(HBĐT) - Lụa Vạn Phúc - Hà Đông (Hà Nội) từ lâu nức tiếng trong thơ ca, nhạc, họa. Đến thăm làng lụa Vạn Phúc, trong tôi dư âm lời bài hát "Áo lụa Hà Đông”: Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”. Làng lụa Vạn Phúc là một trong những làng lụa dệt tơ tằm đẹp và nổi tiếng nhất nước ta với sản phẩm lụa Vạn Phúc độc đáo làm say đắm du khách cả trong và ngoài nước.

 


Du khách thăm quan, trải nghiệm con đường ô rực rỡ màu sắc ở làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông (TP Hà Nội).

Làng lụa Vạn Phúc xưa kia có tên Vạn Bảo, do kị húy nhà Nguyễn nên đã đổi thành Vạn Phúc. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được giới thiệu ra thị trường quốc tế ở hội chợ ̣ Marseille và được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, lụa Vạn Phúc xuất sang các nước Đông Âu và đến nay được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.

Trải qua nhiều thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và đi đầu trong ngành dệt nước ta. Lụa Vạn Phúc được đánh giá là đẹp và bền. Hoa văn trên lụa rất đa dạng, trang trí đối xứng với nhau, đường nét không rườm ra, phức tạp mà luôn tạo cảm giác phóng thoáng, dứt khoát. Nguyên liệu làm lụa Vạn Phúc chủ yếu là từ tơ tằm vì độ mềm mại, dẻo dai của nó. Để tạo ra những sản phẩm tơ lụa hoàn hảo, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn kỳ công như tơ, hồ sợi, dệt, nhuộm, phơi căng… Ở bất kỳ công đoạn nào, người nghệ nhân cũng phải hết sức cẩn thận, túc trực theo dõi ngay cả khi công đoạn cần đến máy móc thực hiện. Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều loại mẫu mã. Hiện nay, tơ lụa Vạn Phúc có khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh với những tên gọi khác nhau như: Băng hoa, long phượng, mây bay, tứ quế… Trong các loại lụa cổ truyền, nổi tiếng nhất là lụa Vân, loại lụa này có hoa nổi thì bóng mịn trên mặt lụa, hoa chìm thì chỉ thấy khi ra ánh sáng. Nét đặc biệt của lụa Vân nói riêng và lụa Vạn Phúc nói chung là người mặc sẽ cảm thấy ấm áp hơn vào mùa đông và thoáng mát hơn vào mùa hè. Làng Vạn Phúc có gần 800 hộ làm nghề dệt, chiếm gần 60% trên tổng số hộ sinh sống nơi đây. Hàng năm, làng sản xuất khoảng 2,5 - 3 triệu m2 vải, chiếm 63% doanh thu của làng nghề.

Làng lụa Vạn Phúc (nay là phường Vạn Phúc) nằm ngay trong lòng quận Hà Đông và cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Cùng với việc lưu giữ và phát triển làng nghề dệt lụa truyền thống, làng lụa Vạn Phúc dần đổi mới, trở thành điểm du lịch để bắt nhịp với nhu cầu thị trường về sản phẩm cũng như nhu cầu khám phá, vui chơi, tìm hiểu về làng nghề của du khách. Trở lại làng lụa Vạn Phúc, chúng tôi chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của làng nghề với hình ảnh văn minh và năng động hơn. Những ngày cuối tuần, làng lụa Vạn Phúc đón nhiều lượt khách du lịch ghé thăm và chụp ảnh. Điều đặc biệt khi du khách đến khám phá làng lụa là con đường ô Vạn Phúc đa sắc màu. Chính sự trang trí bắt mắt, độc đáo từ những chiếc ô nhiều màu sắc đã mang đến khung cảnh ấn tượng, giúp du khách tha hồ được check-in những bức hình đẹp mắt khi đến nơi đây. Bên cạnh con đường ô rực rỡ sắc màu, làng lụa Vạn Phúc còn có 1 địa điểm check-in khác là bức tường bích họa. Bức tường bích họa lớn đã được các cô giáo trường mầm non Vạn Phúc tái hiện về làng nghề lụa Vạn Phúc ở khu vực trung tâm mà nhiều người đến đây nhất định phải chụp ảnh làm kỷ niệm.

Đến làng lụa Vạn Phúc, chúng ta còn có thể đến thăm quan tại các điểm như: Chùa Vạn Phúc, đền thờ tổ nghề, miếu Vạn Phúc, trung tâm bảo tồn lụa Vạn Phúc, trung tâm sinh vật cảnh, phố đồ cổ - đồ xưa, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra, du khách cũng có thể ghé thăm những xưởng dệt, nhuộm vải nằm phía sau khu chợ lụa Vạn Phúc để tìm hiểu về quy trình dệt lụa, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công hay thử trải nghiệm làm một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Đặc biệt, đến với làng, du khách còn có cơ hội được trải nghiệm làm tranh từ vải vụn tại Hợp tác xã VỤN Art – nơi có những con người khuyết tật đang làm việc tại đây.

Việc phát triển du lịch làng nghề tại làng lụa Vạn Phúc không chỉ bảo tồn nét văn hóa truyền thống mà còn giải quyết được việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần phát triển KT-XH  địa phương. 

 Linh Trang

Các tin khác


Vở ballet Giselle: Tình yêu vượt trên mọi điều, kể cả cái chết!

Giselle là một vở ballet hai màn lãng mạn, được công diễn lần đầu tại Học viện Nhạc kịch Hoàng gia tại Salle Le Peletier, Paris, Pháp vào ngày 28/6/1841. Vở ballet này đã ngay lập tức được hưởng ứng nồng nhiệt và nhanh chóng phổ biến khắp Châu Âu, Nga, Mỹ.

Tà áo dài và nét duyên riêng của miền cố đô Huế

Là điệu hồn người Việt, tà áo dài tự bao giờ đã trở thành biểu tượng muôn phương xứ Nam. Người con gái Huế cũng góp vào vẻ đẹp ấy một nét duyên thầm trong tà áo dài trắng.

Món chè của Việt Nam trong 22 khoảnh khắc văn hóa - du lịch của thế giới

Cuộc thi ảnh quốc tế CEWE Photo Award đã vừa giới thiệu lại 22 khoảnh khắc ấn tượng nhất ở hạng mục văn hóa - du lịch tại mùa giải năm trước, để khởi động cho cuộc thi năm nay.

Những bức ảnh đẹp nhất trong tuần

Ria.ru cung cấp cho độc giả những bức ảnh tươi sáng và giàu cảm xúc nhất được chụp bởi các phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí thế giới trong tuần qua.

Thế giới đang thiết lập "trạng thái bình thường mới" thế nào?

Sau một thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19, các hoạt động phổ biến trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tôn giáo, giải trí,... của thế giới đang dần được nối lại. Thay vì thường xuyên diễn ra trong không gian khép kín và đông đúc như trước đây, các hoạt động này có xu hướng được tổ chức trong không gian mở ngoài trời. Đây là cách thế giới quay lại nhịp sống thường nhật và thích nghi với "trạng thái bình thường mới".

Không gian phố đi bộ quanh Hồ Gươm: Nơi hội tụ văn hóa bốn phương

3 năm mở rộng không gian phố đi bộ quanh Hồ Gươm, đã có 410 sự kiện văn hóa quy mô lớn được tổ chức, thu hút được sự tham gia của 20 tỉnh, TP trong nước, 26 Đại sứ quán và 3 tổ chức quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục