Vì công việc, mỗi năm tôi có ít nhất một lần được đến với Trung tâm công tác xã hội tỉnh. Thời gian lưu lại không dài nhưng cũng đủ để nghe, nhìn, cảm nhận về cuộc sống của những con người, số phận đang tựu tề dưới mái nhà chung ấm áp này.
"Ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm xây dựng lên ngôi nhà chung để cưu mang những mảnh đời bất hạnh! ơn các cháu "cán bộ” luôn chăm sóc chúng tôi chu đáo…”! Đó là những lời ngắn ngủi chúng tôi thường được nghe khi tiếp xúc với các cụ ông, cụ bà còn minh mẫn.
Thật vậy, ở Trung tâm công tác xã hội tỉnh, ngoài những cụ còn tỉnh táo, nhận biết sự việc xung quanh, còn có nhiều cụ mắc bệnh thiểu năng, đãng trí, khuyết tật nặng… không thể chăm sóc bản thân. Do vậy, mọi việc từ ăn, mặc, ngủ, nghỉ và cả vệ sinh cá nhân đều phụ thuộc vào nhân viên Trung tâm. Trách nhiệm, tình cảm của những cán bộ, nhân viên ở đây chính là ngọn lửa sưởi ấm trái tim cô đơn, lạnh lẽo của những con người sắp gần đất xa trời, giúp họ có thêm nghị lực để sống tiếp cuộc đời còn lại và thắp sáng ước mơ cho những em nhỏ không cha, không mẹ, đã có những tháng ngày sống lang thang, cơ nhỡ. Tôi thực sự cảm thấy ấm lòng khi nghe Giám đốc Trung tâm Đỗ Anh Chiến nhắc nhở nhân viên: Choàng thêm cho Châu cái áo, sửa lại cho Thúy cái khăn và thân mật hỏi han các con có lạnh không, có vui không…? Khi các cháu nhỏ đang mặc trang phục khá mỏng manh trước giờ biểu diễn văn nghệ.
Tiết mục hát trên nền tiếng kèn lá "Em ước mơ có cha, có mẹ” của 2 em nhỏ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh.
Được biết, riêng năm 2017, Trung tâm tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 196 đối tượng. Trong đó có 16 người già cô đơn, 21 người khuyết tật, 115 người khuyết tật thần kinh tâm thần đặc biệt, 38 trẻ mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 4 đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp và 2 đối tượng tự nguyện. Mỗi người có một cuộc sống, hoàn cảnh khác nhau nhưng khi đến Trung tâm họ trở thành người nhà, tình thân, cùng nhau yêu thương, sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn, bất hạnh. Mỗi người đến với Trung tâm đều được đánh giá nhu cầu, sàng lọc, phân loại để tư vấn, cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tạo điều kiện để các đối tượng sớm hòa nhập với mọi người. Các cháu trong độ tuổi đều được đến trường học đầy đủ, có nhiều cháu đạt học sinh khá, giỏi.
Để góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày cho những người được nuôi dưỡng, Trung tâm tổ chức tốt việc tăng gia sản xuất. Cả cán bộ Trung tâm và người được nuôi dưỡng cùng tham gia lao động. Trong năm qua đã thu hoạch 10.400 kg rau xanh; 1.300 kg lợn hơi; 100 kg gia cầm. Để thực hiện tốt hơn việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững tiếp nhận 19 lượt tình nguyện viên quốc tế đến từ trường Đại học Curtin (Australia) và trường Đại học Han (Hà Lan) hỗ trợ công tác chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại trung tâm.
Không chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng những người đến với Trung tâm, cán bộ, nhân viên Trung tâm công tác xã hội tỉnh còn đi đến các xã, phường, thị trấn điều tra, khảo sát, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội. Theo đó, trong năm 2017, cán bộ Trung tâm đã tư vấn, tham vấn cho 834 lượt người ngoài cộng đồng về chế độ, chính sách thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội, về các vấn đề trợ giúp xã hội. Trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017, Trung tâm kịp thời vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, cứu trợ nhân dân các địa phương trong tỉnh, tổng số tiền, hàng hỗ trợ trị giá 610 triệu đồng. Với sự nỗ lực không ngừng, luôn hết mình vì công việc, trong năm 2017, Trung tâm công tác xã hội tỉnh tiếp tục tạo được dấu ấn trong công tác xã hội và được UBND tỉnh tặng "Cờ thi đua xuất sắc”- đơn vị xếp thứ nhất trong phong trào thi đua. Vinh dự đó tiếp thêm động lực để cán bộ, viên chức, người lao động gắn bó, nhiệt tình hơn với công việc, dùng tình cảm nhiệt thành của mình để chăm sóc, cưu mang những mảnh đời cơ nhỡ - Giám đốc Trung tâm Đỗ Anh
Thúy Hằng