LTC năm 2018 bao gồm 9 chương với 67 điều, trong đó quy định một số nội dung cơ bản:
1. Về phạm vi điều chỉnh
LTC năm 2018 tiếp tục kế thừa quy định của LTC năm 2011 về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy đinh về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật: Tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về QLNN trong các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Luật quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo. Đồng thời, để phân biệt việc giải quyết tố cáo trong LTC với việc giải quyết đối với tố giác và tin báo về tội phạm, Luật quy định rõ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tội phạm và tin báo về tội phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
2. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo
Đối với người tố cáo, Luật quy định các quyền của người tố cáo như: Thực hiện tố cáo; được bảo đảm bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác; được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, LTC năm 2018 cũng bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo.
Bên cạnh các quyền, Luật cũng quy định người tố cáo có các nghĩa vụ: Cung cấp họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với người tố cáo; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Đối với người bị tố cáo: Người bị tố cáo có quyền được thông báo về nội dung tố cáo, việc gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; được giải trình, đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; được nhận kết luận nội dung tố cáo; được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo trái pháp luật; được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra theo quy định của pháp luật; khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, người bị tố cáo cũng có các nghĩa vụ: Có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo; giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý theo kết luận nội dung tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.
Đối với người giải quyết tố cáo: Người giải quyết tố cáo có các quyền yêu cầu người tố cáo đến làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà người tố cáo có được; yêu cầu người bị tố cáo đến làm việc, giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm căn cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh các quyền, người giải quyết tố cáo có nghĩa vụ bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo; áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; không tiết lộ thông tin về việc giải quyết tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo; thông báo cho người tố cáo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; thông báo cho người bị tố cáo về nội dung tố cáo, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo; bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.
3. Bổ sung một số nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo
Về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo: Luật tiếp tục kế thừa nguyên tắc xác định thẩm quyền trong LTC năm 2011 và bổ sung thêm một số nguyên tắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay như tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của CB,CC,VC xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tố chức khác hoặc không còn là CB,CC,VC; tố cáo đối với CB,CC,VC của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; tố cáo CB, CC,VC của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tố chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (Điều 12).
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo: LTC năm 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính Nhà nước (Điều 13). Luật cũng bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong TAND, Viện KSND, trong Kiểm toán Nhà nước và trong các cơ quan khác của Nhà nước như tại các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp... (từ Điều 14 đến Điều 17). Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 18) và thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp Nhà nước (Điều 19). Ngoài ra, LTC năm 2018 tiếp tục kế thừa quy định của LTC năm 2011 khi quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là CB, CC, VC (Điều 21); Luật cũng giao cơ quan T.Ư của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội (Điều 20).
Ngoài ra, LTC năm 2018 cũng bổ sung thêm quy định đối với trường hợp đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi, tố cáo nặc danh, mạo danh; Bổ sung quy định về điều kiện thụ lý tố cáo, rút tố cáo; Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về QLNN trong các lĩnh vực; Quy định rõ về bảo vệ người tố cáo
Minh Phượng (Sở Tư pháp - TH)