Trong các sản phẩm nông nghiệp, cây lấy măng (tre, bương, luồng) thuộc nhóm lâm sản phụ ngoài gỗ, tuy nhiên giá trị kinh tế không nhỏ. Ngoài việc khai thác cây trưởng thành, việc khai thác măng mang lại giá trị kinh tế. Qua khảo sát, hết năm 2021, diện tích trồng cây lấy măng trên địa bàn huyện 155 ha, rải rác ở các xã, thị trấn. Huyện có 1 công ty chuyên chế biến các sản phẩm từ măng. Do chưa chú trọng trồng để khai thác măng nên năng suất chỉ đạt 28,6 tấn/ha/năm, sản lượng khai thác khoảng trên 1.100 tấn măng tươi các loại. Huyện chưa hình thành vùng trồng tập trung, khai thác thành hàng hoá, chưa có sự liên kết giữa các hộ, nên năng suất, sản lượng thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Theo đó, mục tiêu của đề án, đến năm 2025, huyện sẽ trồng mới 80 ha, đưa diện tích cây lấy măng toàn huyện lên 235 ha; trong đó, chú trọng cây măng có giá trị kinh tế cao như tre bát độ, tre gai, tạo thành vùng sản xuất hàng hoá chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đối với cây quế, hiện huyện chưa có diện tích trồng quế, có 1 cơ sở chế biến quế ở thị trấn Ba Hàng Đồi với nguồn nguyên liệu nhập từ nơi khác. Mục tiêu của đề án, đến năm 2025, trên 50 ha quế tại các xã, thị trấn có diện tích lâm nghiệp phù hợp. Dự kiến, chi phí cho trồng quế 142,5 triệu đồng/ha; trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 10% về giống và khuyến nông, người dân đối ứng 90%.
Hội nghị đã có 20 ý kiến phát biểu thảo luận của các ngành và các xã, thị trấn. Các ý kiến đều đồng tình với việc xây dựng 2 đề án. Đề án kỳ vọng mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường, nâng độ che phủ rừng.
Ban Thường trực UB MTTQ huyện Lạc Thuỷ tiếp thu ý kiến phản biện của các đại biểu và tổng hợp gửi UBND huyện nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo đề án.
Đinh Thắng