Nghề mây tre đan tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn).
Chị Bùi Thị Sành, Chủ nhiệm HTX chia sẻ: Nghề mây tre đan đã có từ lâu, trước đây, chị em trong xóm chỉ đan các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình và làm thêm một số sản phẩm thủ công để bán. Tuy nhiên, các mặt hàng làm ra tiêu thụ chậm do chất lượng, mẫu mã đơn điệu, chị em tranh thủ làm tại nhà, đầu ra không ổn định nên việc sản xuất chỉ mang tính nhỏ lẻ. Năm 2017, với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Lạc Sơn, HTX mây tre đan xóm Bui được thành lập với 50 thành viên. Việc thành lập HTX giúp các thành viên được bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nâng cao tay nghề. Ban quản trị được hỗ trợ kỹ năng về quản lý, nghiệp vụ tài chính, đặc biệt có điều kiện tiếp cận nguồn vốn lớn hơn, được kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến tháng 12/2018, HTX chính thức được công nhận làng nghề truyền thống.
Nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền nên làng nghề mây tre đan đã phát triển rộng cả về quy mô và giá trị. Thông qua các lớp tập huấn, tay nghề của chị em từng bước được nâng lên, làm ra những sản phẩm mẫu mã đa dạng, chất lượng cao, nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, góp phần phát triển ổn định cho làng nghề, tăng thu nhập cho thành viên. Hiện tại, ngoài việc sản xuất các mặt hàng mây tre thủ công cung cấp bán lẻ ra thị trường, HTX ký hợp đồng với Công ty Hà Linh, Công ty Gia Châu, Công ty Đoàn Kết có trụ sở tại Hà Nội gia công các sản phẩm mây tre đan theo đơn đặt hàng mẫu mã, chủng loại khác nhau như: khay đựng kẹo, thùng đựng hoa quả, đèn treo trang trí, mâm, đĩa, lọ hoa… Trung bình mỗi năm nhận làm 3 - 5 đơn hàng, mỗi đơn từ 1.000 - 1.500 sản phẩm, tùy sản phẩm và thời điểm mỗi sản phẩm có mức giá từ 95.000 - 160.000 đồng. Doanh thu của HTX tăng dần theo từng năm. Từ 1,6 tỷ đồng năm 2017 đến năm 2018 đạt doanh thu 2,1 tỷ đồng, năm 2019 đạt gần 3 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 70 lao động với mức thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Có thể thấy, tuy HTX mới thành lập chưa lâu nhưng với sự năng động, nhạy bén, ham học hỏi, cùng với đôi tay khéo léo của chị em xóm Bui đã tạo ra những sản phẩm mây tre đan chất lượng đẹp, mẫu mã đa dạng, phong phú, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, chị Bùi Thị Sành, Chủ nhiệm HTX chia sẻ thêm: Hiện tại, HTX còn gặp nhiều khó khăn. Từ khi HTX được công nhận làng nghề đến nay vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề. Việc sản xuất hoàn toàn thủ công, trang thiết bị còn sơ sài, thiếu thốn, kho bảo quản chưa đảm bảo, thêm vào đó đầu ra sản phẩm chưa ổn định, còn trông chờ vào tư thương… Do đó, để phát triển HTX về lâu dài, ngoài vấn đề tìm kiếm thị trường tiêu thụ, HTX phải thường xuyên đổi mới, đầu tư công nghệ máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.
Hồng Ngọc