(HBĐT) - Với bà Bùi Thị Lem (SN 1963) ở xóm Trắng Cát, xã Yên Phú (Lạc Sơn), chính sách cấp thẻ BHYT hộ nghèo là "cứu cánh”. Do ốm đau, bệnh tật nhiều năm, nhất là từ năm 2020 đến nay, bà thường xuyên phải đi chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tấm thẻ BHYT hộ nghèo đã giúp bà giảm gánh nặng chi phí lớn, yên tâm chữa trị lâu dài.
Nông dân xã Yên Phú (Lạc Sơn) giảm nghèo bền vững nhờ chuyển đổi diện tích ruộng 1 vụ sang trồng bí xanh, dưa chuột.
Đồng chí Phạm Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hoàn thành về đích nông thôn mới năm 2021 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, đặc biệt đối với những đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, gia đình chính sách. Qua điều tra tại thời điểm cuối năm 2021, toàn xã còn 63 hộ nghèo, 118 hộ cận nghèo xét theo tiêu chuẩn cũ. Theo tiêu chuẩn mới giai đoạn 2022 - 2025, số hộ nghèo, cận nghèo tăng lên, cụ thể có 238 hộ nghèo (chiếm 13,66%), 258 hộ cận nghèo (chiếm 14,81%).
Dịp Tết Nguyên đán 2022, trên cơ sở rà soát hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn và nắm tình hình nhân dân, xã đã triển khai phương án hỗ trợ kịp thời. Thực hiện chi trả tiền điện, tiền ăn Tết cho hộ nghèo và các chế độ, chính sách khác đầy đủ. Phối hợp các doanh nghiệp, đơn vị, các ngành tặng quà cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn với 427 suất quà, tổng trị giá 190 triệu đồng. Trong đó, có 86 suất quà của Chủ tịch nước, 100 suất quà của UBND tỉnh, 96 suất quà của xã… Trên địa bàn không có cá nhân, hộ gia đình nào bị thiếu đói dịp Tết.
Đến thời điểm này, UBND xã hoàn thiện 3 hồ sơ cho người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, 4 hồ sơ mai táng phí cho đối tượng bảo trợ xã hội, 10 hồ sơ cho người đơn thân nuôi con thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và 6 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp xã hội cho người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo. Gia hạn 107 thẻ BHYT cho hộ nghèo, 142 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, 39 thẻ BHYT cho đối tượng bảo trợ xã hội, 70 thẻ BHYT cho người cao tuổi.
Bên cạnh việc triển khai tích cực, có hiệu quả các chính sách xã hội, xã tập trung thực hiện đồng bộ chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh thông qua giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ, thúc đẩy tạo nguồn sinh kế giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Cách đây 3 năm, gia đình anh Bùi Văn Sứ ở xóm Vành chuyển đổi 3.000 m2 đất ruộng 1 vụ sang trồng bí xanh 2 vụ. Đang ở thời điểm cuối vụ thu hoạch, anh Sứ thu 5 lứa quả, trừ chi phí đầu tư thu lãi khoảng 8 triệu đồng. Anh cho biết, nếu trồng lúa chỉ được trên 1 tấn trong khi bí xanh dễ làm, giá trị kinh tế lại cao hơn hẳn. Tuy năng suất vụ này không cao như năm ngoái nhưng bù lại, việc tiêu thụ và giá cả ổn định hơn. Giá bí xanh bán tại vườn hồi đầu vụ lên tới 17.000 - 20.000 đồng/kg. Chính vụ và cuối vụ, giá bán vẫn duy trì ở mức 5.500 - 6.500 đồng.
Hiện, nông dân các xóm tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xuất hiện nhiều mô hình hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo nhờ mạnh dạn đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa bao tử, bí xanh, rau an toàn vào sản xuất. 7/10 xóm đã thực hiện dồn điền - đổi thửa, tiểu biểu như xóm Cọi, Trắng Đồi đã dồn, đổi gần 30 ha. Diện tích chuyển sang trồng bí xanh toàn xã 8,5 ha, dưa chuột 10 ha, rau các loại 92 ha, dưa hấu 3,2 ha. Một số xóm có công trình dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, người dân được thụ hưởng chính sách sau thu hồi đất, tái định cư đã ổn định tại nơi ở mới, đồng thời có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất. Chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm. Năm 2021, xã đạt bình quân thu nhập đầu người trên 42 triệu đồng. Mục tiêu phấn đấu năm nay đạt 47 triệu đồng/người trở lên, giữ vững 19 tiêu chí đã đạt trong xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo 1% trở lên, giải quyết việc làm và tự tạo việc làm mới cho hơn 200 lao động.
Bùi Minh