Cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong những ngôi nhà ở bản Vắt.

Cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong những ngôi nhà ở bản Vắt.

(HBĐT) - Một bản nhỏ chỉ với 40 nóc nhà, nhưng có đến 21 người bị dị tật, 50% số hộ thuộc diện hộ nghèo…. Đói nghèo và bệnh tật đã phủ vây màn sương mịt mù ở bản Vắt , xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu. Nhưng đó là câu chuyện của 5 năm về trước. Hôm nay, bản Vắt đã vươn lên đẩy đói nghèo, bệnh tật lùi sâu thành câu chuyện quá khứ. Bản Vắt đã hồi sinh!

 

Kí ức buồn và “nỗi oan” của mó nước

 

Trong ngôi nhà sàn vững chãi, kiên cố ở giữa bản, khi chén trà nóng vừa kịp làm ấm bụng khách đường xa, Trưởng bản Lò Văn Xuân bắt đầu đưa chúng tôi quay trở về thăm bản Vắt của “ngày xưa”.

 

Năm 2005, bản Vắt có 40 hộ với gần 200 khẩu. Đời sống bà con chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp trong khi diện tích đất canh tác ít, rừng mới trồng chưa cho thu hoạch nên có đến 50% hộ gia đình trong bản thuộc diện hộ nghèo. “Lúc ấy bản này chỉ toàn nhà sàn dột nát, cứ “giáp hạt” là phải vật vã chống chọi với cái đói. Trong bản có gần 200 khẩu thì 21 người bị mắc các loại bệnh như: câm điếc, mù, thần kinh, dị dạng, biếu cổ…. Một số gia đình có đến 2,3 người bị bệnh. Nhưng vì gạo ăn còn chưa đủ nên đâu dám nghĩ gì đến chuyện khám chữa bệnh”. Vì thế mà ngày qua ngày, đói nghèo - bệnh tật cứ bám riết lấy nhau, đè nặng đôi vai những người dân bản Vắt!

 

Quẩn quanh trong bản nhỏ với những mái nhà xiêu vẹo nằm ven các sườn đồi, người dân bản Vắt phải chống chọi với nhiều hơn đói nghèo, bệnh tật đó là sự hoang mang, sợ hãi mơ hồ. “Vì sao dân bản lại có nhiều người bị mắc bệnh như vậy?”. Từ câu hỏi này đã có rất nhiều những câu chuyện được thêu dệt, trong đó “mó nước” đầu làng được cho là nguyên nhân chính: “Mó nước đầu làng phạm vào “long mạch”, nơi mó nước chảy qua phạm vào thế “đuôi rồng” nên dân bản bị trừng phạt?”.

 

Như trả lời cho băn khoăn của chúng tôi về câu chuyện này, anh trưởng bản đứng dậy lấy cho chúng tôi xem bản danh sách những người mắc bệnh. Hầu hết họ đều đã trên 50 tuổi, nhiều người trong số đó đã mắc bệnh ở nơi khác và di cư đến (hoặc có bố mẹ di cư từ nơi khác đến) chứ không phải sinh ra lớn lên ở bản Vắt. Còn thế hệ những người dưới 50 tuổi như anh trưởng bản Lò Văn Xuân, chị Bí thư chị bộ xóm Lò Thị Hoàn cùng con cháu của các anh chị… đã được sinh ra ở bản Vắt và lớn lên cùng mó nước bao nhiêu năm nay thì vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh, bình thường. Vậy nên, nếu “đổ” cho mó nước cái tội gây ra bệnh tật cho bản thì có lẽ là “oan quá”!

 

Nói dứt lời, anh dẫn chúng tôi ra thăm mó nước. Mó nước được nhắc đến nằm ngay đầu bản, là một mạch nước ngầm phun chảy quanh năm. Không ai biết mạch nước ngầm bắt nguồn từ đâu chỉ biết rằng nó đã có từ lâu lắm và vẫn được truyền từ đời này sang đời khác. Mùa đông nước ấm, mùa hè nước mát lạnh, vì cái lẽ “trời cho thuận lòng người ấy” mà mó nước trở thành nơi tắm rửa, giặt giũ hàng ngày của bà con trong bản. Chỉ tay xuống dòng nước trong vắt, anh trưởng bản kiên định: “Ngày xưa, mó nước này đã bị “đổ tội” là làm cho bản đói nghèo, bệnh tật. Hôm nay, mó nước vẫn còn đây nhưng bản Vắt không còn là bản đói nghèo, bệnh tật nữa. Nhờ sự chỉ đạo, giúp đỡ của chính quyền địa phương và đức tính cần cù cũng như nghị lực của bà con trong bản, người dân bản Vắt đã dần vươn lên, chiến thắng đói nghèo bệnh tật. Bản Vắt hôm nay đã khác xưa nhiều lắm rồi”.

 

Bản Vắt hồi sinh

 

Bắt đầu từ việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Trồng cây gì? Nuôi con gì?”. Nhân dân trong bản đã xác định hướng phát triển kinh tế phù hợp với thực tế địa phương hơn cả là chăn nuôi và trồng rừng. Thông qua các lớp tập huấn, bà con đã được tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi cây trồng. Với đàn trân bò 120 con, đàn lơn gần 200 con và trên 1.000 con gia cầm, xóm Vắt đang khẳng định vị trí dẫn đầu xã trong phát triển chăn nuôi.  Ngoài ra, trồng rừng cũng là một hướng phát triển kinh tế hiệu quả được bà con lựa chọn. Toàn xóm đã trồng mới được 70ha luồng và khoanh nuôi bảo vệ 67ha rừng tự nhiên. Bên cạnh chăn nuôi và trồng rừng, bà con còn chú trọng phát triển nghề phụ như chẻ tăm mành để tăng thêm thu nhập….

 

Từng chút một, bản Vắt đã may cho mình một manh áo mới, lành lặn, tươi sáng và đẹp đẽ hơn. Chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay của bản Vắt, đồng chí Vì Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Đồng Bảng hồ hởi: “Đời sống của bà con xóm Vắt đã ổn định và đang dần được nâng lên. Tỉ lệ hộ nghèo trong xóm giảm từ 50% năm 2006 xuống còn 15% năm 2009. Xóm không có hộ đói, xoá hoàn toàn nhà tạm, 100% hộ gia đình đã sắm được xe máy, phương tiện nghe nhìn. Nhiều gia đình vươn lên khá và giàu”.

 

Nhưng có lẽ, với người dân bản Vắt, điều đáng mừng hơn cả là thế hệ trẻ em trong bản (trong đó có 24 cháu bé dưới 6 tuổi) hiện nay đều hoàn toàn khoẻ mạnh, phát triển bình thường. Chị Hà Thị Chên, cán bộ y tế thôn bản xóm Vắt cho biết: “Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân mấy năm gần đây được chú trọng. Đặc biệt là việc chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ trẻ em. 100% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ và uống viên sắt, tiêm AT2 phòng uốn ván. 100% trẻ em được tiêm vacxin, uống vitamin đầy đủ. Ngoài ra, cán bộ trạm y tế xã còn kết hợp với y tế thôn bản tăng cường tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức về việc sử dụng muối Iốt cũng như giữ gìn vệ sinh khu dân cư, không nuôi nhốt gia súc gần nơi ở…. Góp phần giúp người dân tự bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ ”. Dự án nước sạch năm 2007 với tổng trị giá trên 200 triệu đồng và giếng đào ở một số gia đình đã đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt của bà con trong bản. Bộ mặt thôn xóm đang ngày càng đổi thay. Những ngôi nhà sàn kiên cố được dựng lên thay tranh tre dột nát. Điện về bản rộn ràng vô tuyến, loa đài. Đầu năm 2010, hệ thống đường trong xóm sẽ được kiên cố hoá, tạo bộ mặt khang trang cho bản Vắt.

 

Đời sống được nâng cao nên bà con trong xóm cũng có điều kiện quan tâm, chăm lo sức khoẻ cho những người bệnh chu đáo hơn. Hiện nay, xóm còn 18 người bị mắc bệnh, hầu hết họ đều đã già yếu, không có khả năng lao động. Đến thăm nhà cụ Lò Thị Sầm 74 tuổi, cụ Sầm bị mù còn con cụ thì bị tàn tật, nắm bàn tay chúng tôi thật chặt, cụ xúc động: “Thỉnh thoảng các cô chú ở Hội Chữ thập, Mặt trận tổ quốc vẫn hay đến thăm, động viên hai mẹ con tôi. Mấy hôm trước, bà con trong xóm cũng tới dọn dẹp, sửa sang lại cái nhà cho hai mẹ con đón Tết. Được mọi người giúp đỡ, đùm bọc mẹ con tôi được an ủi nhiều lắm”. Căn nhà của hai mẹ con cụ đơn sơ nhưng ngăn nắp. Đống củi khô của các chị phụ nữ tặng được xếp gọn gang bên hiên nhà. Gói quà của những tấm lòng hảo tâm đặt ngay ngắn trên nóc tủ. Ngày tết Canh Dần đang đến rất gần, có lẽ không thật sự đủ đầy nhưng hai mẹ con cụ sẽ có một cái Tết thật ấm áp.

 

Chúng tôi rời nhà cụ Sầm cũng là lúc tiếng trống tan trường vang lên. Từ đầu bản, từng tốp học sinh ríu rít trở về nhà. Ngắm nhìn các em, sự ấm no của bản Vắt hiện lên qua từng bộ quần áo ấm các em mặc trên người, đôi giày xinh xắn các em đi dưới chân. Trong nụ cười giòn tan của lũ trẻ và cái nắm tay đầy xúc động của cụ Sầm, tôi chợt nhận ra rằng mùa xuân ở bản Vắt không phải là lá dong xanh, hoa mận trắng. Mùa xuân ở bản Vắt, sự hồi sinh của bản Vắt bắt đầu nảy mầm từ hi vọng, niềm tin và tình người.

 

                                                                          Dương Liễu

                                                                      

Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục