùa. Gần đây, Tà Xùa được giới trẻ biết đến là điểm du lịch lý tưởng đáng để đi, đáng để đến, nhất là những người thích "phượt" vùng Tây Bắc. Đã quá giờ tối, chúng tôi mới đến được trung tâm huyện Bắc Yên. Hỏi đường lên Tà Xùa ai cũng bảo: "Đang làm đường, khó đi đấy”. Quả thực chỉ 15km từ thị trấn Bắc Yên mà mất hơn 1 giờ đồng hồ. Con đường nhỏ dốc bám vào núi, một bên là vực đang được rải nhựa từng đoạn. Nhiều đoạn chỉ mới đang rải đá nên khách trên xe thót tim không dám nhìn. Gặp xe ngược chiều phải dừng lại, có khi xe phải lùi đến đoạn đường rộng nhường xe xuống núi. Càng lên cao, thị trấn Bắc Yên chỉ còn lại chấm đèn nhỏ. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân lên đây là rét và gió. Xuất phát từ thành phố Hòa Bình nhiệt độ chỉ 26 độ C, lên Mộc Châu 23 độ C, ở đây chỉ 11 độ C. Trước đây, Tà Xùa là một xã nghèo của du lịch Sơn La, nơi trước kia chỉ được biết đến quả sơn tra và chè shan tuyết cổ thụ, giờ đây lại là điểm đến đầy hấp dẫn. Những con đường được mở ra không chỉ giúp thông thương, người dân đi lại dễ dàng hơn mà còn tạo điều kiện để phát triển về du lịch. Những con đường dẫn lối chạy lên núi ngày càng được nhiều người khám phá, họ đến chỉ để ngắm nhìn mây trời và săn những bức ảnh thú vị. Săn mây ở Tà Xùa đẹp nhất là từ tháng 10 cho đến tháng 4 hằng năm. Vào thời điểm này, săn mây thành công rất cao, đẹp, lâu bốc và có những khoảnh khắc ảo diệu, ấn tượng.

Điểm nghỉ của chúng tôi là homestay Mạnh Luân Sơn Trang của 3 thanh niên quê từ Thái Bình lên đây lập nghiệp. Ông chủ là Hà Mạnh Luân, sinh năm 1985. Anh vốn xuất thân từ trường viết văn Nguyễn Du rồi ra làm báo, mê núi, mê làm du lịch. Một lần theo bạn bè ngược Tà Xùa, rồi anh quyết định rẽ sang làm homestay. Bắt tay từng người khi đón khách anh cho biết: May các anh đặt phòng trước rồi, nếu chưa đặt thì tầm này lên đây chỉ cắm trại ngủ ngoài rừng thôi vì khó tìm được chỗ nghỉ. Cả Tà Xùa chỉ có hơn 20 homestay, cuối tuần nào cũng vậy đều kín khách. Mùa này là mùa săn mây nên việc đặt phòng phải sớm hơn. Khách ở đây cũng có thể lựa chọn ở thị trấn Bắc Yên, nơi có nhiều nhà nghỉ và đồ ăn. Nhưng khi săn mây sẽ phải đi sớm từ 3-4 giờ sáng. Dân phượt thường thích ở Tà Xùa hưởng không khí của núi rừng và sương lạnh. Homestay ở đây mức giá từ 150.000 - 300.000 đồng/phòng/2 người, nhà sàn khoảng 100.000 đồng/người. Nếu thích ngủ "bụi” thì chọn vị trí đẹp trên "sống lưng khủng long” để dựng lều, sáng hôm sau thức dậy ngắm bình minh. "Sống lưng khủng long” thuộc xã Háng Đồng, cách điểm du lịch Tà Xùa hơn 10km nằm trên con đường nối liền 3 đỉnh núi cao nhất ở Tà Xùa. Với chiều cao trên 2.500 m, "Sống lưng khủng long" đem đến cảm giác đi giữa không trung như hành trình trekking ở những ngọn núi hùng vĩ nhất. Cảm giác mạnh hơn là con đường chỉ chừng 1m cũng như lổn nhổn sỏi đá, hai bên là vực sâu hun hút. Chúng tôi lên đến Tà Xùa, nhận phòng ngó qua view thì chỉ thấy ánh trăng mờ, núi rừng mịt mùng và thỉnh thoảng có đốm đèn phía chân núi. Luân bảo: Giờ thì chẳng có gì đâu anh? Sáng mai, anh dậy sớm trước 5 giờ mới săn được mây.

Người "nghiện mây”

Sau bữa cơm tối tại homestay chỉ đơn giản gà luộc và rau cải luộc. Anh chủ nhà cho biết: Đường xa, thưa người nên ở trên này chỉ sẵn những món ăn địa phương. Nhiều đồ ăn mang lên để tủ khách đều không thích nên bọn em ít đi chợ. Sau bữa ăn, trời lạnh chúng tôi quây quần bên bếp lửa nướng ngô, khoai, sắn sưởi ấm và trò chuyện. Khung cảnh đó làm tôi nhớ lại tuổi thơ ấu của mình. Những đêm đông lạnh không ngủ được chỉ sưởi lửa đến gần sáng. 


"Sống lưng Khủng Long" là điểm trải nghiệm lý tưởng khi đến Tà Xùa.

Ngoài trời sương xuống nhiệt độ càng về đêm chỉ còn 9 độ C. Đêm đó, cả Homestay đều không ngủ được. Chúng tôi ngồi sưởi cùng mấy thanh niên từ Hà Nội lên. Có 2 nhóm: Một nhóm 4 sinh viên trường Cao Đẳng lao động xã hội. Thích "phượt", ngày nghỉ rủ nhau đi xe máy từ Hà Nội lên. Lộ trình từ quốc lộ 32 qua Phù Yên (Sơn La) rồi lên đây. Thành một người trong nhóm chia sẻ: Lần đầu tiên em lên đây. Nghe bạn và qua báo chí, mạng xã hội kể về Tà Xùa nhiều nên háo hức. Mấy lần dự định nhưng bận học. Mình vừa đi vừa khám phá anh ạ! Đi mới thấy hay. Không đi thì tiếc. Rồi Thành chỉ sang người bạn ngồi cạnh bảo bạn em đây lên đây 5 lần rồi. Nó "nghiện mây” anh ạ!.  Lân, người ngồi cạnh cười tâm sự: Em thích đi và đi được đi nhiều nơi nhưng dù sao ở đây vẫn là điểm lý thú khám phá. Ngoài thú săn mây thì còn nhiều điểm nữa. Mục tiêu mỗi lần lên đi một điểm như: Sống lưng Khủng Long, hồ Sen Hua Nhàn, đồi Pu Nhi, ruộng bậc thang Xím Vàng… Mỗi lần một trải nghiệm về không quên được. 

Theo kinh nghiệm săn mây của Lân thì ở Tà Xùa, cả 4 hướng đều được bao phủ bởi biển mây trắng xóa, rợn ngợp. Đứng trên đỉnh Tà Xùa nhìn xuống, tưởng như mình lạc vào chốn thần tiên xứ sở sương mù chỉ có trong truyện cổ tích thần thoại. Thung lũng mây Tà Xùa được che chắn bởi dãy núi hùng vĩ, trùng điệp, Tà Xùa vô cùng lặng gió nên bạn có thể tha hồ chụp ảnh tự sướng sống ảo cùng bạn bè mà không lo mây sương tan đi. Nhiều lúc được cảm nhận lớp mây bồng bềnh tan trong bàn tay như những lớp sóng dập dềnh trên hồ. Phía xa xa, những bản làng thoắt ẩn, thoắt hiện mang đậm nét độc đáo của con người Sơn La là bức tranh tuyệt đẹp bạn sẽ không bao giờ quên khi đặt chân tới đây.

Ngồi cạnh Lân là một thanh niên tên Chung. Chung là "dân" công nghệ đang làm cho một công ty tư nhân ở Cầu Giấy. Chung đi một mình với chiếc Wave 110. Chung chia sẻ: Em nghiện săn mây anh ạ. Từ ngày đi làm, có lương em luôn dành dụm để đi "phượt". Hầu hết em đều đi một mình cho thoải mái. Có những chuyến em xin nghỉ đi cả tuần mới về. Ở miền Bắc hầu hết em đã đi, kể cả những nơi xa xôi như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang. Cứ thấy thời tiết có mây là em đi. Đây cũng là lần thứ 4 em lên đây để săn mây. Mây ở đây đẹp hơn nhiều nơi khác như Hà Giang, Lai Châu là nhìn được từ nhiều phía và xuất hiện thường xuyên hơn. Và đây là nơi lý tưởng để giới trẻ trải nghiệm cuộc sống nơi vùng cao.

Gần sáng, cả khu nhà homestay mới ngủ được. Đang chập chờn thì tôi tỉnh giấc bởi tiếng gọi: Các anh ơi dậy thôi! Có mây rồi. Cả khu nghỉ bật dậy. Trước mắt chúng tôi không phải đêm tối mịt mùng như đêm hôm trước mà là những tầng mây như chốn bồng lai tiên cảnh. Mây như quẩn vào chân, chạm vào tay vẩn vít quanh người. Và đó cũng là lý do mà nhiều người nghiện mây đến vậy. 


Việt Lâm

Các tin khác


Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục