(HBĐT) - Ngày 10/1/2021, trong ngày phát lệnh khởi công dự án Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Những công trình thủy điện trên dòng sông Đà là biểu tượng của sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước.



Công trình thủy điện Hòa Bình trên sông Đà (TP Hòa Bình).

Công trình NMTĐ Hòa Bình là biểu tượng của mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay với hàng vạn lao động hăng say trên công trường. Đây cũng là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó. Biết bao xương máu, mồ hôi của các công nhân, lao động, kỹ sư... đóng góp cho công trình đặc biệt này. Đây cũng là sự kiện trọng đại, sâu sắc nhất trong dịp kỷ niệm 135 năm thành lập tỉnh (1886 - 2021), 30 năm tái lập tỉnh Hòa Bình (1991 - 2021).

Cách đây 41 năm, vào năm 1979, cả nước đã hướng về Hòa Bình mừng lễ khởi công công trình thế kỷ - NMTĐ Hòa Bình, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, mở đầu cho "bản hùng ca của ngành Điện lực Việt Nam thế kỷ XX”. Với công suất 1.920 MW, ngoài nhiệm vụ chính là nguồn cung cấp điện chủ lực cho hệ thống điện quốc gia, NMTĐ Hòa Bình còn có nhiệm vụ chống lũ cho Hà Nội và vùng hạ du, đảm bảo lưu lượng nước tưới phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt cho đồng bằng Bắc Bộ.

Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 9.220,83 tỷ đồng; trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30%, 70% còn lại gồm: nguồn vốn vay thương mại trong nước 4.000 tỷ đồng, do Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thu xếp; vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ 70 triệu EUR của Cơ quan phát triển Pháp (AFD).

Còn nhớ, ngày 17/8/1962, Bác Hồ về thăm trường Thanh niên Lao động XHCN Hòa Bình, khi đi phà qua sông Đà sang trường, Bác đã nói: Sau này thống nhất đất nước, ta phải trị thủy sông Đà, biến sự hung dữ của nó phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.

Thực hiện lời di huấn của Bác Hồ, Hội nghị Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng ngày 29/5/1971 đã quyết định xây dựng NMTĐ trên sông Đà tại thị xã Hòa Bình. Ngày 2/9/1971 là ngày đáng ghi nhớ của những người xây dựng công trình thủy điện, khi mũi khoan thăm dò đầu tiên khoan vào lòng đất tại đồi Ba Vành, mở đầu cho công tác khảo sát, chuẩn bị để khởi công công trình thủy điện mang tầm cỡ thế giới này. Trong đó, công tác di dân, giải phóng mặt bằng, giải phóng lòng hồ để xây dựng công trình thủy điện là một việc quan trọng, có khối lượng lớn, tiến độ chặt chẽ, được tiến hành trên địa bàn rộng, trực tiếp ảnh hưởng đến địa bàn sản xuất, đời sống, tâm tư, tình cảm, phong tục tập quán của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Khó có thể kể hết những khó khăn mà Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình phải trải qua khi đóng góp, hy sinh cho công trình thủy điện trên sông Đà. Với phương châm chuyển tại chỗ - bà con Nhân dân các xã không bị di chuyển sẵn sàng cắt một phần đất thổ cư, đất vườn để nhường cho bà con phải di chuyển đến sớm ổn định đời sống để tiếp tục sản xuất. Từ năm 1976-1986, toàn tỉnh đã di chuyển được 2.610 hộ dân, riêng vùng lòng hồ 2.060 hộ và 5.275 mồ mả. Bước sang năm 1990, kế hoạch chuyển dân vùng lòng hồ là 450 hộ, nhưng phát sinh thêm 296 hộ, đây cũng là đợt di chuyển dân cuối cùng song lại đặc biệt khó khăn, vì càng về cuối độ dốc càng cao, đường giao thông vô cùng khó khăn, địa bàn đón dân thiếu. Như vậy, với một thời gian kỷ lục 15 năm (1976 -1991), Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc, Kỳ Sơn, Mai Châu, Tân Lạc và thị xã Hòa Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển dân, xây dựng nơi mới, đảm bảo yêu cầu, tiến độ thi công của công trình thủy điện sông Đà.

Những nỗ lực, cố gắng vượt mọi thời gian, mọi địa hình hiểm trở của con người đã được đền đáp xứng đáng, ngày 31/12/1988, tua bin tổ máy số 1 bắt đầu quay vòng quay đầu tiên, ngày 4/4/1994, tổ máy số 8, cũng là tổ máy cuối cùng của nhà máy chính thức hoàn thành. Ngày 24/12/1994, đất nước ta phấn khởi chào mừng sự kiện trọng đại là ngày khánh thành NMTĐ Hòa Bình trên sông Đà, đánh dấu kết quả của 15 năm lao động quên mình vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc của hàng vạn cán bộ, công nhân viên và chuyên gia trên công trường lần đầu tiên thi công, xây dựng một công trình vĩ đại của thế kỷ XX.

Và trung tuần tháng 1/2021 - thế kỷ XXI, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình cùng với cả nước một lần nữa chứng kiến sự kiện trọng đại của quốc gia, của dân tộc, đó là lễ khởi công dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng. Công trình này sẽ làm tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhiều dự án quy hoạch phát triển TP Hòa Bình sẽ được thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, quyết tâm của Nhân dân các dân tộc Hòa Bình, làm cho quê hương ngày càng thay da đổi thịt. Công trình NMTĐ sẽ là minh chứng sống cho sự trường tồn đoàn kết của dân tộc ta. Thế hệ trẻ chúng tôi tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có bề dày truyền thống cách mạng, có một hiện tại đang khởi sắc và một tương lai hứa hẹn nhiều thắng lợi mới, để trên công trường lại rộn tiếng ca và tất cả chúng ta luôn "Ghi nhớ mãi lời Bác, trái tim mãi hồng tươi… Nào ta đi lên, dựng xây quê hương ta”.


Bùi Thị Thanh Huyền 
(Kho bạc Nhà nước tỉnh)


Các tin khác


Đại hội XIII - quê hương đổi mới và niềm tin phát triển

(HBĐT) - Những ngày chuẩn bị diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trên khắp các miền quê Hòa Bình thời tiết hửng nắng ấm áp xua tan giá rét những ngày đông. Niềm tin yêu đổi mới, đời sống ấm no, hạnh phúc hòa trong sắc cờ đỏ búa liềm, băng rôn, khẩu hiệu được trang hoàng từ bản làng xa xôi đến đô thị, nông thôn miền núi. Cán bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh với niềm tin phát triển, kỳ vọng vào các chủ trương, quyết sách lớn từ Đại hội XIII của Đảng, để toàn thể người dân được hưởng thụ thành quả của sự đổi mới, phát triển.

Muôn trái tim hướng về Đại hội XIII

(HBĐT) - Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/1 - 2/2/2021, tại Thủ đô Hà Nội. Sự kiện chính trị trọng đại nhất của đất nước ta tại thời điểm này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của hàng triệu trái tim Việt Nam, trong đó có Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Quyết liệt trên các công trình giao thông trọng điểm

(HBĐT) - Chỉ còn khoảng gần 1 tháng nữa bước sang năm Tân Sửu 2021, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát miệt mài bám sát công trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổ chức thi công theo biểu đồ tiến độ, phấn đấu đưa các công trình vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư của các dự án.

Tết sớm nơi đại ngàn

(HBĐT) - Tết cổ truyền của đồng bào Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán 1 tháng, nên những ngày này, bà con đồng bào Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu) đã rộn ràng đón Tết. Khắp bản Mông, đào rừng đã hé nụ, hoa mai bung sắc trắng tinh khôi cùng bản Mông vui xuân, đón Tết.

Nhịp sống mới trên quê hương Mường Động

(HBĐT) - Bất kỳ ai, ngay cả những người dân địa phương cũng cảm nhận sự chuyển biến rõ rệt, chất lượng cuộc sống đi lên, quê hương Mường Động thay đổi từng ngày. Câu ca "Yêu nhau cho thịt cho xôi/ Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì” đến bây giờ vẫn là ký ức buồn, khó quên với biết bao người.

Thung lũng mai anh đào trên cung đèo Ô Quý Hồ

(HBĐT) - Từ giữa tháng 12 đến hết tháng 1 là mùa lý tưởng nhất trong năm khi thung lũng mai anh đào nằm trên cung đường đèo Ô Quý Hồ, rất gần thị trấn Sa Pa (Lào Cai) bung nở rực rỡ. Giá rét của mùa đông khó cản được bước chân du khách háo hức khám phá những điều mới lạ và thung lũng mai anh đào đang là điểm đến cực kỳ hút khách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục