(HBĐT) - Để bảo vệ khu vực đã đánh chiếm, địch giải quân chốt giữ trên 50 vị trí và điểm canh ở dọc đường 6, triền sông Đà, TX Hòa Bình. Nhiều vị trí địch bố trí lực lượng từ một đại đội trở lên trang bị hỏa lực rất mạnh, có cả đại bác. Từ Gò Bùi đến Đồng Bến, địch đã đóng 2 tiểu đoàn ở nhiều điểm: Ao Trạch, đồi Dốc Mận, xóm Đồng Giang, xóm Đễnh, Hang Nước… ở khu vực thị xã, địch bố trí GM3 là đơn vị từng chiếm đóng Hòa Bình trước đây và 2 tiểu đoàn lính Mường.

 

Khi địch nhảy dù ở TX Hòa Bình, Thường vụ Tỉnh ủy khẩn trương chỉ đạo các đơn vị bộ đội địa phương, các cấp đối phó với địch đánh chiếm lại Hòa Bình. Điển hình là trận phục kích của Đại đội 22 (Trung đoàn 48) trên đoạn đường từ Lò Than vào Thung Quây, xã Long Sơn tiêu diệt một trung đội địch, bắt sống một số tên, thu 2 đại liên, 4 tiểu liên, 12 súng trường. Tại TX Hòa Bình, bộ đội chủ lực (C35) phối hợp với du kích Quỳnh Lâm chặn giặc tại xóm Sòng. Nhưng vì lực lượng quá chênh lệch nên tiêu hao sinh lực địch không đáng kể và không cản được bước tiến của chúng. Như vậy, chưa đầy 10 ngày, địch đã đánh chiếm được một vùng rộng lớn dọc theo QL 6 và sông Đà, từ nơi tiếp giáp Sơn Tây - Hà Đông lên TX Hòa Bình. Ngoài ra, chúng còn chiếm đóng khu vực Chợ Bến, vùng núi Ba Vì thuộc Sơn Tây và Tu Vũ thuộc Phú Thọ. Chúng chia khu vực mới chiếm đóng thành 3 phân khu quân sự: phân khu Chợ Bến, phân khu Hòa Bình, phân khu sông Đà. Mỗi phân khu là một cụm cứ điểm với hàng chục vị trí, binh lực từ 8 - 10 tiểu đoàn, sẵn sàng ứng cứu cho nhau.  

Sau khi đánh chiếm, địch củng cố các vị trí đóng quân, mở hàng loạt cuộc càn quét vào các làng, xã xung quanh vị trí, dọc đường 6 ven sông Đà, khu vực TX Hòa Bình nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến của địa phương. Chúng tàn phá kho tàng, cướp bóc lương thực, thực phẩm, o ép nhân dân. Ngoài ra, địch còn tổ chức một số cuộc càn quét, biệt kích vào sâu trong khu căn cứ Kim Bôi, lên Giang Mỗ (Kỳ Sơn)... Song song với các hoạt động quân sự, giặc Pháp cùng bọn tay sai ra sức giở những thủ đoạn mua chuộc mơn trớn nhân dân rất thâm độc, nhất là ở khu vực thị xã.  

Địch đánh chiếm giữa lúc nhân dân mới bắt đầu thu hoạch vụ mùa, phần lớn thóc lúa chưa được thu hái, nảy sinh tâm lý ngại bỏ ruộng đồng không thu hoạch đi tản cư sẽ đói khổ. Trong khi đó, địch với lực lượng đông, tiến quân ào ạt, chớp nhoáng. Tình hình đó không tránh khỏi làm cho nhân dân hoang mang. Địch thâm độc ra sức tuyên truyền về chiến thắng của chúng, thi hành những thủ đoạn mơn trớn, dụ dỗ nhân dân trở về lập tề.  

Giữa tháng 11/1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập Hội nghị Quân ủy T.ư. Hội nghị nhận định việc Pháp chiếm TX Hòa Bình là một cơ hội hiếm có cho ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Đánh ra Hoà Bình, địch phải phân tán lực lượng cơ động, lực lượng tinh nhuệ trên một mặt trận rộng lớn, núi rừng hiểm trở, địa hình đột xuất, công sự chưa vững chắc. Mặt khác, vì phải tập trung phần lớn quân cơ động ra Hoà Bình nên lực lượng địch ở đồng bằng bị dàn mỏng, các vùng từ hữu ngạn, tả ngạn Liên khu 3 đến Trung Du đều tương đối sơ hở hơn trước. Quân ủy T.ư đề nghị T.ư cho mở Chiến dịch Hòa Bình, chuyển hướng hoạt động thụ động sang tiến công địch ở nơi chúng mới chiếm đóng.  

(Còn nữa)                                                                    H.N (TH)

 Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình  (1929 - 2010).

 

Các tin khác

Viếng đồ chõ bằng cây hương hiện vẫn còn được nhiều gia đình người Mường sử dụng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục