Đông đảo bạn đọc tiếp tục bày tỏ niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cho rằng vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm.
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa xuất bản. Đông đảo bạn đọc tiếp tục bày tỏ niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cho rằng vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực triển khai quyết liệt
Đề cập đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng thời gian qua, kỹ sư Bùi Công Khê, Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã triển khai liên tục, quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực. Chưa khi nào chúng ta xử lý được nhiều vụ đưa và nhận hối lộ; thu được số tài sản lớn như vậy. Nhiều cán bộ cấp cao, cả Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và một số tướng lĩnh công an và quân đội... vi phạm đều đã bị xử lý kỷ luật.
"Tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với tinh thần "Phải cắt một vài cành cây sâu để cứu cả cái cây”; "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Có thể thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng”, kỹ sư Bùi Công Khê chia sẻ.
Theo kỹ sư Bùi Công Khê, bên cạnh việc cần liên tục, quyết liệt, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thì cần phải tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vụ việc phát sinh mới, với nguyên tắc: "Tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó"; đồng thời cần kiên quyết xử lý nghiêm những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, cản trở việc xử lý hành vi tham nhũng. Ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất là "tham nhũng vặt" trong giải quyết công việc. Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cụ thể là việc xây dựng luật, cần có bộ máy độc lập chuyên xây dựng luật, tránh lợi ích nhóm khi xây dựng luật.
Minh bạch các cơ chế, chính sách
Chia sẻ cảm nhận về cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Huỳnh Đức Thế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên cho biết, cuốn sách được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng 3/2 (1945-2023) đã tác động tích cực đến mọi người dân từ "Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái”.
Đây là một cuốn sách rất có giá trị, đúc kết lại những bài phát biểu, bài nói chuyện, kể cả những chỉ đạo của Tổng Bí thư, thể hiện rõ được ý chí, nguyện vọng, đường lối mà Đảng ta đã, đang và sẽ triển khai. Những bài viết trong cuốn sách thể hiện tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị vượt trội của Tổng Bí thư về vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông Huỳnh Đức Thế, việc dựa vào dân để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn với tổ chức của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, có tinh thần trách nhiệm và thể hiện rõ tính xây dựng; đồng thời tất cả các hoạt động phải trên cơ sở quy định của pháp luật, kỷ luật của Đảng.
Ông Huỳnh Đức Thế đề xuất, lãnh đạo các cấp nên trang bị cho các thư viện ở các cấp cơ sở có cuốn sách của Tổng Bí thư để mọi người dân đón đọc. Các đơn vị làm công tác thông tin truyền thông nên hướng dẫn rộng rãi trên các kênh thông tin về việc hướng dẫn kỹ thuật để người dân tiếp cận dễ dàng, thuận lợi nhất; đồng thời cũng nên đưa vào chương trình giáo dục ở các trường từ cấp Trung học Cơ sở đến cấp Đại học…
Đánh giá về nội dung cuốn sách, bà Hoàng Thiên Nga, nguyên Trưởng đại diện Báo Tiền phong khu vực miền Trung Tây Nguyên, cho biết cuốn sách có nội dung sâu sắc về lý luận và các vấn đề cụ thể rất dễ tiếp nhận.
Phần thứ nhất, một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; gồm bài tổng quan Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!; bốn bài phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các năm 2014, 2018, 2020, 2022; nội dung phát biểu kết luận tại các phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo do đồng chí làm Trưởng ban.
Phần thứ hai gồm 14 bài viết, bài phát biểu tiêu biểu về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng từ những năm đầu đổi mới (1986) đến nay và tám bài về rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong đó có những bài được viết từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước.
Phần thứ ba, tập hợp 96 ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và các chính khách, học giả nước ngoài ủng hộ và thể hiện niềm tin sâu sắc vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Hoàng Thiên Nga cho rằng, cần tiếp tục chú trọng các giải pháp phòng ngừa bằng việc công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm. Theo đó, việc cải cách hành chính cần thực hiện quyết liệt hơn, chú trọng rà soát, đơn giản hóa, công khai thủ tục hành chính, mở rộng các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở và trong các lĩnh vực, nhất là việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, các cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, sai phạm về chuyên môn cần phải xử lý nghiêm minh.
TheoBaotintuc
(HBĐT) - Sáng 4/1, Ban Nội chính T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội chính Đảng. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.
Ngày 27/12/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật một số tổ chức, cán bộ, đảng viên.
Năm 2022, đất nước mặc dù vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19, vừa chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, song công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương. Từ đó công tác này có bước phát triển mới, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.
Trong các ngày 20 và 21/12, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 24. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.
(HBĐT) - Tinh giản biên chế (TGBC) nhằm tạo được bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả trên cơ sở cơ cấu tổ chức tinh gọn với số lượng nhân sự phù hợp, được vận hành khoa học để thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ đã được xác định. Đây là cách thức để các cơ quan Nhà nước tinh lọc lại nhân sự nhằm làm cho hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong điều kiện ngân sách Nhà nước (NSNN) còn hạn hẹp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng tình với ý kiến cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, cho rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được thực hiện quyết liệt, bền bỉ, bài bản, nhân văn, nhân ái, nhân tình. Cuộc đấu tranh với "giặc nội xâm” này đã thành xu thế, thành phong trào, không thể không làm và phải tiếp tục làm mạnh hơn nữa, không ngừng, không nghỉ. Nếu không làm như vậy sẽ dễ dẫn đến hư hỏng cán bộ, mất chế độ.