Ba xã vùng cao Quyết Chiến, Ngổ Luông, Vân Sơn, huyện Tân Lạc ghi dấu trong lòng du khách bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm cùng vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm sâu sát của các cấp chính quyền, cuộc sống của bà con nơi đây từng bước đổi thay, với nhiều mô hình phát triển kinh tế bền vững, mở ra hy vọng về một tương lai tươi sáng cho vùng đất giàu tiềm năng này.


Quýt cổ Nam Sơn trở thành cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân các xã vùng cao Tân Lạc.

Với độ cao khoảng 1.000m so với mực nước biển, 3 xã vùng cao huyện Tân Lạc được mệnh danh là "nóc nhà” của Mường Bi. Không chỉ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, khí hậu trong lành, nơi đây còn lưu giữ gần như trọn vẹn bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Những năm qua, cùng với định hướng của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, vùng cao Tân Lạc đã chuyển mình mạnh mẽ trên hành trình phát triển nông nghiệp bền vững và du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống.
95% người dân nơi đây là dân tộc Mường, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật và thay đổi tư duy sản xuất, nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả đã ra đời. Tiêu biểu là cây quýt cổ Nam Sơn - giống cây đặc sản có chất lượng vượt trội, gắn bó với người dân bao đời nay. Từ diện tích hơn 50 ha vào năm 2015, đến nay, vùng quýt đã mở rộng trên 180 ha. Quýt Nam Sơn được trồng phổ biến tại 17/17 xóm của xã Vân Sơn và đã được bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, mở ra cơ hội phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản địa phương. Bên cạnh đó, nhiều loại nông sản đặc trưng khác như rau su su Quyết Chiến, tỏi tía Bắc Sơn, rau trái vụ, chè tuyết, thảo dược... cũng dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường. 

Song hành với phát triển nông nghiệp, du lịch cộng đồng (DLCĐ) đang trở thành hướng đi tiềm năng của các xã vùng cao Tân Lạc. Ngày 17/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về "xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết bước đầu đạt được kết quả tích cực khi xây dựng được 3 điểm du lịch cộng đồng mẫu ở các xóm: Hày Dưới (xã Vân Sơn), Bắc Thung (xã Quyết Chiến), Luông Cá (xã Ngổ Luông).

Đồng chí Bùi Thanh Đướng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: "Được sự hỗ trợ từ Quỹ Ô-xtrây-li-a vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (AOP), địa phương đã triển khai thành công dự án "Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển DLCĐ”. Trong đó, mô hình homestay tại xóm Chiến là hoạt động nổi bật hơn cả. Nổi bật với các hoạt động trải nghiệm mang đậm bản sắc dân tộc Mường như lưu trú tại nhà sàn, thưởng thức ẩm thực đặc trưng do bà con chuẩn bị. Trong năm 2025, mô hình DLCĐ tiếp tục được triển khai tại xóm Hày Dưới, 3 hộ dân đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp nhà cửa để phục vụ khách lưu trú.”. 

Ở xóm Bắc Thung (xã Quyết Chiến), 2/3 hộ tham gia mô hình đã hoàn thiện, chính thức đón du khách. Những điểm du lịch mới như bãi Pặng, thác Thung cũng đã hình thành điểm cắm trại (camping) hấp dẫn, thu hút 300 - 500 lượt khách mỗi dịp cuối tuần.

Tại xã Ngổ Luông, nơi có hệ sinh thái nguyên sinh được bảo tồn tốt, DLCĐ được triển khai tại xóm Luông Cá. Với 97% nhà sàn truyền thống còn nguyên vẹn, đường nội xóm được bê tông hóa, điện - viễn thông đảm bảo, 5 hộ dân đã đăng ký cung cấp dịch vụ lưu trú, đồng thời thành lập các tổ nhóm phục vụ khách du lịch, góp phần tạo thêm thu nhập, việc làm ổn định.

Bên cạnh những kết quả khả quan, việc triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển các xã vùng cao Tân Lạc thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030 còn đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, hạ tầng giao thông xuống cấp, lòng đường hẹp, nhiều đoạn hư hỏng nghiêm trọng... là rào cản lớn khiến du khách còn e dè khi lựa chọn đến các điểm du lịch. Các điều kiện thiết yếu phục vụ du lịch như bãi đỗ xe, hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải, cung cấp nước sạch, điện lưới, viễn thông, trạm thông tin, hỗ trợ khách du lịch… cũng còn thiếu và yếu. Đây là những vấn đề cấp thiết cần được các cấp, ngành và địa phương phối hợp giải quyết đồng bộ, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch bền vững.

Những kết quả đạt được trong thời gian qua là minh chứng rõ nét cho hiệu quả bước đầu của Nghị quyết số 13-NQ/TU. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự chủ động của người dân và sự hỗ trợ từ các chính sách phát triển, vùng cao Tân Lạc dần khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch Hòa Bình. Phát triển kinh tế du lịch gắn với nông nghiệp sạch, bảo tồn văn hóa bản địa không chỉ mở ra hướng đi bền vững cho các xã vùng cao, mà còn tạo tiền đề quan trọng để Tân Lạc bứt phá trong chặng đường tới - hiện thực hóa mục tiêu trở thành khu du lịch cấp tỉnh.


Huyền Trang



Các tin khác


Thắp sáng tinh thần “ba đảm đang" trong kỷ nguyên mới

Đồng chí Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Từ phong trào "Ba đảm đang” trong chiến tranh đến hình ảnh người phụ nữ năng động, bản lĩnh giữa thời đại chuyển đổi số, phụ nữ Hòa Bình luôn thắp sáng tinh thần trách nhiệm, sự kiên cường và khát vọng vươn lên. Phong trào "Ba đảm đang” không chỉ là dấu ấn trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, mà còn là nguồn cảm hứng hun đúc nên bản lĩnh, phẩm chất của phụ nữ Hòa Bình. Phát huy truyền thống vẻ vang, phụ nữ các dân tộc tỉnh nhà không ngừng đổi mới, sáng tạo, chung sức xây dựng gia đình hạnh phúc, quê hương giàu đẹp.

Vẹn nguyên ký ức của những người lính cựu

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã có hàng vạn người con quê hương Hòa Bình xung phong nhập ngũ chi viện cho các chiến trường. Họ đã chiến đấu kiên cường, lập nhiều chiến công xuất sắc. Nửa thế kỷ trôi qua, tuy tuổi đã cao, sức khỏe suy yếu nhưng những ký ức về một thời hào hùng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức của những người lính giải phóng năm xưa.

Thành phố Hoà Bình tự hào, náo nức trong Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Trong rực rỡ cờ hoa, hòa cùng niềm vui, tự hào của cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), người dân thành phố Hòa Bình đã đón ngày đại thắng hết sức ý nghĩa, thể hiện tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển.

Cảm xúc đặc biệt tại buổi Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Mãn nhãn, tự hào, xúc động… là cảm xúc của nhiều người dân, du khách sau khi trực tiếp xem buổi Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh sáng 30/4.

Sáng mãi truyền thống “gái Vạn Mai, trai Tòng Đậu”

Mai Châu - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, nơi mà tinh thần "gái Vạn Mai, trai Tòng Đậu" được nhiều thế hệ nhắc đến với sự tự hào. Suốt những năm tháng kháng chiến, những chàng trai, cô gái nơi đây không tiếc tuổi xuân chiến đấu để bảo vệ quê hương. Phát huy truyền thống, trong thời bình, nhân dân các dân tộc trong huyện tích cực lao động sản xuất, đóng góp nhiều thành tựu vào công cuộc đổi mới, từng bước xây dựng Mai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn.

Ý kiến tâm huyết hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Những ngày tháng Tư lịch sử, hàng triệu người dân cùng hòa chung không khí hân hoan, phấn khởi kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 năm sau ngày giải phóng, nhân dân tỉnh Hòa Bình không ngừng khắc phục khó khăn, nỗ lực cùng cả nước xây dựng đất nước ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Dịp này, Báo Hòa Bình đã ghi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, cảm xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục