(HBĐT) - LTS: Những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhân Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 (15/3), PV Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Phạm Hữu Chiến, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh.


PV: Xin đồng chí cho biết kết quả, đặc biệt là những chuyển biến về nhận thức và hành vi của các cấp, ngành, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Đồng chí Phạm Hữu Chiến:Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của người tiêu dùng trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực, thể hiện cụ thể là tổ chức Hội ngày càng củng cố và phát triển, đã thành lập được các chi hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) các huyện và thành phố Hòa Bình, đồng thời bước đầu triển khai hoạt động tuyên truyền pháp luật BVQLNTD và giải quyết khiếu nại tại các địa phương. Có một số chi hội hoạt động tốt như chi hội Lạc Thủy, Kim Bôi...

Hội đã chủ động tổ chức và phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức 60 buổi tập huấn, truyền thông phổ biến pháp luật BVQLNTD cho trên 3.600 lượt người. In và phát hành 10.000 tờ rơi tuyên truyền, tiến hành khảo sát và tư vấn tại 12 chợ nông thôn, khảo sát nhận thức về quyền lợi người tiêu dùng đối với 450 người ở các địa phương trong tỉnh. Tiếp nhận và giải quyết 68 đơn khiếu nại của người tiêu dùng trong tỉnh liên quan đến các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các lĩnh vực như chất lượng hàng hóa, bảo hành hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức trên 200 cuộc tư vấn trực tiếp và thông qua đường dây nóng cho hàng nghìn lượt người tiêu dùng để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình.


Người tiêu dùng đọc kỹ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm trước khi mua và sử dụng hàng hóa (ảnh tại siêu thị Hoàng Sơn PLAZA - phường Đồng Tiến - TP Hòa Bình).

Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các huyện và sở, ngành để tìm hiểu, nắm tình hình về những việc đã làm được và những việc chưa làm được trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 09, ngày 28/4/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác BVQLNTD, thông qua đó tư vấn, góp ý cho các đơn vị những việc làm tiếp theo nhằm làm tốt hơn nữa công tác BVQLNTD theo tinh thần Chỉ thị. Bước đầu kết nối giữa người tiêu dùng với người sản xuất, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn. Nhờ đó đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong BVQLNTD, thể hiện rõ nhất là người tiêu dùng đã chủ động phản ánh những hiện tượng vi phạm về quyền lợi. Doanh nghiệp đã chú ý và phối hợp với Hội để giải quyết khi có người tiêu dùng khiếu nại về sản phẩm hàng hóa dịch vụ của mình...

PV: Xin đồng chí cho biết chủ đề và chương trình hành động hướng tới Ngày quyền của người tiêu dùng năm 2018. Những thông điệp gửi tới cộng đồng?

Đồng chí Phạm Hữu Chiến:Chủ đề cho các hoạt động Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 là "Kinh doanh lành mạnh - tiêu dùng bền vững”. Theo đó, ngày 19/1/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 09 về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 trên địa bàn tỉnh. Trong đó khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; nêu cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhất là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc BVQLNTD theo quy định của pháp luật góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế. Trên địa bàn tỉnh sẽ có các hoạt động như mít tinh hưởng ứng Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Hội BVQLNTD tỉnh cùng các sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện và tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Hòa Bình, Đài PT-TH tỉnh, tuyên truyền lưu động tại các huyện và thành phố.

Trong bối cảnh thị trường đa dạng và phức tạp, nhất là sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ, thông điệp mà Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 muốn nhấn mạnh là:

- Doanh nghiệp hãy kinh doanh lành mạnh, xây dựng và củng cố niềm tin cho người tiêu dùng.

- Người tiêu dùng hãy tiêu dùng hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; hãy suy nghĩ kỹ trước khi mua hàng hóa, dịch vụ và đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.

- BVQLNTD là trách nhiệm chung của toàn xã hội! Vì Người tiêu dùng là tất cả chúng ta.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!


Bùi Minh (thực hiện)


Các tin khác


Hiệu quả từ các hoạt động Dự án VIE071

Sau 3 năm triển khai (2021 - 2024), dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi (NCT) tại Việt Nam” (VIE071) đã hoàn thành mục tiêu thành lập 30 câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) trên địa bàn tỉnh. Mô hình sau khi đưa vào hoạt động đã, đang tăng cường sự tham gia của NCT trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe, tăng nhu nhập… trong cộng đồng xã hội. Từ đó nhanh chóng thích ứng với xu hướng già hóa dân số, đồng thời giúp NCT sống vui - khỏe - hạnh phúc.

Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục