"Bão Covid-19” tạm lắng nhưng công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội lại phải đối mặt với cơn bão mới, đó là "bão giá”. Xăng tăng, gas tăng kéo theo hàng loạt mặt hàng thiết yếu đội giá lên theo. Việc này, khiến cho những đồng lương ít ỏi của công nhân càng trở nên eo hẹp. Họ phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền thêm trĩu nặng.

Bữa ăn đạm bạc của một gia đình công nhân thời

Bữa ăn đạm bạc của một gia đình công nhân thời "bão giá”.

Thắt lưng buộc bụng

Giữa thời tiết ỏi ả mùa hè, không khí càng trở nên ngột ngạt hơn tại các khu nhà trọ của công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội). Tận mắt chứng kiến bữa ăn gia đình của hầu hết công nhân nơi đây trong thời "bão giá” mà không khỏi chạnh lòng. Một mâm cơm chỉ có rau, đậu, cá khô và trứng rán. Những món ăn mặn như cá, thịt thường được dành cho bữa ăn cuối tuần để cải thiện. Số tiền mà nhiều công nhân làm ra hàng tháng cũng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, hiện đang làm việc tại Công ty Canon, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, xăng tăng, gas tăng, sữa tăng, thực phẩm tăng, để đủ chi tiêu trong cả tháng cho gia đình gồm 5 miệng ăn của hai vợ chồng và 3 con nhỏ, chị Anh phải tính toán chi ly, cắt giảm mọi thứ để bù lại.

Trong căn phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp chị Anh buồn rầu chia sẻ, bản thân chị làm công nhân nhiều năm nhưng lương thấp. Con nhỏ, mọi chi phí sinh hoạt đều tốn kém hơn. Tiền sữa, tiền ốm đau chữa bệnh rồi lại tiền điện, nước, khiến chị lúc nào cũng "quay như chong chóng”. Từ việc con cái cho đến ăn tiêu gia đình đều do một mình gánh vác. "Hôm nào đi làm tăng ca thì chồng chăm con hoặc bí quá thì gửi hàng xóm. Cũng may là chị em khu trọ đều là công nhân nên ai cũng thông cảm, biết sẻ chia, giúp đỡ nhau lúc khó khăn” - chị Anh nói.

Thương vợ con vất vả, anh Nguyễn Văn Chiến (chồng chị Vân Anh) cũng chịu khó làm tăng ca, tăng giờ để có thêm đồng ra đồng vào nhưng mọi thứ đều như muối bỏ bể khi giá cả các mặt hàng ngày càng tăng. Trước đây, nếu muốn đổ xăng chỉ cần mua 50 nghìn đồng nhưng nay để đổ đầy bình anh Chiến phải mua 80 nghìn đồng. Hai vợ chồng làm công nhân hơn mười năm nhưng tổng thu nhập chỉ khoảng hơn chục triệu đồng. Vừa lo trang trải cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, vừa lo chi phí sinh hoạt cho 3 con nhỏ khiến cho gánh nặng cơm áo đè nặng hai vai.

Còn đối với vợ chồng anh Nguyễn Viết Thắng, công nhân Công ty TNHH Fit Active Việt Nam, tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội) đời sống có vẻ bớt khó khăn hơn do có ông bà nội đỡ đần, trông nom con cái. Tuy nhiên, mỗi tháng anh Thắng làm tăng ca và thêm giờ mới được 7 triệu đồng. Trong đó, riêng tiền thuê trọ đã gần 2 triệu đồng/tháng, còn chưa kể tiền điện, nước. Do đó, hai vợ chồng anh luôn trong tình trạng phải thắt chặt "hầu bao” với mong muốn dư chút tiền gửi về đỡ đần ông bà nuôi cháu. Ở trong căn phòng trọ 15m2 có gác xép khá ngăn nắp, hai vợ chồng anh Thắng còn tranh thủ gọt ít hoa quả, chuẩn bị trà nước để tối ra đầu ngõ bán. Quán nước chè cũng phần nào giúp vợ chồng anh có thêm thu nhập. So với đời sống của công nhân trọ quanh đây thì thu nhập của anh Thắng, chị Mai cũng được coi là tạm ổn.

Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời

Để đánh giá đúng thực trạng đời sống công nhân, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, theo tính toán của Viện, công nhân Việt Nam chiếm khoảng 15% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Tuy đóng góp nhiều như vậy nhưng công nhân chưa được hưởng thành quả tương xứng. Họ có đời sống còn bấp bênh, nhiều vấn đề cấp bách về tiền lương, nhà ở, nuôi con... chưa được giải quyết thỏa đáng.

"Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn ngay cả khi họ không làm thêm giờ” - ông Tiến nói.

Trong các khu công nghiệp đều có các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ở những khu nhà trọ xã hội. Tại nơi đây, nhiều hoạt động văn hóa cũng được các cấp, các ngành tổ chức triển khai để hỗ trợ cho công nhân có đời sống khó khăn. Ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, giá cả leo thang, người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là công nhân đang làm việc trực tiếp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mặc dù từ ngày 1/7 tới, Chính phủ sẽ điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng lên 6% nhưng vẫn không thể bù đắp được những thiếu hụt do giá cả tăng phi mã.

Thời gian qua, trước thực trạng đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn, công đoàn các cấp cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ hợ như trao quà cho công nhân nghèo, hỗ trợ gói an sinh, phiên chợ 0 đồng... Những món quà tuy nhỏ nhưng là tình cảm, sự quan tâm của tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động với mong muốn chia sẻ, hỗ trợ để đoàn viên, người lao động được ấm lòng và có thêm động lực vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, trước thực trạng người lao động đang gặp khó khăn, các cấp công đoàn cần đưa ra một chính sách dài hơi, mang tầm chiến lược để công nhân nói riêng và người lao động nói chung có thể sống bằng lương và được hưởng những quyền lợi cơ bản nhất để trang trải cuộc sống.

Điều tra năm 2021 chỉ rõ 5% người lao động được hỏi cho biết bữa ăn có thịt cá chỉ khoảng 1 - 2 lần/tuần; 41% không đủ tiền mua thuốc cơ bản và không dám chữa bệnh vì không có tiền… Đặc biệt, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào tháng 4/2022 trên 2.000 công nhân, trên 50% cho biết tiền lương và thu nhập chỉ đủ sống; khoảng 1/4 số người được hỏi phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; khoảng 20% từng rút bảo hiểm xã hội một lần sau đó tiếp tục tham gia lại.

                                                                    Theo báo Đại đoàn kết

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục