Chăn nuôi gà là một trong những hướng đi đem lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo ở xã Phúc Tuy (Lạc Sơn). Ảnh chụp tại mô hình nuôi gà của gia đình anh Bùi Văn Khải, xóm Quyển Trên.
Đồng chí Quách Công Thái, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2017, thu nhập bình quân của xã đạt 18,3 triệu đồng/người. Xã đặt mục tiêu đến hết năm 2018, đạt 19 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo trong những năm gần đây mặc dù có giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, cụ thể là hơn 48% (năm 2017) và hiện nay còn trên 42%. Lý giải về những khó khăn trong công tác giảm nghèo, đồng chí Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh, những diễn biến bất thường của thời tiết trong 2 -3 năm trở lại đây đã gây ra thiệt hại nặng nề đối với Phúc Tuy. Cùng với đó là những biến động của thị trường, đặc biệt là sự sụt giảm mạnh giá lợn hơi và một số gia súc khác nên nhiều hộ dân chịu thiệt hại lớn. Sau những thất bát đó, bà con dè dặt hơn trong việc phát triển các loại gia súc, dù địa phương có tiềm năng lớn, thuận lợi về nguồn thức ăn và bãi chăn thả.
Dù khó khăn rất nhiều nhưng nói về kết quả giảm nghèo, Phúc Tuy đã có hướng đi phù hợp. Trong đó, nuôi gà thả đồi và trồng cây đặc sản (cây dổi) là những mô hình tiêu biểu. Hiện nay, ở các xóm của xã có không ít hộ chăn nuôi gà với quy mô hàng trăm, hàng nghìn con. Tiêu biểu như mô hình của gia đình anh Bùi Văn Khải, xóm Quyển Trên. Tận dụng diện tích đất đồi, từ năm 2013 đến nay, anh Khải đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà ri bản địa với số lượng bình quân từ 1.000 – 2.000 con gà thương phẩm, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 3 tấn gà. "Trước đây, ở khu đồi này chỉ trồng keo, trồng sắn nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy một số hộ ở xã Chí Thiện nuôi gà đem lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi cũng đã chuyển sang nuôi gà. Mặc dù giá cả thị trường có biến động nhưng nhờ nuôi gà mà gia đình có được thu nhập ổn định”, anh Khải cho biết.
Đối với mô hình trồng cây dổi, hiện, Phúc Tuy có 5 hộ trồng đã cho thu hoạch, thậm chí có hộ thu được trên 200 triệu đồng/năm. Tiêu biểu nhất là vườn dổi của gia đình anh Quách Phiến, xóm Chiềng. Đây là vườn dổi được trồng theo kỹ thuật ghép cành nên chỉ từ 3 - 4 năm là dổi đã bắt đầu bói quả. Đến nay, vườn dổi ghép của gia đình anh Phiến đã bước sang tuổi thứ 5, đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình anh.
"Mặc dù đã có hướng đi hiệu quả nhưng chỉ tập trung ở một số hộ, bởi để phát triển những mô hình đó cần vốn đầu tư lớn, trong khi đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Hằng năm, các hộ nghèo đều nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên, đó là nguồn động lực để bà con thoát nghèo. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, việc hỗ trợ con giống, cây giống chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của người dân. Thời điểm hỗ trợ thường vào cuối năm, lúc này thời tiết giá lạnh nên việc chăm sóc cây giống, con giống rất khó khăn, dẫn đến hiệu quả không cao”, đồng chí Quách Công Thái, Chủ tịch UBND xã Phúc Tuy cho biết.
"Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã, Phúc Tuy đặt mục tiêu phấn đấu giảm bình quân 5% hộ nghèo/năm. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Định hướng cho người dân, nhất là thanh niên, phụ nữ đi lao động ở các công ty để nâng cao thu nhập”, đồng chí Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Viết Đào