Không ít trẻ em gái ở xã Hang Kia (Mai Châu) trong vòng luẩn quẩn của hủ tục lạc hậu tảo hôn.
Vòng luẩn quẩn nối dài
Ở xã vùng cao điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn này, không khó bắt gặp những gương mặt non nớt, có phần ngơ ngác của những bà mẹ "nhí” vừa địu con trên lưng, vừa cắm cúi với việc nương rẫy, cơm nước phục vụ nhà chồng. Trong câu chuyện xảy ra mới đây ở xóm Hang Kia, cộng đồng thương cảm và càng xót xa cho thân phận của bé gái K.Y.M vì tảo hôn mà tương lai mịt mù, hôn nhân lỡ dở, đánh mất nhiều quyền lợi…
Theo thông tin từ chính quyền địa phương, K.Y.M được gia đình bạn trai đón về làm vợ từ dạo chớm bước sang tuổi 13. Trong thời gian chung sống, do phát sinh nhiều mâu thuẫn K.Y.M bỏ về nhà mẹ đẻ thì phát hiện mình có thai. Ngày 23/8/2022, K.Y.M sinh 1 bé trai tại trạm y tế xã. Tính đến thời điểm sinh con, K.Y.M mới được 15 tuổi nên sức khoẻ yếu, phải nằm theo dõi, điều trị gần 10 ngày. Khi biết K.Y.M sinh con, gia đình bạn trai đã đến đưa cháu bé về nhà nuôi dưỡng. Phong tục của người Mông là con gái sau khi lấy chồng sẽ không được về nhà đẻ. Nếu sau khi ly hôn quay về nhà đẻ thì phải ra ở riêng. Vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình của K.Y.M dọn khu vực chuồng trâu làm lán tạm để K.Y.M có chỗ ở, môi trường sống không đảm bảo. Qua thông tin từ trạm y tế xã, K.Y.M xuất viện ngày 31/8 sau khi tình trạng sức khoẻ đã ổn định. Tuy nhiên, kể từ hôm về, K.Y.M trở nên lầm lũi, ngại tiếp xúc với mọi người, có dấu hiệu trầm cảm sau sinh.
Nhiều câu chuyện về tảo hôn cũng được chúng tôi thu thập sau chuyến công tác thực tế tại xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số này. Ở đây, những người trong độ tuổi từ 33 - 35 nhưng đã có con dâu, con rể khá phổ biến. Cá biệt có người sinh năm 1991, 1992 nhưng hiện đã có cháu nội, cháu ngoại, như chị Ph.Y.V ở xóm Thung Mài; M.Y.S ở xóm Hang Kia. Vì sớm phải cáng đáng gánh nặng cuộc sống và hệ lụy do hủ tục lạc hậu nên nam, nữ tảo hôn thường già trước tuổi so với bạn bè đồng trang lứa.
Nữ hộ sinh Sùng Y Múa có thời gian công tác hơn 16 năm tại trạm y tế xã Hang Kia chia sẻ: Khá nhiều trường hợp bà mẹ "nhí” đến trạm sinh nở. Mặc dù trạm tích cực tuyên truyền, tư vấn, thuyết phục chuyển tuyến trên bởi sinh nở ở độ tuổi 14 - 15 dễ xảy ra nguy cơ, biến chứng nguy hiểm nhưng gia đình sản phụ nhất quyết không đi với lý do điều kiện kinh tế. Phải chọn giữa đẻ tại nhà và đẻ tại trạm, cán bộ y tế cơ sở không thể thoái thác, cố gắng hết sức để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng cho mẹ và bé. Ở đây cũng không hiếm gặp những trường hợp như K.Y.M lấy chồng vào độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới”, sống chung với gia đình chồng ít bữa thì bỏ về nhà. Có trường hợp nhanh chóng lấy chồng, lấy vợ khác; một số trường hợp ở vậy nhiều năm, mưu sinh bằng việc làm thuê, làm mướn.
Đừng để lạc hậu, đói nghèo đeo đuổi mãi
Sau Tết của đồng bào Mông cũng là mùa tảo hôn, mùa con trai, con gái người Mông ở Hang Kia đi tìm bạn đời. Cùng với hủ tục này, những đứa trẻ mới 13, 14 tuổi đã phải lo toan cuộc sống gia đình, làm cha mẹ. Có một thực tế là những năm gần đây, độ tuổi tảo hôn ở xã Hang Kia càng trẻ hoá. Ông K.A.L, xóm Hang Kia tâm sự: Đời ông bà trước có tảo hôn nhưng thường là khi đã sang tuổi 16, 17, thậm chí đi bộ đội về mới lấy vợ. Quan điểm của người Mông là "khi nào phụ nữ bê được chõ cơm to mới lấy chồng”. Hiện giờ, bọn trẻ mới 13, 14 tuổi, cá biệt có đứa chưa kịp dậy thì đã đi lấy vợ, lấy chồng rồi. Bên cạnh những gia đình bị ảnh hưởng bởi nếp nghĩ, hủ tục ăn sâu, một số gia đình cũng có cấm cản khi biết chuyện nhưng đành chấp nhận vì con em đã trót bắt vợ về nhà.
Năm 2021, trên địa bàn xã ghi nhận 27 trường hợp tảo hôn; năm 2022 ghi nhận 25 trường hợp tảo hôn. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ dân trí không đồng đều, hủ tục lạc hậu còn dai dẳng. Đồng chí Hà Minh Huân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mai Châu trăn trở: Tảo hôn làm mất đi nhiều cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là kết hôn cận huyết thống làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực. Bản thân những bà mẹ trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp về sức khoẻ, thể chất, tâm sinh lý, sức khoẻ sinh sản do cơ thể chưa phát triển đến độ hoàn thiện. Nhất là đối với trẻ em gái do chưa đến tuổi trưởng thành, quan hệ tình dục sớm rồi mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm đương nhiên làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên, dẫn tới thoái hoá và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khoẻ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tương lai của bà mẹ và những đứa trẻ được sinh ra.
Những năm qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ thông qua các đề án, chương trình, dự án nhưng Hang Kia vẫn chưa ra khỏi xã vùng đặc biệt khó khăn. Đi liền với hủ tục tảo hôn đang tồn tại là nhiều tác hại, hệ luỵ cho bản thân, gia đình, xã hội, như: bé gái dưới 15 tuổi đối diện nguy cơ chết trong quá trình mang thai và sinh nở cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi; em bé có mẹ dưới 18 tuổi thường bị nhẹ cân, dị tật bẩm sinh hoặc chết non so với các em bé khác; trẻ em phải sớm lo toan về hôn nhân, gia đình nên không được sống thật với lứa tuổi, không được vui chơi, tham gia các hoạt động giải trí, sinh hoạt văn hoá nghệ thuật. Về môi trường giáo dục, các trường hợp tảo hôn thường phải nghỉ học giữa chừng, mất cơ hội học tập, phát triển, thiếu kiến thức xã hội, cản trở con đường phát triển tài năng, nhân cách, trí tuệ, thể chất; về kinh tế, nhiều cặp vợ chồng tảo hôn không có việc làm, gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, không tự chủ về kinh tế dẫn đến tỷ lệ đói nghèo gia tăng, kéo theo tình trạng đổ vỡ, ly hôn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em; về xã hội, tảo hôn ảnh hưởng đến chất lượng dân số, tăng gánh nặng cho sự phát triển của xã hội…
Đồng chí Khà A Lau, Chủ tịch UBND xã Hang Kia cho rằng: Không thể ngày một, ngày hai chấm dứt được vấn nạn tảo hôn nhưng việc tuyên truyền, giáo dục cần phải làm một cách tích cực, thường xuyên hơn. Hiện nay, cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục vào cuộc kiên trì và mạnh mẽ hơn, quan tâm truyền thông trong gia đình, nhà trường. Về phương pháp tuyên truyền cũng có sự đổi mới, chẳng hạn như nêu gương số ít con em trong vùng đồng bào dân tộc mình theo học lên THCS, THPT và đi học chuyên nghiệp để tiếp thu cái mới, cái tiến bộ, có tương lai sáng lạn; chia sẻ câu chuyện buồn và tác hại của việc xây dựng gia đình quá sớm để từ đó tác động, chuyển biến nhận thức, hành vi của các gia đình và trẻ em tại địa phương.
Bùi Minh