(HBĐT) - Câu lạc bộ (CLB) pháp luật là tổ chức được thành lập và hoạt động trên tinh thần tự nguyện tham gia của những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Qua hoạt động của CLB, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kịp thời, giúp hội viên, nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, từ đó hình thành thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Theo quy định tại Khoản 6, Điều 11, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, việc lồng ghép trong hoạt động của CLB là một trong các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).


Trong những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng và duy trì các loại hình CLB pháp luật như: "Chi hội phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật và mắc tai, tệ nạn xã hội”, "Phòng, chống bạo lực gia đình”, "Phòng, chống tệ nạn xã hội”, "Phụ nữ với pháp luật”, "Thanh niên với pháp luật”... Thông qua sinh hoạt CLB, các hội viên, nhân dân được giao lưu, tìm hiểu, trao đổi kiến thức pháp luật ở các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, sau một thời gian, một số CLB hoạt động mờ nhạt, không duy trì nề nếp sinh hoạt thường xuyên. Nội dung, hình thức sinh hoạt đơn điệu, chủ yếu giới thiệu các quy định pháp luật, thiếu việc trao đổi, thảo luận các tình huống, vụ việc thực tế nảy sinh tại địa phương... Vì vậy, hiệu quả thông tin, tuyên truyền PBGDPL chưa cao.


Các thành viên câu lạc bộ "Phụ nữ với pháp luật" xã Do Nhân (Tân Lạc) tham dự buổi sinh hoạt thường kỳ của câu lạc bộ.

Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng PBGDPL (Sở Tư pháp) cho biết: Thông qua sinh hoạt CLB pháp luật tạo diễn đàn cho hội viên và người dân tham gia giao lưu, học tập, trao đổi kiến thức pháp luật. Các CLB không do ngành Tư pháp trực tiếp thành lập và quản lý mà được thành lập ở các ngành, hội, đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh... nhưng có tác dụng tích cực trong công tác tuyên truyền, PBGDPL. Thực hiện Công văn số 1502/BTP-PBGDPL ngày 5/5/2017 của Bộ Tư pháp hướng dẫn phát huy vai trò của CLB pháp luật trong công tác PBGDPL, trong tháng 6/2017, Sở Tư pháp đã có văn bản gửi Phòng Tư pháp các huyện, thành phố triển khai các nội dung khảo sát, đánh giá thực trạng, tổ chức, hoạt động của các loại hình CLB trên địa bàn. Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá để hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục củng cố, duy trì các loại hình CLB pháp luật hiện có, xây dựng các CLB mới; biên soạn tài liệu tuyên truyền về các lĩnh vực pháp luật phù hợp với đối tượng, địa bàn cấp phát cho các CLB làm cẩm nang hoạt động.

Qua theo dõi, rà soát, năm 2017, toàn huyện Tân Lạc có 19 CLB pháp luật ở các xã, thị trấn. Có xã thành lập 2 - 3 CLB nhưng cũng có xã không có CLB nào. Bình quân mỗi CLB có tối thiểu 15 thành viên. Ban chủ nhiệm CLB từ 3 - 5 người được lựa chọn là những người có trình độ, năng lực. Đồng chí Bùi Thị Thảo, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện cho biết: Thực hiện việc thành lập các CLB, Phòng Tư pháp đã hướng dẫn các đơn vị quy trình thành lập. Tổ chức tập huấn về vị trí, vai trò của CLB, cách thức thành lập CLB, lễ ra mắt, hướng dẫn nội dung hoạt động CLB. Phối hợp với các ngành, đoàn thể thành lập CLB như: "Phụ nữ với pháp luật” phối hợp với Hội phụ nữ, CLB "Nông dân với pháp luật” phối hợp với Hội Nông dân... Hội viên không chỉ là thành viên, hội viên các ngành, đoàn thể mà có thể đa dạng đối tượng hơn như ở CLB Phòng, chống tệ nạn xã hội, không có người thân vi phạm pháp luật... Sau khi được thành lập, các CLB duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng, lựa chọn nội dung sinh hoạt phù hợp như các chuyên đề pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân - gia đình hay các chuyên đề về phát triển kinh tế, sức khỏe sinh sản vị thành niên, bình đẳng giới...

Thời gian qua, nhiều CLB duy trì sinh hoạt tốt, nội dung, hình thức sinh hoạt đa dạng, sôi nổi, thu hút hội viên, thành viên tích cực tham gia như CLB "Phụ nữ với pháp luật” hai xã Do Nhân và Gia Mô, CLB "Nông dân với pháp luật” xã Địch Giáo. Thời gian tới, huyện hướng đến thành lập CLB ở tất cả các xã, thị trấn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới trong tiêu chí xã đạt chuẩn tiếp cận về pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Phòng PBGDPL (Sở Tư pháp) cho biết thêm: Mô hình CLB pháp luật chủ yếu được thành lập ở cơ sở. Để CLB hoạt động tốt có vai trò của cán bộ, công chức tư pháp xã, từ việc tổ chức thành lập đến duy trì hoạt động, nhiệt tình, đồng hành cùng CLB trong các hoạt động. Bên cạnh đó cần sự quan tâm, tạo điều kiện của đơn vị, địa phương nơi thành lập CLB hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất, địa điểm hoạt động đảm bảo cho CLB hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Nội dung sinh hoạt CLB pháp luật không nên khô cứng, đơn điệu mà cần đa dạng, phong phú, hấp dẫn bằng nhiều hình thức như tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm chuyên đề về nội dung pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật mới, thi tìm hiểu pháp luật, hái hoa dân chủ, xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật, tổ chức tư vấn pháp luật, giao lưu pháp luật với các loại hình CLB khác...


Hà Thu

Các tin khác


Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lạc Thủy - đơn vị dẫn đầu khối thi đua

(HBĐT) - Khắc sâu lời Bác dạy, phong trào thi đua yêu nước luôn được cán bộ, công chức, kiểm sát viên Viện KSND huyện Lạc Thủy thiết thực hưởng ứng, đạt được những kết quả tích cực. Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trên địa bàn, Viện KSND huyện đã tổ chức phong trào thi đua bám sát chỉ tiêu công tác, nhiệm vụ trọng tâm của ngành, yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều năm liên tục đơn vị được Viện KSND tỉnh công nhận tập thể lao động xuất sắc, Viện KSND tối cao tặng bằng khen. Năm 2017, Viện được UBND tỉnh tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu khối.

Tiếp trên 280 lượt công dân khiếu nại - tố cáo

(HBĐT) - 4 tháng đầu năm, các cơ quan Nhà nước đã tổ chức tiếp 286 lượt người đến Trụ sở tiếp dân để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh. Công tác tiếp công dân được duy trì, bố trí cán bộ thường trực tiếp công dân thường xuyên tại đơn vị và tham gia tiếp công dân định kỳ với Thủ trưởng cơ quan cùng cấp theo quy định. Công tác giữ gìn an ninh trật tự tại các buổi tiếp công dân được đảm bảo an toàn.

Hòa giải thành 72,08% các vụ án dân sự

(HBĐT) - Theo thống kê của TAND tỉnh, trong 5 tháng qua (từ ngày 1/12/2017 - 30/4/2018), TAND 2 cấp đã thụ lý 1.121 vụ việc (tăng 49 vụ việc so với cùng kỳ năm trước). Đã giải quyết, xét xử 781 vụ việc, đạt tỷ lệ 69,6%. Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 752 vụ, việc và 29 vụ, việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Một số quy định cơ bản về quyền được bảo vệ đời tư trong hệ thống pháp luật Việt Nam

(HBĐT) - Ngày 24/9/1982, Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và nỗ lực nội luật hóa các quy định của Công ước để bảo đảm các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong công ước được tôn trọng và thực thi trong thực tiễn. Một trong những quyền dân sự của Công ước được Việt Nam quy định chi tiết trong hệ thống pháp luật, đó là quyền được bảo vệ về đời tư của công dân. Đây là một quyền Hiến định được quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 21, Hiến pháp năm 2013 "(1). Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. (2). Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Tiếp 78 lượt công dân kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo

(HBĐT) - Trong tháng 4/2018, tại Trụ sở tiếp công dân trên toàn tỉnh đã tổ chức tiếp 78 lượt công dân đến kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, các cơ quan Thanh tra đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 82 lượt đơn, thư các loại, gồm 17 đơn khiếu nại, 11 đơn tố cáo, 54 đơn kiến nghị, phản ánh. Trong đó có 16 đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành và 48 đơn kiến nghị, phản ánh thuộc trách nhiệm xem xét, trả lời của Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND cấp ủy và Chủ tịch UBND cấp xã.

Các trường hợp được coi là phạm tội lần đầu

(HBĐT) - Đây là quy định nổi bật tại Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, khái niệm phạm tội lần đầu được hiểu là thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục