Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch ngân hàng điện tử cho người dân thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc).
Mất tiền vì... chủ quan
Theo thông tin từ lực lượng chức năng, ngày 2/2/2022, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Ng.T.D, trú tại tổ 5, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) phát hiện bị kẻ gian lấy trộm 1 điện thoại Iphone 12 Promax, trị giá khoảng 20 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, sau khi bị mất điện thoại, chị D. phát hiện đối tượng dùng tài khoản và mật khẩu ngân hàng MB Bank chị lưu trong điện thoại để rút 40 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Như vậy, tổng mức thiệt hại tài sản khoảng 60 triệu đồng. Vụ việc được trình báo Công an TP Hòa Bình điều tra, xác minh làm rõ.
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh xảy ra vụ việc trộm cắp tài sản thông qua App (phần mềm) ngân hàng điện tử SmartBanking được cài đặt và sử dụng trên điện thoại. Trước đó, nhận được tin nhắn SMS từ hệ thống SmartBanking của Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) tới số điện thoại vừa mua, Hà Công Hiếu (SN 1995), trú tại xóm Hịch 1, xã Mai Hịch (Mai Châu) đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua ứng dụng giao dịch SmartBanking. Theo đó, khi chị Đào Thị Lĩnh, thường trú tại thị trấn Quảng Xương (Thanh Hoá) mang thẻ giao dịch ngân hàng cá nhân đến cây ATM tại Agribank chi nhánh huyện Quảng Xương để rút tiền đã phát hiện toàn bộ số tiền 40 triệu đồng có trong tài khoản thẻ "tự dưng biến mất”. Bất ngờ trước sự việc này, chị Lĩnh gọi điện cho chị Vũ Thị Hiền là người đã chuyển nhượng thẻ ATM cho chị Lĩnh sử dụng. Nhận được thông tin của chị Lĩnh, chị Hiền cũng hoang mang không hiểu tại sao số tiền trong tài khoản thẻ ATM bị mất, vì khi chuyển nhượng thẻ, chị Lĩnh đã thay đổi mật khẩu và không tiết lộ cho người thứ 2. Chị Lĩnh và chị Hiền đã đến phòng giao dịch Chi nhánh Agribank huyện Quảng Xương để xác minh. Sau khi rà soát lại hoạt động giao dịch trên hệ thống lưu trữ của ngân hàng, tất cả đều giật mình khi biết thủ phạm là người lạ, không quen biết. Quá trình giao dịch, rút tiền từ tài khoản thẻ ATM được đối tượng thực hiện thông qua ứng dụng SmartBanking bằng số điện thoại trước của chị Vũ Thị Hiền. Chị Hiền đã đăng ký dịch vụ thông báo tài khoản thẻ ATM vào số máy này. Trong quá trình sử dụng, chị Hiền làm mất sim số điện thoại nhưng do chủ quan, không thông báo cho ngân hàng biết để ngừng gửi tin nhắn SMS thông báo thông tin giao dịch. Sau đó, chị Hiền đã nhượng quyền sử dụng thẻ ATM cho chị Lĩnh sử dụng.
Số điện thoại chị Hiền làm mất sau khi đưa vào tái sử dụng được Hà Công Hiếu mua lại. Quá trình sử dụng, Hiếu nhiều lần nhận được tin nhắn SMS từ hệ thống SmartBanking của ngân hàng về hoạt động giao dịch tài khoản ngân hàng. Từ đó nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền có trong tài khoản.
Bài học từ sự chủ quan, mất cảnh giác
Sau khi bị phát hiện hành vi "rút ruột” tài khoản, dù nhiều lần phía bị hại gọi điện yêu cầu Hà Công Hiếu trả lại số tiền đã chiếm đoạt nhưng Hiếu không trả mà còn bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Sự việc được trình báo Công an huyện Mai Châu. Khi Công an huyện Mai Châu ra quyết định truy nã, Hà Công Hiếu đã đến cơ quan Công an đầu thú. Tại cơ quan Cảnh sát điều tra, Hiếu khai nhận trong quá trình sử dụng số điện thoại 08667xxxx đã nhận được 4 tin nhắn của Agribank với nội dung cộng số tiền 40 triệu đồng vào tài khoản 55062050xxxx. Vì vậy, Hiếu đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Hiếu đã đăng ký các thông tin cá nhân với nhà mạng rồi tải ứng dụng Agribank SmartBanking về điện thoại của mình, đăng nhập ứng dụng. Do không biết mật khẩu, Hiếu vào mục "quên mật khẩu” để lấy lại mật khẩu, đăng nhập vào ứng dụng để "chuyển khoản” nhưng không thực hiện được. Do vậy, Hiếu vào mục "nạp tiền điện thoại” để chuyển tiền vào tài khoản số điện thoại của mình. Hiếu đã thực hiện khớp lệnh chuyển khoản 80 lần để mua 80 mã thẻ, rút hết số tiền 40 triệu đồng. Sau đó, Hiếu bán các mã thẻ này lấy tiền chi tiêu cá nhân.
Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, những vụ việc trên là bài học đắt giá không chỉ cho người trong cuộc mà còn là bài học cho cả cộng đồng, xã hội. Có thể nói, chính sự chủ quan của người bị hại đã tạo điều kiện để kẻ xấu thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là bài học, sự cảnh tỉnh cho người dân khi thực hiện giao dịch tài chính thông qua các ứng dụng điện tử. Bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng sẽ gây hậu quả lớn... Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng; không lưu thông tin tài khoản, mật khẩu trên điện thoại; đặt mật khẩu mạnh cho các tài khoản; bật phương thức xác thực mật khẩu 2 lớp khi đăng nhập. Đề nghị người dân cảnh giác và thông báo ngay cho Công an địa phương nơi gần nhất khi gặp trường hợp như nêu trên.
Mạnh Hùng
Vũ Minh Cương điều khiển xe máy di chuyển từ Hà Nội vào TP Đà Nẵng, nhiều lần cho xe áp sát trẻ em gái, phụ nữ để thực hiện hành vi sàm sỡ.
Liên quan vụ việc va chạm làm 3 ngư dân thiệt mạng trên vùng biển Quảng Nam, tối 7/6, tại Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với các lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An lấy lời khai của các thuyền viên trên tàu Thịnh Long 68.