Tết Gơ rơ chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Khơ Mú góp phần làm đa dạng thêm vốn văn hóa của các dân tộc trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
Bà Lữ Thị Loan bên dàn chiêng mừng năm mới. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Từ sáng sớm, chị Lữ Thị Bé, 30 tuổi, đã dậy sớm nấu cơm, đun nước để chuẩn bị cho nghi lễ cúng Tết Gơ rơ, ngày Tết quan trọng nhất trong năm của đồng báo Khơ Mú, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Tết Gơ rơ được tổ chức trùng vào dịp Tết nguyên đán với ý nghĩa cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mọi người trong gia đình, bản làng khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn.
Tính thiêng trong nghi lễ của người Khơ Mú
Theo ông Lữ Văn Quang, trưởng bản Xạp Kha, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, từ cuối tháng 11 Âm lịch, nhà nhà đều lo sắm sửa bình rượu cần để chuẩn bị vui Xuân, đón Tết. Theo quan niệm của các già làng, rượu cần là thứ quan trọng để thể hiện năm vừa qua gia chủ có làm ăn may mắn hay không. Do vậy, dù khó khăn đến đâu, đến ngày Tết, trong nhà người Khơ Mú cũng có từ 5-7 bình rượu cần.
"Mỗi gia đình người Khơ Mú ăn Tết Gơ rơ đều phải sắm đủ lễ gồm: 1 cặp gà (1 con gà trống, 1 con gà mái), một vò rượu cần, một đĩa cau trầu. Nếu thiếu một trong 3 thứ trên thì không thể thực hiện được nghi lễ của ngày Tết Gơ rơ,” ông cho biết.
"Rượu cần được làm từ những hạt lúa nếp đồ lên trộn với trấu và men lá rừng, khi rượu lên hương ngào ngạt. Tết Gơ rơ cũng chỉ kéo dài trong 1 buổi hoặc 1 ngày, tùy vào số rượu cần mà gia chủ chuẩn bị được,” ông nói thêm.
Mỗi gia đình người Khơ Mú ăn Tết Gơ rơ đều phải sắm đủ lễ gồm: một cặp gà, một vò rượu cần, một đĩa cau trầu. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Khoảng hơn 8 giờ sáng, chị Lữ Thị Bé cùng phụ nữ trong nhà mang rượu cần và gà sống lên căn bếp thiêng, nơi trú ngụ của tổ tiên người Khơ Mú để bắt đầu buổi lễ. Thầy cúng là một người cao niên trong dòng họ, hoặc họ nhà nào không có thầy cúng thì phải đi mời từ trước. Chén rượu đầu tiên được dâng lên tổ tiên và thần linh núi rừng đã ban cho người Khơ Mú mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau khi dâng rượu, ông cắt tiết gà và gọi con cháu lại bôi huyết gà lên đầu gối mọi người. Cứ như thế hết lượt, con cháu lại xúm lại bôi cho bố mẹ. Vừa bôi vừa chúc nhau năm mới sức khỏe, an lành, đôi chân luôn cứng để vững bước trên núi rừng, nương rẫy.
Khi nghi lễ xong xuôi, mọi người mới đem gà đi làm thịt để chuẩn bị cho phần lễ tiếp theo. Lúc này, những già làng được mời đến ngồi quanh vò rượu cần, vừa uống vừa chúc gia chủ năm mới tốt lành. Những sừng rượu cần được mời hết khắp lượt trong sự hân hoan của mọi người.
"Mâm cỗ cúng chúng tôi chuẩn bị gồm bí, sắn hấp, moọc, chân, đầu và lòng mề gà. Moọc là món cá suối bọc lá chuối hong trên bếp lửa trong nhiều giờ. Đây là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết của người Khơ Mú. Những gia đình nào khá giả có thể chuẩn bị thêm cá nướng,” chị Bé cho biết.
"Khi được phép thụ lộc, con cháu trong nhà đưa bàn tay lên ngang trán để tỏ lòng thành kính, biết ơn, sau đó, thầy cúng lấy mỗi thứ một ít bỏ vào đó. Người Khơ Mú làm vậy để bảo ban con cháu phải biết quý trọng những thực phẩm do mình bỏ công sức làm ra, không bao giờ được phí phạm,” chị Bé nói.
Mâm cỗ cúng của người Khơ Mú. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Xong xuôi mọi việc, gia chủ mời mọi người cùng vào thưởng thức. Những tiếng nói cười, tiếng chúc nhau năm mới rộn ràng khắp bản làng. Men rượu cần càng uống càng ngọt trên đầu môi càng say đắm lòng người. Một năm mới đã bắt đầu với đồng bào dân tộc Khơ Mú.
Ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc
Cũng giống như nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc khác, Tết Gơ rơ của đồng bào dân tộc Khơ Mú gồm hai phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ bao giờ cũng linh thiêng, trang nghiêm và huyền bí, còn phần hội lại rất tưng bừng vui tươi và cuốn hút mọi người cùng tham gia.
Múa sạp trong tiếng Khơ Mú gọi là "tẹ khiệp." Từng tốp các chàng trai cô gái trong trong bộ trang phục truyền thống nắm tay nhau, chân nhún nhẩy nhịp nhàng, đều đặn theo nhịp âm của thanh tre gõ xuống.
Đạo cụ dùng trong múa sạp khá đơn giản, chỉ cần hai cây tre to, dài và thẳng để kê hai bên, cần 8-10 thân cây tre nhỏ hơn, thẳng và nhẹ để làm thanh vỗ nhịp, tương ứng cần có 8-10 người cầm hai đầu của cây tre nhỏ để vỗ nhịp. Như vậy là đã có một phần hội múa sạp, số người tham gia múa sạp không giới hạn, không phân biệt già trẻ, trai gái.
Ngoài ra, ngày Tết người Khơ Mú cũng múa tầm đao - một điệu múa rất riêng của Khơ Mú. Tầm đao hay tăm đao là một loại nhạc cụ dân gian dành riêng cho phụ nữ, được làm từ thân của cây nứa nhỏ, đường kính 3-4 cm, dài từ 50-60 cm. Để chế tạo loại nhạc cụ này, những người phụ nữ phải vào rừng chọn lựa những cây nứa thẳng, đẹp và không quá già. Họ chặt một đoạn cây vừa ý sao cho một đầu giữ lai phần mấu, đầu kia bỏ mấu, giữ lại thân ống nứa, phía trên đầu của mấu người ta đục hai lỗ nhỏ nằm ở hai bên đối xứng nhau. Khi biểu diễn, ngón tay cái đăt lên phần lỗ ở thân trên, ngón tay trỏ đặt ở vị trí phía bên dưới. Phần thân nứa không có mấu, người ta vát nhẹ hai bên thân ống tạo thành trạc hình chữ "U” dài khoảng 25-30 cm, giữa hai cánh có xẻ một khe nhỏ vào thân ống để kẹp một sợi chỉ nhỏ, sợi chỉ này cũng có tác dụng điều tiết âm thanh.
Một điệu múa trong lễ mừng năm mới của người Khơ Mú tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)
Chị em phụ nữ dân tộc Khơ Mú trong bộ trang phục truyền thống, xếp thành hai hàng đối diện nhau trong tư thế chuẩn bị, sau nhịp dẫn của người đi đầu tất cả mọi người cùng hòa theo nhịp. Trên nền nhịp và âm thanh của tầm đao, hai hàng dần biến đổi đội hình, từ hàng thẳng họ đan xen vào nhau, đảo vị trí cho nhau, di chuyển thành hình vòng tròn, cứ như vây nhịp đánh càng tăng dần, tốc độ di chuyển trong hàng càng nhanh hơn, thôi thúc hơn. Càng về sau người đánh tầm đao như hòa mình vào điệu múa như không bao giờ kết thúc.
Điều đặc biệt là mỗi điệu múa đều bắt đầu với một màn cồng chiêng. Bộ chiêng của người Khơ Mú chỉ có 3 chiếc chứ không nhiều như những dân tộc khác. Phụ nữ đánh chiêng, đàn ông đánh trống.
Bà Lữ Thị Loan, 57 tuổi, tự hào gõ bộ chiêng ba của mình vang lên những tiếng chắc khỏe "bùng, boong, phum.” Bà nói những người phụ nữ Khơ Mú biết đánh chiêng từ nhỏ, nhưng trong lễ hội năm mới, chỉ người phụ nữ lớn tuổi, được kính trọng mới có thể đánh chiêng.
Trong bộ trang phục truyền thống, bà tự hào giới thiệu Tết Gơ rơ truyền thống của dân tộc mình: "Thường ngày, phụ nữ Khơ Mú cũng áo thêu, váy nhung the như thế này, nhưng dịp Tết thì đội thêm khăn thêu, đeo thêm vòng tay, vòng cổ và xà tích gắn những quả chuông nhỏ. Khăn đội đầu của phụ nữ người Khơ Mú có nền đen, hoa văn thêu nhiều màu, cũng được gọi là khăn piêu như cách gọi của người Thái.”
"Tết Gơ rơ ngày nay vẫn có những nghi lễ truyền thống từ xa xưa truyền lại. Con cháu chúng tôi vẫn duy trì các nghi thức thiêng liêng. Chúng tôi rất tự hào khi được tái hiện lễ hội của mình cho du khách tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam cho du khách gần xa hiểu hơn về văn hóa của người Khơ Mú,” bà nói.
Chị Lữ Thị Bé trong bộ váy áo sặc sỡ cũng tham gia múa sạp, múa tầm đao trong ngày Tết Gơ rơ của dân tộc mình. Chị cho biết đây là một nghi lễ linh thiêng nhất trong năm, thể hiện đạo lý uống nước nguồn, nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc Khơ Mú và cũng là dịp để đồng bào, những người trong gia đình, họ hàng bản làng một năm đi làm ăn xa có dịp gặp gỡ nhau, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc trong mỗi gia đình và toàn thôn bản. Bởi vậy, các thế hệ người Khơ Mú tự hào gìn giữ và tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó./.
Theo TTXVN
Là điệu hồn người Việt, tà áo dài tự bao giờ đã trở thành biểu tượng muôn phương xứ Nam. Người con gái Huế cũng góp vào vẻ đẹp ấy một nét duyên thầm trong tà áo dài trắng.
Cuộc thi ảnh quốc tế CEWE Photo Award đã vừa giới thiệu lại 22 khoảnh khắc ấn tượng nhất ở hạng mục văn hóa - du lịch tại mùa giải năm trước, để khởi động cho cuộc thi năm nay.
Ria.ru cung cấp cho độc giả những bức ảnh tươi sáng và giàu cảm xúc nhất được chụp bởi các phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí thế giới trong tuần qua.
Sau một thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19, các hoạt động phổ biến trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, tôn giáo, giải trí,... của thế giới đang dần được nối lại. Thay vì thường xuyên diễn ra trong không gian khép kín và đông đúc như trước đây, các hoạt động này có xu hướng được tổ chức trong không gian mở ngoài trời. Đây là cách thế giới quay lại nhịp sống thường nhật và thích nghi với "trạng thái bình thường mới".
3 năm mở rộng không gian phố đi bộ quanh Hồ Gươm, đã có 410 sự kiện văn hóa quy mô lớn được tổ chức, thu hút được sự tham gia của 20 tỉnh, TP trong nước, 26 Đại sứ quán và 3 tổ chức quốc tế.
Nhật Bản là đất nước mà hầu như các dịp lễ hội kéo dài suốt cả năm. Dưới đây là 4 lễ hội đặc sắc nhất đi cùng nền văn hóa lịch sử lâu đời của xứ hoa anh đào.