(HBĐT) - Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, do ảnh hưởng của mưa lũ lịch sử tháng 10/2017 khiến 33 hộ dân các xóm: Túp, Cò Xa, Trê, Oi Nọi, Mát thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc) phải di dời do nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đặc biệt, hộ ông Bùi Văn Lực và Khuất Đình Minh ở xóm Túp bị hư hỏng nhà nghiêm trọng không thể khắc phục. Các hộ đã được chuyển đến trạm y tế cũ, trường mầm non cũ và ở xen ghép nhà dân trong xóm. Trước kỳ nghỉ Tết, chính quyền các cấp đã quan tâm hỗ trợ, động viên bà con bị ảnh hưởng mưa lũ được đón Tết đầy đủ, không hộ nào phải chịu đói, rét.
Thời điểm cuối tháng 11/2017, có 31/33 hộ dân đã về nhà cũ để
ổn định sinh hoạt, sản xuất và chuẩn bị đón Tết. Do trước đó các hộ hầu như
không di chuyển đồ đạc mà bảo quản tại nhà nên việc bắt nhịp lại cuộc sống
không mấy khó khăn. Còn 2 hộ bị mất nhà ở xóm Túp vẫn phải ở lại trạm y tế cũ
và chờ đến nơi ở mới.
Ông Bùi Văn Lực, xóm Túp - hộ bị mất nhà cho biết: "Căn nhà
tôi gom góp cả đời mới làm được từ năm 2012, đến nay đã bị mưa lũ gây sạt lở
nghiêm trọng không thể ở được. Tuy nhiên, được các cấp chính quyền, các nhà hảo
tâm quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp gia đình tôi đón Tết đủ đầy và dựng nhà
tại khu tái định cư Đá Tú. Tôi là hộ đầu tiên dựng nhà ở đó với mong muốn nhanh
chóng ổn định cuộc sống để tập trung làm ăn, tăng gia sản xuất, cải thiện thu
nhập”. Hiện, mọi hoạt động sản xuất của các hộ dân chịu ảnh hưởng mưa lũ đều trở
lại bình thường, chủ yếu là nuôi thủy sản.
Cán bộ xã Tiền Phong (Đà
Bắc) thăm hỏi, chia sẻ, động viên hộ dân bị mất nhà do mưa lũ trong thời gian
chờ di dời đến khu tái định cư mới.
Đá Tú là tên gọi của khu tái định cư mà chính quyền địa
phương chọn làm nơi ở mới cho 29 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm và bị mất
nhà cửa với tổng diện tích 2,5 ha. Việc phân lô cho các hộ đã cơ bản được đảm bảo.
Đồng chí Xa Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: "Theo chỉ đạo của
lãnh đạo huyện trong cuộc họp với các hộ nằm trong diện di dời thì việc chuyển
đến nơi ở mới sẽ được thực hiện trước ngày 30/4/2018. Huyện hỗ trợ phương tiện
di chuyển đồ đạc giúp người dân. Hiện, người dân đến khu tái định cư Đá Tú phải
sử dụng đường thủy để di chuyển nên việc làm đường bộ đến trung tâm xã đang được
nhanh chóng hoàn thiện. Đường điện đã được kéo đến khu ở mới, đường nước sạch
đang trong quá trình thiết kế. Khu tái định cư được quy hoạch xây dựng 1 nhà
văn hóa và 1 lớp học. Theo định hướng của huyện, các hộ ở xóm Đá Tú vừa ổn định
sản xuất kinh tế vùng hồ, vừa kết hợp làm du lịch cộng đồng tại chỗ để tăng
thêm thu nhập và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
Trước những khó khăn tái thiết sau mưa lũ, ngoài sự hỗ trợ từ
các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, những tấm lòng hảo tâm từ mọi miền tổ quốc,
UBND huyện Đà Bắc đã có công văn gửi đến các xã về việc "Bình xét, lập danh
sách các hộ dân đề nghị hỗ trợ làm nhà do mưa lũ năm 2017”. Theo đó, xã Tiền
Phong tổ chức họp bình xét công khai và lập danh sách các hộ thuộc đối tượng được
hỗ trợ gồm 2 mức: loại 1 là 20 triệu đồng/nhà, loại 2 là 15 triệu đồng/nhà. "Từ
khi phải di dời đến khu ở tạm, ban đầu còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất,
tinh thần chưa ổn định. Đến nay, công tác khắc phục hậu quả đã được chính quyền
địa phương quan tâm giúp chúng tôi an tâm sinh sống. Tôi cũng như các hộ trong
diện được chuyển đến khu tái định cư luôn mong mỏi một nơi ở mới đảm bảo an
toàn để chúng tôi an cư lạc nghiệp lâu dài”, anh Khuất Đình Minh, xóm Túp gửi gắm.
Thanh Sơn
(HBĐT) - Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Long Thành được thành lập từ tháng 11/2002. Trung tâm là một tổ chức hoạt động xã hội nhân đạo mang tính nhân văn và là cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn; dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật tỉnh Hòa Bình. Trải qua 15 năm hoạt động, tập thể cán bộ, giáo viên Trung tâm Long Thành với tinh thần đoàn kết, nhân ái, có kỹ năng giao tiếp và thái độ phục vụ nhiệt tình luôn nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn cùng chung tay chia sẻ thiệt thòi với từng đối tượng đang sinh sống tại Trung tâm, bao gồm: người khuyết tật, trẻ mồ côi, người câm, điếc, người nhiễm chất độc da cam dioxin, người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
(HBĐT) - Với mục tiêu hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, thời gian qua, NHCSXH huyện Kim Bôi đã triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi, giúp nhiều hộ có thêm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
(HBĐT) - Định Cư là xã thuộc khu vực 135 của huyện Lạc Sơn, thu nhập chính của bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp, không có ngành nghề phụ nên đời sống còn nhiều khó khăn. Hết năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 17 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 33,36%, hộ cận nghèo 21,65%. Xã có 15 xóm, gần 5.000 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mường. Do đó, nguồn vốn chính sách đến tay bà con có thể coi là "đòn bẩy” xóa đói - giảm nghèo cho mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Vốn của NHCSXH có tác động rất lớn đến phát triển KT-XH của xã, đặc biệt là đối với những hộ nghèo và cận nghèo.
(HBĐT) - Trẻ nhỏ bị bỏ rơi, người già cô đơn, người khuyết tật, tâm thần, người có HIV/AIDS… lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa được đưa về cùng một mái ấm - Trung tâm công tác xã hội tỉnh Hòa Bình. Dưới mái nhà chung này, họ được chăm sóc, nuôi dưỡng, được học hành và được tạo điều kiện để hòa nhập với cộng đồng xã hội.
(HBĐT) - Theo số liệu của UBND tỉnh, trong dịp Tết Nguyên đán 2018, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các sở, ban, ngành được phân công giúp đỡ các xã nghèo đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, đồng bào sinh sống tại các xã vùng khó khăn.
(HBĐT) - Theo Nghị quyết số 1211/ 2016 ngày 25/5/2016 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì xã thuộc vùng miền núi phải có quy mô dân số từ 5.000 người trở lên và diện tích tự nhiên là 50 km2 trở lên; thị trấn phải có dân số từ 8.000 người trở lên, diện tích từ 14 km2 trở lên; phường thuộc thành phố thuộc tỉnh phải có quy mô dân số từ 7.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 5,5 km2 trở lên.