Năm 2024, hai con số ấn tượng đã được ngành công nghiệp tỉnh Hoà Bình xác lập. Đó là 15,24% - mức tăng trưởng chưa từng có và 44% GRDP - một cột mốc lịch sử. Công nghiệp xứ Mường không còn là "vai phụ” mà dần trở thành trụ cột, định hình tương lai nền kinh tế vùng đất cửa ngõ Tây Bắc.




Công nhân Công ty TNHH Ban Dai Việt Nam (Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình) 
làm chủ phương thức sản xuất 4.0, hướng đến mục tiêu tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trên thị trường. 

Những công xưởng giữa đại ngàn Tây Bắc

Bốn giờ sáng, trời Tây Bắc còn say ngủ trong màn sương dày đặc. Những vệt đèn xe tải xuyên qua bóng tối, nối đuôi nhau về Khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn. Ở đó, những dây chuyền sản xuất không ngưng nghỉ, lô hàng xuất khẩu vừa đóng xong, lại thêm mẻ nguyên liệu mới sắp đổ về.  

Từ trên cao nhìn xuống, nơi này chẳng khác nào một thành phố công nghiệp thu nhỏ. Những mái tôn nhà xưởng xếp san sát, phản chiếu ánh đèn neon xanh lét. Quanh KCN vẫn còn đó những thôn xóm nép mình bên sườn núi. Nhưng giờ đây, giữa vùng đất từng chỉ quen với đồng ruộng và tiếng mõ trâu chiều muộn, có một nhịp sống khác trỗi dậy. Nhịp sống của máy móc, của những người công nhân bắt đầu ca làm việc khi người dân còn say giấc. Hòa Bình đang đổi thay mạnh mẽ.  

Không có gì ngẫu nhiên. "Cơn sóng" công nghiệp tới Hòa Bình không phải tự nhiên mà có. Đây là kết quả của một chiến lược dài hơi, được định hình từ Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế Hoà Bình đạt mức trung bình của cả nước. Mục tiêu Nghị quyết đặt ra rất rõ ràng và để hiện thực hoá, tỉnh chọn cách mạnh dạn "chuyển mình" bằng những KCN, cụm công nghiệp (CCN) mọc lên giữa miền rừng núi.  

Ở KCN Lương Sơn, những khối nhà xưởng san sát được dựng lên. Cơ khí chế tạo, linh kiện điện tử, tự động hóa… từng chỉ có ở các thành phố lớn, giờ đã trở thành "đặc sản" của KCN này. Về phía nam, CCN Phú Thành II (Lạc Thủy) đang trở thành "thủ phủ” công nghiệp hỗ trợ, với những nhà máy bao bì, vật liệu xây dựng quy mô lớn. CCN Tiên Tiến (TP Hòa Bình) lại mang một màu sắc khác - nơi những sản phẩm chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng được xuất các tỉnh, thậm chí ra cả nước ngoài… Mỗi khu, CCN mọc lên là hàng nghìn lao động có việc làm, là dòng vốn đầu tư đổ về, là thêm một mảnh ghép tươi sáng trên bức tranh tăng trưởng của tỉnh. 

Ba năm trước, ông Nguyễn Phú Thơ - chủ một doanh nghiệp tại CCN Tiên Tiến (TP Hoà Bình) còn đắn đo khi quyết định đầu tư. Giờ đây, nhìn lại ông bật cười: Hạ tầng tốt, chính sách ưu đãi, lao động dồi dào… Nếu cứ giữ đà này, chẳng mấy chốc Hòa Bình sẽ là điểm đến công nghiệp phía Bắc!

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đặt cược vào mảnh đất này. Công ty CP Bao bì Nakata Việt Nam - một doanh nghiệp Nhật Bản đã đặt nhà máy tại CCN Phú Thành II. Không chỉ sản xuất bao bì chất lượng cao, họ còn tạo ra hàng trăm việc làm cho lao động địa phương. Những "ông lớn” khác cũng lần lượt xuất hiện: Nhà máy xi măng Trung Sơn (công suất 2,5 triệu tấn/năm), dự án KCN Yên Quang hợp tác với nhà đầu tư Singapore, các nhà máy linh kiện điện tử từ Hàn Quốc, Hong Kong… Dòng vốn hàng nghìn tỷ đồng đang đổ về, kéo theo cả sự dịch chuyển lao động và nâng cao trình độ sản xuất.  

"Con thuyền" Made in Hòa Bình vươn khơi 

Bầu trời còn bảng lảng hơi sương. Tại KCN Lương Sơn, những dãy nhà máy vươn mình trong ánh đèn vàng. Từng dòng công nhân hối hả bước vào ca làm việc sớm. Họ là những bánh răng nhỏ trong cỗ máy khổng lồ của nền công nghiệp địa phương - nơi đang góp phần thay đổi diện mạo xuất khẩu của tỉnh sau 3 năm cơ cấu lại kinh tế.

Từ những phân xưởng, nhiều lô hàng linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, thiết bị điện, dệt may liên tục được đóng gói, xếp lên container, sẵn sàng lên đường sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở phân xưởng khác, hàng nghìn chiếc áo sơ mi, quần jeans được đóng gói cẩn thận, gắn nhãn "Made in Việt Nam", sẵn sàng lên đường sang thị trường châu Âu. 

Xa hơn là những bao tải tinh bột sắn trắng mịn ở huyện Lạc Sơn được đưa lên xe, chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Cam vàng óng, sau khi qua dây chuyền chế biến, được đóng chai thành nước ép, có mặt trên kệ siêu thị ở Hàn Quốc. Bên trong dây chuyền tự động, những cánh tay robot hoạt động không ngừng, con số xuất khẩu cũng tăng lên theo từng nhịp chuyển động ấy.  
Chúng tôi gặp anh Phạm Minh Quang, quản lý một xưởng sản xuất linh kiện điện tử của doanh nghiệp Hàn Quốc, trong bộ đồ bảo hộ xám bạc còn nguyên lớp bụi công xưởng. Anh cười, vỗ nhẹ vào một kiện hàng vừa hoàn tất, nói như khoe: "Hàng này đi Mỹ đấy, khách đặt hơn nửa năm rồi. Trước toàn nhập qua trung gian, giờ họ đặt thẳng mình luôn!”…

Sự chuyển mình mạnh mẽ của xuất khẩu công nghiệp Hòa Bình không chỉ đến từ các doanh nghiệp ngoại. Những doanh nghiệp trong nước, trước đây lép vế, giờ cũng mạnh dạn tham gia sân chơi lớn. Một số công ty sản xuất cơ khí chính xác, dệt may và nhựa tái chế đã chính thức ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với đối tác châu Âu, tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.  

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 2.000,514 triệu USD, tăng 18,02% so với cùng kỳ. Những con số không còn là giấc mơ mà đã trở thành thực tế. Quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 554,249 triệu USD, tăng 16,06% so với cùng kỳ năm trước. Câu chuyện của những con số không khô khan, mà phản ánh hơi thở của hàng ngàn lao động, là những giấc mơ mang thương hiệu Việt vươn xa.  

Đồng chí Chu Văn Thắng, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 5 KCN đã được thành lập, trong đó 3 KCN đang hoạt động, thu hút 111 dự án đầu tư thứ cấp với 27 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 429,37 triệu USD; 84 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký trên 15,8 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh có 15 CCN được thành lập, thu hút 40 dự án với tổng vốn đăng ký 3,7 nghìn tỷ đồng. 

Con đường phía trước còn dài, nhưng Hòa Bình đang có những bước đi chắc chắn. Với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 18% trong năm 2025, tỉnh thúc đẩy xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất và ứng dụng công nghệ hiện đại. Các KCN tiếp tục được mở rộng, tạo ra sức hút mới với các nhà đầu tư.  

Những cỗ máy trong nhà xưởng vẫn quay, những chuyến xe chở hàng vẫn lăn bánh về cảng biển, đưa sản phẩm của Hòa Bình đi muôn nơi. Giữa bức tranh công nghiệp rực rỡ ấy, những người lao động vẫn miệt mài, cặm cụi như những chiến binh thầm lặng trên mặt trận kinh tế, viết tiếp giấc mơ đưa tỉnh Hòa Bình vươn xa trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

(Còn nữa)

Hải Yến

Các tin khác


Sức trẻ tháng Ba

Cứ dịp tháng Ba đến là khí thế thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, tinh thần tuổi trẻ lại tăng lên gấp bội. Cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ tỉnh Hòa Bình sẵn sàng đảm nhận các việc khó, việc mới, chung sức xây dựng nhiều công trình, phần việc cụ thể, quyết tâm cao thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Tháng 3 trên công trường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Tiếng máy khoan vào đá vang vọng giữa đại ngàn Tây Bắc; tia lửa hàn chớp loé phản chiếu những gương mặt lấm tấm mồ hôi; chiếc xe ì ầm phun bê tông trên mạch đường vừa khai sinh… không khí lao động hối hả hiển hiện trên công trường Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dưới lớp bụi đỏ cuộn lên trong nắng, các mũi thi công hoạt động không ngơi nghỉ, tiến độ được đẩy mức cao nhất. Vượt lên thử thách của địa hình khắc nghiệt, những cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường không chỉ mở đường cho xe chạy, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bứt phá của cả vùng Tây Bắc.

Thông điệp hòa bình trong những huy hiệu phản chiến

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tọa lạc trên đường Võ Văn Tần (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ cách Dinh Độc Lập khoảng 1,5 km. Nơi đây được thành lập ngày 4/9/1975, tức sau vài tháng so với mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc: Ngày 30/4/1975 - Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày đầu năm 2025, trong không khí cả nước tự hào hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức trưng bày chuyên đề "Câu chuyện từ những huy hiệu phản chiến”. Đến đây mới thấy thông điệp vì hòa bình in đậm trong từng chiếc huy hiệu, thấm đẫm trong từng câu chuyện lịch sử và làm sống lại nhiều ký ức về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Khơi dậy, phát huy giá trị di sản văn hóa Hòa Bình: Bài 5 - Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch - “mục tiêu kép”

Những năm qua, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình chú trọng việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) truyền thống các dân tộc, nhất là các di tích thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình" gắn với phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa Hòa Bình trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn.

Ngày 15/3/1975: Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận lệnh rút ngắn kế hoạch giải phóng Tây Nguyên

Ngày 15/3/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận được điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chấp thuận kế hoạch rút ngắn thời gian giành thắng lợi.

Khơi dậy, phát huy giá trị di sản văn hóa Hòa Bình: Bài 4 - Động lực để cộng đồng phát huy vai trò chủ thể di sản văn hóa

Nhận thức rõ tầm quan trọng của bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) là góp phần bảo vệ, phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam, thiết thực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình xác định đây là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa. Cùng với đó, huy động được các nguồn lực, tạo sự đồng thuận của nhân dân và sức mạnh cộng đồng các dân tộc trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục