(HBĐT) - Luật Phòng, chống mua bán người (PCMBN) gồm 8 chương, 58 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012, đã xác định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Hành vi mua bán người theo quy định của Bộ luật Hình sự và các hành vi trực tiếp liên quan đến việc mua bán người mà Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liệt vào danh sách các hành vi buôn bán người để điều chỉnh một cách đầy đủ, toàn diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.


Bên cạnh việc xác định các nguyên tắc PCMBN, Luật cũng quy định rõ các chính sách của Nhà nước trong PCMBN. Trong đó đáng chú ý là chính sách kết hợp PCMBN với việc thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các chương trình khác về phát triển KT-XH.

- Về phòng ngừa mua bán người. Chương II của Luật gồm 12 điều quy định về việc phòng ngừa mua bán người, nội dung chia làm hai nhóm:

Nhóm thứ nhất từ Điều 7 đến Điều 11 quy định về các biện pháp phòng ngừa chung, bao gồm: thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCMBN; tư vấn về phòng ngừa mua bán người; quản lý về ANTT; quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ; lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình phát triển KT-XH.

Nhóm thứ hai từ Điều 12 đến Điều 18 quy định về việc phát hiện, tố giác, tố cáo, báo tin về hành vi vi phạm pháp luật về PCMBN; giải quyết các tin báo, tố giác, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCMBN. Luật nhấn mạnh trách nhiệm phát hiện hành vi vi thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng như việc phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm thông qua hoạt động nghiệp vụ của lực lượng PCMBN trong CAND và QĐND.

- Về phần xử lý. Điều 23 của Luật quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm và chủ yếu việc dẫn sang các văn bản có liên quan, đồng thời xác định nguyên tắc "Người giả mạo là nạn nhân thì ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải hoàn trả khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận”.

- Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân; bảo vệ nạn nhân. Vấn đề tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân được quy định tại chương IV của Luật. Quy định về quy trình tiếp nhận, xác minh nạn nhân và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân đến khai báo; xác định cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân cũng như căn cứ xác định và các loại giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân.

Luật xác định Phòng LĐ-TB&XH là đầu mối chính tiếp nhận và hỗ trợ cho nạn nhân. Tuy nhiên, để tạo thận lợi cho nạn nhân thì Luật cũng quy định trước khi đến với Phòng LĐ-TB&XH, nạn nhân có thể được một số cơ quan khác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết như: UBND cấp xã, cơ quan giải cứu, cơ quan, tổ chức khác…

Theo Điều 24 và khoản 3, Điều 26 của Luật thì nạn nhân bị mua bán trong nước hoặc từ nước ngoài tự trở về cũng như người đại diện hợp pháp của họ có thể đến UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. UBND cấp xã thực hiện việc hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng LĐ-TB&XH. Trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, Phòng LĐ-TB&XH thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp nạn nhân chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân.

Căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân hoặc kết quả xác định thông tin ban đầu về nạn nhân, Phòng LĐ-TB&XH xem xét để thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp nạn nhân tự trở về nơi cư trú; đối với nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho thân nhân đến hoặc bố trí người đưa về tận nơi thân nhân cư trú; trường hợp nạn nhân cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không có nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho Cơ sở bảo trợ xã hội hoặc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

Theo Điều 25 của Luật thì cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân, có trách nhiệm hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong trường hợp cần thiết, cấp giấy xác nhận nạn nhân và chuyển ngay người đó đến Phòng LĐ-TB&XH gần nơi nạn nhân được giải cứu.

Sau khi tiếp nhận nạn nhân, Phòng LĐ-TB&XH thực hiện các công việc như đối với nạn nhân được mua bán trong nước hoặc từ nước ngoài tự trở về. Trường hợp nạn nhân chưa được cơ quan giải cứu cấp giấy xác nhận nạn nhân thì Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.

- Về hỗ trợ nạn nhân. Vấn đề hỗ trợ nạn nhân, bao gồm các chế độ hỗ trợ nạn nhân, đối tượng được hưởng hỗ trợ và cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân được quy định tại chương V của Luật từ Điều 32 đến Điều 40. Trước hết, Luật quy định về 6 chế độ hỗ trợ nạn nhân, bao gồm: hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn.

Điều 32 của Luật xác định rõ những đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ nạn nhân và các chế độ mà từng đối tượng được hưởng trên tinh thần có sự phân biệt giữa các đối tượng, đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các chế độ hỗ trợ; trình tự, thủ tục thực hiện các chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân.

- Trách nhiệm trong phòng, chống mua bán người. Chương VI của Luật gồm 12 điều quy định về trách nhiệm QLNN về PCMBN, xác định cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong PCMBN và quy định về trách nhiệm của Chính phủ, của một số Bộ và địa phương. Luật giao cho Chính phủ thống nhất QLNN về PCMBN. Bộ Công an chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện QLNN về PCMBN và giữ vai trò chủ trì trong công tác đấu tranh PCMBN. Bộ Quốc phòng chủ trì công tác đấu tranh PCMBN ở địa bàn khu vực biên giới, hải đảo và trên biển. Bộ LĐ-TB&XH chủ trì trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của một số bộ, ban, ngành và địa phương trong PCMBN, đặc biệt là các Bộ QLNN đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ có nguy cơ bị lợi dụng để mua bán người như: BộVH-TT&DL, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 52 của Luật xác định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc tổ chức công tác PCMBN ở địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân để khai báo trong trường hợp cần thiết và tiếp tục hỗ trợ nạn nhân ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

- Hợp tác quốc tế trong PCMBN. Chương VII của Luật gồm 4 Điều quy định về vấn đề hợp tác quốc tế trong PCMBN, bao gồm một số nguyên tắc hợp tác quốc tế và thực hiện hợp tác quốc tế trong PCMBN, trong đó có cả giải cứu và hồi hương nạn nhân cũng như tương trợ tư pháp trong lĩnh vực PCMBN.

 

Minh Phượng (Sở Tư pháp)

Các tin khác


Một số nội dung cơ bản của Luật Tố cáo năm 2018

(HBĐT) - Luật Tố cáo (LTC) lần đầu tiên được ban hành năm 2011, sau nhiều năm thi hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trật tự, kỷ cương pháp luật. Để khắc phục tình trạng này, ngày 12/6/2018, Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 5 đã thông qua LTC mới. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, thay thế LTC năm 2011 kể từ ngày có hiệu lực.

Các lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn

Bạn Bùi Văn Tuyến (Tân Lạc) hỏi: Đề nghị cho biết chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện đối với những lĩnh vực nào?

Tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, phổ biến giáo dục pháp luật

(HBĐT) - Trong 2 ngày 6 - 7/12, tại thành phố Hòa Bình, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) kết hợp tổ chức tọa đàm "Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở trong công tác PBGDPL”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ thực hiện Đề án "Tăng cường công tác PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2017-2021”. Tham dự hội nghị có 80 đại biểu là lãnh đạo Sở Tư pháp, Phòng PBGDPL, cán bộ tư pháp cấp huyện, xã thuộc 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Xã Hợp Hòa đưa pháp luật vào cuộc sống

(HBĐT) - Chuyện xảy ra từ năm 2017, gia đình hai anh em Bùi Văn Ph. và Bùi Văn Ng. ở xóm Trại Hòa, xã Hòa Sơn (Lương Sơn) tranh chấp mảnh đất của mẹ. Khi còn sống, mẹ ở cùng người em nên người em sử dụng mảnh đất để trồng tỉa. Sau khi mẹ mất, người em cũng không sử dụng, để mảnh đất bỏ không. Người anh lấy mảnh đất để làm, xảy ra tranh chấp giữa hai anh em. Tổ hòa giải xóm vào cuộc giải quyết vụ việc. Với sự phân tích, giải thích hợp lý, hợp tình của các hòa giải viên, người anh đã đồng ý trả lại đất cho người em sử dụng. Vụ việc được hòa giải thành, hai anh em không còn tranh chấp.

Phối hợp tổ chức 30 phiên tòa rút kinh nghiệm lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình

(HBĐT) - Năm 2018, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đưa công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã đổi mới nội dung, phương thức kiểm sát để nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục