Thời gian gần đây, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng trong nước ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho người nông dân, Nhà nước và doanh nghiệp.


Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra, phát hiện và xử phạt một đại lý kinh doanh phân bón giả tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh QUANG THÂN)
 

Lợi dụng tình hình giá phân bón đang tăng cao kỷ lục, không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đã tung ra nhiều chiêu thức gian lận tinh vi nhằm thu lợi bất chính.

Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ tính riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD vì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Đứng trước lợi nhuận lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xuất hiện tràn lan, cùng với hàng trăm đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả đã ảnh hưởng trực tiếp quyền và lợi ích của người nông dân.

Mới đây, Công an thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Trước đó, Công an thành phố Thanh Hóa đã phát hiện và tạm giữ hơn 100 tấn phân bón hỗn hợp NK do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát sản xuất có nhiều dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh, sản xuất phân bón. Qua giám định phân tích, đã phát hiện hơn 100 tấn phân bón này không đủ tiêu chuẩn, trong đó có hơn 13 tấn là hàng giả, không có giá trị sử dụng.

UBND tỉnh Đắk Nông cũng vừa ra quyết định xử phạt Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất, thương mại, phân bón Lực Thiên số tiền 240 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng giả là phân bón. Tổng khối lượng hàng hóa vi phạm của Công ty Lực Thiên là 7,5 tấn. Hành vi này vi phạm Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang cho biết, liên quan lĩnh vực phân bón, các hành vi vi phạm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, phân bón không bảo đảm chất lượng, địa bàn có nhiều trường hợp vi phạm là huyện Châu Thành, huyện Tân Phước... Điển hình, ngày 17/5 vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một cá nhân gần 180 triệu đồng về hành vi buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 60 triệu đồng.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, người nông dân rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng khi căn cứ bao bì, nhãn mác vì chỉ nhìn cảm quan thì phân bón giả, kém chất lượng cũng có đầy đủ logo thương hiệu, hàm lượng các chất đầy đủ. Chỉ khi sử dụng phân bón sau vài tháng, đánh giá hiệu quả sử dụng, người dân mới có thể biết hàng giả, hàng thật. Nếu dùng phải phân bón giả, hàm lượng dinh dưỡng không đạt tiêu chuẩn thì năng suất rất thấp, vừa gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, người nông dân vừa thua lỗ nặng. Với những hộ trồng cây ăn trái, thì thiệt hại về đất, cây trồng có thể sau vài năm mới phát hiện và phục hồi được.

Lý giải một phần nguyên nhân dẫn đến việc khó khăn trong công tác xử lý, truy quét nạn phân bón giả, kém chất lượng, các cán bộ quản lý thị trường nhận định: Hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư. Sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định rồi xóa luôn dấu vết xưởng sản xuất đó.

Để giải quyết tình trạng phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân và ngành nông nghiệp, thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã được ký và có hiệu lực thi hành. Theo nội dung quy chế, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ cho việc đấu tranh chống nạn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không bảo đảm chất lượng trên thị trường; phối hợp, hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ của hai bên trong công tác kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thời gian tới, giá phân bón có xu hướng tiếp tục giữ ở mức cao, do đó các ban, ngành hữu quan cần có chính sách để điều tiết giá phân bón, hỗ trợ người nông dân. Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện phân bón giả. Người dân cũng nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, không sử dụng hàng hóa trôi nổi để tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng khuyến cáo người dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ; ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ. Điều này sẽ giúp giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiến tới sản xuất xanh và sạch hơn.



TheoNhanDan

Các tin khác


Công nhân khốn khổ vì ''bão giá''

"Bão Covid-19” tạm lắng nhưng công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội lại phải đối mặt với cơn bão mới, đó là "bão giá”. Xăng tăng, gas tăng kéo theo hàng loạt mặt hàng thiết yếu đội giá lên theo. Việc này, khiến cho những đồng lương ít ỏi của công nhân càng trở nên eo hẹp. Họ phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền thêm trĩu nặng.

6 tháng, toàn tỉnh tiếp nhận 3.418 đơn vị máu

(HBĐT) - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện (HMTN), triển khai dưới nhiều hình thức.

Câu lạc bộ Doanh nghiệp Rồng 1988 tặng 18 bộ máy vi tính cho huyện Tân Lạc

(HBĐT) - Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh cùng Câu lạc bộ (CLB) Doanh nghiệp Rồng 1988 (Hà Nội) vừa tổ chức chương trình tặng phòng học vi tính và đồ dùng học tập cho học sinh Trường TH&THCS xã Ngổ Luông (Tân Lạc).

Nỗi lo quản lý trẻ trong dịp hè

(HBĐT) - Từ cuối tháng 5, học sinh trên địa bàn tỉnh bước vào kỳ nghỉ hè. Việc tìm sân chơi lành mạnh, bổ ích để trẻ có thể thoải mái vận động, đảm bảo an toàn là mối quan tâm của rất nhiều phụ huynh.

Huyện Tân Lạc: Tích cực triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực cư trú

(HBĐT) - Thực hiện đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Công an huyện Tân Lạc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tính năng, tác dụng, tính tiện ích của phần mềm cung cấp dịch vụ công (DVC) về cư trú trên Cổng DVC quản lý cư trú thuộc Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý cư trú, cải cách hành chính.

Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7/2022

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục