LLVT tỉnh ta không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong ảnh: CB-CS LLVT tỉnh tham gia diễu hành tại Lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh.
Hoàng Việt Cường (Bí thư Tỉnh uỷ)
(HBĐT) - Cách đây 60 năm, dưới dự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới, ta nắm quyền chủ động trên chiến trường, buộc Pháp rơi vào tình thế bị động, lúng túng, đối mặt với nguy cơ thất bại.
Để cứu vãn tình thế, Chính phủ Pháp đề nghị Mỹ tăng cường viện trợ, đồng thời tăng quân, đổi tướng sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh, kiêm Cao uỷ Pháp ở Đông Dương. Dựa vào viện trợ của Mỹ, sau một năm ráo riết bắt lính, củng cố lực lượng, xây dựng các binh đoàn cơ động, tiến hành bình định, thực dân Pháp quyết định mở kế hoạch phản công nhằm giành lại quyền chủ động trên chiến trường. Mục tiêu được chọn là tỉnh Hoà Bình, địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, nối liền vùng Tây Bắc rộng lớn và chiến khu Việt Bắc với Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời là tỉnh tự do duy nhất của Liên khu 3 lúc này.
Nhận rõ âm mưu và thủ đoạn của địch, Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định mở chiến dịch Hoà Bình. Ngày 24/11/1951, Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 22-CT/TW về “Nhiệm vụ phá cuộc tấn công của địch“. Tổng Quân uỷ và Bộ tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo chiến dịch, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trực tiếp làm chỉ huy trưởng chiến dịch. Trước khi chiến dịch mở màn, Hồ Chủ tịch gửi thư động viên: “Trước kia ta phải lừa địch ra mà đánh, nay địch tự ra cho ta đánh... Bộ đội chủ lực đánh, bộ đội địa phương, dân quân du kích cũng đánh. Các lực lượng phải phối hợp với nhau chặt chẽ để tiêu diệt địch... Bác đang dành giải thưởng đặc biệt cho bộ đội nào, chiến sĩ nào lập công to nhất. Bác chờ nhiều báo cáo thắng trận của các chú“.
Quán triệt chỉ thị của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, ngày 24/11/1951, Thường vụ Tỉnh uỷ họp bất thường, có sự tham dự của đại diện Thường vụ Liên Khu uỷ 3. Hội nghị đề ra nhiệm vụ trọng tâm lãnh đạo quân và dân trong tỉnh tham gia chiến dịch: Tập trung tuyên truyền cho quân và dân nhận rõ âm mưu tái chiến Hoà Bình của địch, động viên nhân dân đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến đấu, đẩy mạnh công tác địch vận. Về công tác quân sự: lấy xây dựng du kích là chính, nâng cao chất lượng bộ đội địa phương; bộ đội địa phương phải phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực đánh địch, đồng thời dìu dắt và xây dựng du kích địa phương...
Ngày 10/12/1951, chiến dịch Hoà Bình mở màn, được phân thành hai đợt. Đợt 1, từ 10/12/1951 - 7/1/1952, với trận mở màn đánh đồn Tu Vũ của Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308). Sau trận đầu thắng lợi giòn giã, khí thế quyết chiến, quyết thắng nâng cao, bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương và du kích, được nhân dân giúp đỡ liên tục đánh địch, làm chúng bị tổn thất nặng nề. Lực lượng địch ở Phân khu Chợ Bến bị tê liệt, các cứ điểm địch ở Phân khu sông Đà cơ bản bị đập nát, đường vận chuyển trên sông Đà và đường 6 bị ngừng trệ, địch ở thị xã Hoà Bình liên tục bị tiến công và cô lập.ở chiến trường Bắc Bộ, quân Pháp bị đánh tổn thất nặng nề, không còn khả năng chi viện cho Hoà Bình. Địch rơi vào tình thế bi đát, buộc phải rút toàn bộ lực lượng ở Phân khu sông Đà về tăng cường cho Hoà Bình, một phần cho đồng bằng. Tướng Đờ-lát bị triệu hồi về Pháp, tướng Sa-lăng lên thay làm Tổng chỉ huy. Đợt 2 của chiến dịch bắt đầu từ 8/1/1952 - 25/2/1952. Ta tập trung lực lượng tấn công các cứ điểm của địch tại thị xã Hoà Bình và vùng lân cận, đẩy quân Pháp vào tình thế nguy kịch. Để tránh bị tiêu diệt, ngày 23/2/1952, địch buộc phải rút chạy, thị xã Hoà Bình được giải phóng. Trên đường rút chạy, trên 2 vạn quân địch bị quân ta truy kích, chặn đánh tổn thất nặng nề, đoạn đường Hòa Bình - Xuân Mai dài hơn 40 km, nhưng phải mất 2 ngày chúng mới rút hết về căn cứ Xuân Mai. Chiến dịch Hoà Bình kết thúc thắng lợi ngày 25/2/1952.
Trong chiến dịch, tỉnh Hoà Bình đã huy động trên 200.000 ngày công phục vụ công tác vận chuyển, ủng hộ 325 con trâu, bò, 200 con lợn, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn cây tre, bương để làm lán trại, hàng trăm bè mảng vượt sông, suối... Trong thời gian chiến dịch có 291 thanh niên tòng quân bổ sung cho quân đội. Trong chiến đấu, nổi lên tấm gương dũng cảm của Tiểu đội trưởng Cù Chính Lan, dùng lựu đạn diệt xe tăng địch, chiến công và tên tuổi của người Anh hùng mãi mãi gắn liền với lịch sử chiến thắng Hoà Bình.
Chiến thắng Hoà Bình là thắng lợi lớn nhất của ta sau chiến thắng Biên Giới 1950, sau hơn 3 tháng chiến đấu anh dũng, quân và dân tỉnh Hoà Bình phối hợp với bộ đội chủ lực anh dũng chiến đấu, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch: 6.012 tên bị tiêu diệt, phá huỷ 156 xe các loại, 17 tàu chiến và ca nô, 12 khẩu pháo. Ta thu được 800 khẩu súng các loại, trong đó có 24 khẩu pháo, 88 máy vô tuyến điện và 23.000 lít xăng, dầu.
Chiến dịch Hoà Bình giành thắng lợi có ý nghĩa to lớn, làm thất bại hoàn toàn âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến; góp phần làm phá sản kế hoạch bình định, mưu đồ lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt của địch. Đối với Hoà Bình, âm mưu lập lại “Xứ Mường tự trị” của Pháp và bọn phản động bị thất bại hoàn toàn, hầu hết đất đai trong tỉnh được giải phóng, nhân dân các dân tộc được sống trong tự do, càng thêm tin tưởng, hăng hái đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân cả nước đánh bại hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược.
Phát huy truyền thống chiến thắng Hoà Bình, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hàng vạn thanh niên trai gái đất Mường tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong, anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. ở hậu phương lớn, quân và dân các dân tộc phối hợp chặt chẽ với bộ đội phòng không, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, bắn rơi 49 máy bay, bắt sống giặc lái, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp thống nhất đất nước.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay. Phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Hoà Bình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Hoà Bình hăng hái phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế, văn hoá - xã hội, QP-AN. Tại thị xã Hoà Bình của chiến trường xưa, công trình thế kỷ - Thuỷ điện Hoà Bình lớn nhất Đông Nam á được xây dựng, thị xã nay đã phát triển lên thành phố ngày càng hiện đại.
Từ một tỉnh thuần nông - lâm nghiệp, đến nay cơ cấu kinh tế của tỉnh đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng tích cực (tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp). Toàn tỉnh hiện nay đã có 8 khu công nghiệp, với diện tích 1.600 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 4 khu đã có nhà đầu tư hạ tầng; có 17 cụm công nghiệp với diện tích 500 ha đã được phê duyệt chi tiết. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 363 dự án đầu tư, gồm 22 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, với số vốn đăng ký là 202 triệu USD và 341 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký 34.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 15,6 triệu đồng, thu ngân sách Nhà nước đạt 1.580 tỷ đồng, 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, 100% số hộ thương binh, gia đình chính sách có đời sống ổn định và đạt mức độ trung bình khá so với đời sống nhân dân, hộ nghèo còn 28%.
Quốc phòng - an ninh thường xuyên được tăng cường, ANCT - TTATXH được giữ vững, nhiệm vụ kết hợp giữa KT-XH với QP-AN được thực hiện có hiệu quả; công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên, HS-SV và các tầng lớp nhân dân đã trở thành nề nếp. Khu vực phòng thủ tỉnh, huyện được xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc, LLVT tỉnh: bộ đội địa phương, công an nhân dân và dân quân tự vệ được quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hòa Bình, tự hào ôn lại những chiến công chói lọi trong chiến dịch Hòa Bình; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình quyết tâm phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hoà Bình lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đề ra, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.
* Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
(HBĐT) - Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XV diễn ra từ ngày 7-9/12/2011 đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, tỉnh Hòa Bình. Báo Hòa Bình trân trọng giới thiệu nội dung chính của Nghị quyết này.
(HBĐT) - Báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV do đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trình bày.
Hoàng Việt Cường - Bí Thư Tỉnh uỷ
(HBĐT) - Hoà Bình là tỉnh miền núi với dân số gần 80 vạn người, trong đó phụ nữ chiếm trên 50% dân số và có mặt ở hầu hết các lĩnh vực. Khu vực cơ quan Nhà nước chiếm 70%, một số ngành có tỷ lệ nữ cao như GD&ĐT chiếm trên 80%; y tế trên 70%; thương mại - du lịch 60%...
(HBĐT) -Trong chặng đường hơn nửa thế kỷ, từ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, chúng ta tự hào về Đảng, Nhà nước đã xây dựng nên một nền giáo dục dân chủ, phát triển và nhân văn. Các thế hệ nhà giáo tỉnh Hòa Bình đã có những đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phát triển KT-VH-XH và đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện của tỉnh và đất nước.
(HBĐT) - Nhân dịp Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2011 - 2016, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UVT.Ư Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã có bài viết đánh giá về những kết quả Hội đã đạt được và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tiếp theo. Báo Hòa Bình điện tử xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.