Năm 2020, trên mỗi hecta đất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hòa Bình, giá trị thu nhập đạt 130 triệu đồng. Sau 4 năm, với những chuyển mình táo bạo trong cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, con số ấy đã tăng lên 200 triệu đồng/ha - mức tăng 53,85%. Đặc biệt, với những cây trồng chủ lực, thu nhập trên một đơn vị diện tích thậm chí đạt 250 triệu đồng/ha, tăng 92,31% - một bước nhảy vọt mà chính những người nông dân lâu năm cũng bất ngờ.




Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC (Tân Lạc) là một trong những hợp tác xã đi đầu trong 
ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

"Gieo" công nghệ, đất quê trổ mùa vàng

Từ một nhóm sản xuất với vỏn vẹn 7 thành viên, Hợp tác xã (HTX) 3T Nông sản Cao Phong (3T Farm) đã từng bước vươn mình, biến những vườn cam bình dị thành những cánh đồng "vàng” trĩu quả, chuẩn hóa theo quy trình VietGAP. Chỉ sau vài năm, số thành viên HTX đã tăng lên, diện tích trồng cam mở rộng, kéo theo cả những đổi thay rõ rệt trong tư duy sản xuất của người nông dân.
 
Không còn cảnh trồng trọt theo lối mòn cũ kỹ, thành viên HTX 3T Farm học cách "nuôi" đất bằng phân hữu cơ, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, nói không với thuốc diệt cỏ. Nhưng có lẽ, bước ngoặt lớn nhất chính là khi HTX quyết định không dừng lại ở việc trồng cam mà mạnh dạn bước vào lĩnh vực chế biến sâu. Trà detox cam, bột cam nguyên chất, mứt cam… lần lượt ra đời, giúp trái cam quê hương không chỉ dừng lại trên quầy sạp.  

Chị Vũ Thị Lệ Thủy - Giám đốc HTX cũng là người tiên phong trong hành trình nâng tầm trái cam Cao Phong chia sẻ: "Muốn đi xa, không thể đi một mình”. 3T Farm may mắn khi giai đoạn khó khăn nhất lại "gặp” được Nghị quyết về cơ cấu lại kinh tế. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để 3T được tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ… Từ đó, không chỉ kết nối với các hộ nông dân, 3T Farm còn bắt tay với các doanh nghiệp, chuỗi bán lẻ, mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Giờ đây, cam Cao Phong đã và đang đường hoàng bước vào hệ thống thực phẩm sạch tại Hà Nội, Thanh Hóa cùng nhiều tỉnh, thành phố khác.  

Thế nhưng, con đường vươn ra biển lớn không trải hoa hồng. Người nông dân nơi đây từng đối mặt với muôn vàn khó khăn: từ việc thay đổi thói quen canh tác, đến chuyện tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đã có lúc, họ loay hoay giữa bài toán giá thành và chất lượng, giữa nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất. Nhưng rồi, với sự đồng hành của các cấp uỷ, chính quyền, niềm tin mãnh liệt vào một nền nông nghiệp xanh, với những trái cam sạch không chỉ để ăn mà còn để sống, 3T Farm đã từng bước chinh phục khách hàng, góp phần đưa thương hiệu cam Cao Phong vươn xa. Giờ đây, giữa những vườn cam ngút ngàn, người ta không chỉ thấy sắc vàng rực rỡ của trái ngọt, mà còn thấy cả ánh mắt lấp lánh hy vọng của những người nông dân đang viết tiếp câu chuyện mới cho vùng đất này.

Không quá khi nói, Nghị quyết số 09-NQ/TU về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng như một cơn mưa rào tưới mát cánh đồng khát khao đổi thay, mang đến không chỉ những mùa vụ bội thu mà cả những cơ hội làm giàu bền vững cho người nông dân.

Đi giữa xã Quyết Chiến (Tân Lạc) không khó để bắt gặp những luống rau xanh mướt trải dài trong hệ thống nhà màng của HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC. Trên diện tích 8ha, toàn bộ quy trình sản xuất đều tuân thủ theo tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt. Những giọt nước phun mưa tí tách từ hệ thống tưới tự động không chỉ giúp cây trồng phát triển tốt mà còn giảm thiểu nhân công, hạn chế tối đa sâu bệnh mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Người nông dân ở đây không còn chỉ trông chờ vào kinh nghiệm truyền đời, mà bắt đầu tiếp cận với bảng thông số dinh dưỡng, độ ẩm đất, hệ thống điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh.  

Còn ở huyện Lương Sơn, nơi được xem là điểm sáng trong nông nghiệp công nghệ cao của Hòa Bình, Công ty TNHH SkyFarm đã đầu tư hệ thống nhà màng kiên cố để trồng cà chua theo quy trình khép kín. Cây cà chua ở đây được "nuôi dưỡng" bằng công nghệ tưới tự động, từng giọt nước, từng dưỡng chất đều được đo lường chuẩn xác. Nhờ cách làm này, doanh thu từ cà chua của doanh nghiệp đạt trên 500 triệu đồng/ha/vụ - con số mà trước đây, ngay cả những người nông dân lâu năm cũng khó tưởng tượng nổi.  

Không chỉ dừng lại ở những vùng thuận lợi, tại Lạc Sơn, nơi đất đai cằn cỗi và điều kiện canh tác còn nhiều hạn chế, HTX dịch vụ nông nghiệp Xanh Hiếu Thịnh đã chứng minh rằng, chỉ cần thay đổi tư duy, đất nào cũng có thể trổ hoa. HTX đã mạnh dạn áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Không chỉ vậy, các chế phẩm vi sinh cũng được đưa vào sử dụng, thay thế hoàn toàn phân bón hóa học, tạo ra những sản phẩm rau an toàn mà người nội trợ hoàn toàn có thể tin tưởng. Không phụ công người trồng, mỗi hecta rau sạch tại đây mang về hơn 200 triệu đồng/vụ, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu…

Từ những mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, một thế hệ nông dân mới đang dần thành hình - nông dân 4.0. Họ không chỉ ra đồng mà còn điều khiển hệ thống tưới tiêu từ xa, không chỉ bán hàng tại chợ mà còn kết nối với khách hàng qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử... Họ là những "kỹ sư" trên đồng ruộng, là thế hệ nông dân biết tận dụng công nghệ để làm chủ đất đai, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn.  Và câu chuyện chuyển mình ấy vẫn đang tiếp tục…

Từ lấm lem ruộng cũ đến mở rộng xuất khẩu 

Tái cơ cấu nền kinh tế đã thay đổi cả diện mạo lẫn tư duy làm nông, đưa nông nghiệp Hòa Bình từ một nền sản xuất nhỏ lẻ, bấp bênh sang nền nông nghiệp liên kết, quy mô và hiệu quả cao.  

Dù tỷ trọng nông nghiệp trong GRDP giảm còn khoảng 20%, nhưng giá trị mà ngành này tạo ra lại không hề suy giảm. Những con số biết nói mà đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hoà Bình cung cấp đã chứng minh điều đó: Giai đoạn 2022 - 2024, tốc độ tăng GRDP ngành nông, lâm, thuỷ sản bình quân hằng năm đạt 4,43%. Hiện nay, Hoà Bình có gần 600 HTX nông nghiệp kiểu mới, thu hút hơn 16.300 hộ dân tham gia, tạo việc làm ổn định cho 28.000 lao động nông thôn. Hệ thống canh tác lạc hậu đang dần được thay thế bằng tưới nhỏ giọt Israel, nhà màng, nhà lưới, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhiều hộ nông dân không còn trồng cây theo kinh nghiệm mà theo biểu đồ dinh dưỡng, không còn phó mặc giá cả cho thị trường mà đã có hợp đồng bao tiêu… 

Chị Đinh Thị Hoa ở xã Quyết Chiến (Tân Lạc) từng lận đận với ruộng ngô, mùa được mùa mất, giá cả phập phồng. Từ ngày tham gia vào chuỗi sản xuất rau an toàn, với các loại chủ lực như: su su, củ cải, bí xanh, bí đỏ…, ký hợp đồng với HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến, cuộc sống gia đình chị khác hẳn, thu nhập đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Câu chuyện nhỏ của chị Hoa, nhưng là lát cắt của một bức tranh lớn: Hòa Bình đang chuyển mình. Từ sản xuất manh mún sang nền nông nghiệp liên kết, bài bản. Từ người nông dân đơn độc sang chuỗi giá trị bền vững. Và từ những mảnh vườn chật vật sinh kế thành những vùng chuyên canh thu nhập cao. 

Đến mỗi vùng đất của Hoà Bình hôm nay dễ dàng bắt gặp hình ảnh con đường bê tông len lỏi qua từng xóm nhỏ, nối dài đến tận vườn cây trĩu quả. Những mái nhà kiên cố vươn lên, thấp thoáng giữa cánh đồng xanh mướt. Trẻ em đến trường trên những tuyến đường sạch đẹp, còn người già thong thả bên hiên nhà, chẳng nhiều những lo toan cơm áo đè nặng như thuở trước. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm 2,86% (giai đoạn 2022 - 2024), một con số phản ánh rõ nét sự chuyển mình của vùng đất này.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến năm 2024, Hoà Bình có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm nông, lâm sản được xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan… tổng sản lượng xuất khẩu đạt 4,152 nghìn tấn với tổng giá trị đạt khoảng 1,89 nghìn tỷ đồng. 

Giữa những thay đổi ấy, nông dân Hòa Bình cũng đã bước vào kỷ nguyên 4.0. Họ không còn chỉ bám đất, bám làng mà đã chủ động mở rộng thị trường, tiếp cận thương mại điện tử, kết nối chuỗi giá trị. Trên những cánh đồng, không chỉ có mồ hôi mà còn có công nghệ. Và trên từng khuôn mặt người nông dân, không chỉ có nếp nhăn của tháng năm vất vả, mà còn có ánh mắt tự tin của những người làm chủ cuộc chơi.

(Còn nữa)

Hải Yến


Các tin khác


Tháng 3 trên công trường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Tiếng máy khoan vào đá vang vọng giữa đại ngàn Tây Bắc; tia lửa hàn chớp loé phản chiếu những gương mặt lấm tấm mồ hôi; chiếc xe ì ầm phun bê tông trên mạch đường vừa khai sinh… không khí lao động hối hả hiển hiện trên công trường Dự án cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình. Dưới lớp bụi đỏ cuộn lên trong nắng, các mũi thi công hoạt động không ngơi nghỉ, tiến độ được đẩy mức cao nhất. Vượt lên thử thách của địa hình khắc nghiệt, những cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường không chỉ mở đường cho xe chạy, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bứt phá của cả vùng Tây Bắc.

Thông điệp hòa bình trong những huy hiệu phản chiến

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tọa lạc trên đường Võ Văn Tần (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ cách Dinh Độc Lập khoảng 1,5 km. Nơi đây được thành lập ngày 4/9/1975, tức sau vài tháng so với mốc son lịch sử chói lọi của dân tộc: Ngày 30/4/1975 - Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những ngày đầu năm 2025, trong không khí cả nước tự hào hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tổ chức trưng bày chuyên đề "Câu chuyện từ những huy hiệu phản chiến”. Đến đây mới thấy thông điệp vì hòa bình in đậm trong từng chiếc huy hiệu, thấm đẫm trong từng câu chuyện lịch sử và làm sống lại nhiều ký ức về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Khơi dậy, phát huy giá trị di sản văn hóa Hòa Bình: Bài 5 - Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch - “mục tiêu kép”

Những năm qua, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình chú trọng việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) truyền thống các dân tộc, nhất là các di tích thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình" gắn với phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa Hòa Bình trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn.

Ngày 15/3/1975: Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận lệnh rút ngắn kế hoạch giải phóng Tây Nguyên

Ngày 15/3/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận được điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chấp thuận kế hoạch rút ngắn thời gian giành thắng lợi.

Khơi dậy, phát huy giá trị di sản văn hóa Hòa Bình: Bài 4 - Động lực để cộng đồng phát huy vai trò chủ thể di sản văn hóa

Nhận thức rõ tầm quan trọng của bảo tồn di sản văn hóa (DSVH) là góp phần bảo vệ, phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam, thiết thực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình xác định đây là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa. Cùng với đó, huy động được các nguồn lực, tạo sự đồng thuận của nhân dân và sức mạnh cộng đồng các dân tộc trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa.

Tỉnh Hòa Bình - nơi hội tụ những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc: Bài 1 - Những nét chính về sự hình thành của tỉnh Hòa Bình

Đến năm 2025, Hòa Bình đã có quá trình thành lập tỉnh được 139 năm (1886 - 2025). Địa danh và con người Hòa Bình đã được bạn bè trong nước, quốc tế biết đến ngày càng nhiều hơn bởi những nét văn hóa, lịch sử độc đáo, bản sắc. Nổi bật nhất là nền Văn hóa Hòa Bình nổi tiếng. Hòa Bình - cái nôi của người Việt cổ, là vùng đất của sử thi "Đẻ đất, đẻ nước” đặc sắc… Đất và người Hòa Bình luôn được sự quan tâm, chia sẻ, gắn bó của du khách gần xa. Hướng tới những sự kiện nổi bật của năm 2025 và 140 năm thành lập tỉnh,(vào năm 2026), Báo Hòa Bình đăng tải những tư liệu có tính chất tóm lược về tỉnh nhà; đồng thời có tuyến bài viết về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch, quốc phòng - an ninh với bước phát triển của Hòa Bình hôm nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục