(HBĐT)-Trong khi nhiều xã tại các huyện, thành phố trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM) thì tại huyện Đà Bắc xây dựng NTM vẫn là "bài toán khó” của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện. Đến nay, toàn huyện chưa có xã nào về đích xây dựng NTM. Nguyên nhân thì nhiều, song thu nhập và hộ nghèo là "rào cản” chính trong công cuộc xây dựng NTM của huyện.
Mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn xã Hiền Lương (Đà Bắc) chưa thực sự phát huy hiệu quả, ít được nhân rộng để góp phần tăng thu nhập cho nhân dân.
Cùng đồng chí Xa Văn Chính, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Lương đứng trước lòng hồ Hoà Bình trên địa phận của xã đồng chí cho hay: Hiền Lương có điều kiện khá thuận lợi về mặt nước mà nhiều địa phương khác không có được. Mặc dù trong nhiều năm qua, xã Hiền Lương luôn tập trung cho mục tiêu xây dựng NTM nhưng tiêu chí thu nhập và hộ nghèo chưa biết đến bao giờ mới đạt được để xã về đích NTM.
Được biết, Hiền Lương hiện mới đạt 14 tiêu chí. Đến nay, cả xã còn khoảng 43% hộ nghèo, thu nhập bình quân năm 2017 đạt gần 20 triệu đồng/người.
Hiện nay, người dân Hiền Lương chỉ biết trông chờ vào chăn nuôi, đánh bắt cá cũng như phát triển nông, lâm nghiệp nên tiêu chí thu nhập, hộ nghèo khó có thể giải quyết ngày một, ngày hai. Cho dù huyện Đà Bắc định hướng cho xã đến năm 2019 cố gắng về đích NTM nhưng đến lúc đó cùng lắm Hiền Lương đạt 18/19 tiêu chí.
Trở lại với "bức tranh” toàn huyện, tính đến cuối năm 2017, huyện Đà Bắc chưa có xã nào về đích trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, nhìn về mặt tích cực, đến nay, sau nhiều nỗ lực đầu tư, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trên toàn địa bàn đã có thay đổi rõ nét.
Các hạng mục công trình thiết yếu như: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế... đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên số lượng công trình đạt chuẩn còn rất ít. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn nhiều nơi xuống cấp và thiếu nhiều cần phải nâng cấp, làm mới để đạt chuẩn, trong khi nguồn vốn đầu tư còn quá ít.
Sản xuất nông nghiệp của các xã bước đầu theo hướng hàng hóa. Một số xã khoanh vùng các khu sản xuất tập trung như: trồng dong riềng; gừng, ngô, cây ăn quả có múi.
Bằng các nguồn vốn lồng ghép, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nhận thức của người dân nông thôn nên giáo dục, y tế, văn hóa và môi trường nông thôn ở Đà Bắc đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Đời sống văn hóa, tinh thần và trình độ của người dân nông thôn được nâng cao, môi trường được cải thiện...
TUY NHIÊN, theo UBND huyện Đà Bắc, riêng về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân còn là vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Năm 2017, huyện Đà Bắc đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện một số mô hình phát triển sản xuất bằng nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án như: mô hình chăm sóc, nuôi dưỡng đàn trâu sinh sản, trồng rau an toàn tại xã Tu Lý; trồng và thâm canh cây ngô lai tại xã Cao Sơn; thâm canh lúa lai tại xã Tu Lý; nuôi cá lồng tại các xã vùng hồ sông Đà... Bước đầu các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế, nhân ra diện rộng, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, đến hết năm 2017, toàn huyện mới có 1 xã đạt tiêu chí về thu nhập nhưng chưa có xã nào đạt tiêu chí 11 là hộ nghèo.
Đánh giá về những hạn chế, tồn tại chủ yếu và nguyên nhân, theo UBND huyện Đà Bắc, là huyện nghèo nên điểm xuất phát khi xây dựng NTM của Đà Bắc thấp, cơ sở vật chất thiếu, đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa hình chia cắt, kinh tế phát triển chậm, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, nguồn vốn lồng ghép của các chương trình, dự án hiệu quả chưa cao.
Cùng với đó, việc chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp về nông thôn, phát triển làng nghề chưa đem lại hiệu quả, chưa trở thành định hướng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn. Vốn đầu tư cho phát triển sản xuất ít. Các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ ở nông thôn chậm phát triển. Hầu hết hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có chậm đổi mới, đa số hoạt động kém hiệu quả.
Được biết, huyện Đà Bắc đang tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm cho một số xã như Cao Sơn, Tu Lý... nhằm đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí, phấn đấu về đích sớm trong xây dựng NTM.
Hồng Trung