Oản nghệ thuật là một trong những sản phẩm handmade đắt khách dịp cuối năm và đầu năm mới. Ảnh: Chị Trương Thị Phương Thảo, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) trang trí sản phẩm oản nghệ thuật.
Sáng tạo không giới hạn
Đồng hồ đã điểm 22 giờ, chị Trương Thị Phương Thảo, đường Lê Lợi, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) vẫn cẩn thận gắn keo lên từng bông hoa, từng hạt cườm để trang trí cho đôi oản nghệ thuật khách đặt đem đi dâng lễ. Chị chia sẻ: Ban đầu tôi mua nguyên vật liệu, tự học trên các trang mạng làm ra các mẫu oản đẹp để dâng lễ lên ông bà, tổ tiên ngày Tết. Mỗi lần trang trí xong một mẫu oản, tôi chụp ảnh đăng lên trang facebook cá nhân. Nhiều khách thấy đẹp đã chủ động đặt hàng để đi lễ dịp cuối năm, đầu năm mới. Xuất phát từ nhu cầu cá nhân nhưng đến nay tôi đã kinh doanh oản nghệ thuật được 3 năm. Không chỉ bán lẻ cho khách ở gần tôi còn cung cấp theo đơn sỉ cho khách ở một số huyện trong tỉnh.
Còn chị Lê Thị Hồng Duyên, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) tận dụng thời gian cuối tuần để chế biến một số món đãi khách trong những ngày Tết. Chị cho biết: Làm đồ handmade rất cần sự kiên trì. Không ít lần tôi phải bỏ đi cả mẻ thịt, mẻ dừa sên hỏng. Tất cả nguyên liệu để làm đồ ăn được chọn lọc kỹ, trong quá trình chế biến tôi không sử dụng màu thực phẩm mà chọn cách tạo màu từ các loại nguyên liệu tự nhiên và nước ép rau, củ, quả...
Thực phẩm handmade ngày Tết giờ đây không chỉ đơn thuần là cặp bánh chưng gói tay, giò xào hay lọ dưa hành muối, mà ngày càng đa dạng với nhiều món ăn mới lạ, hấp dẫn, chất lượng như: thịt lợn sấy, thịt bò khô, gà ủ muối, xúc xích, kim chi, chân gà ngâm sốt Thái, mứt quả sấy dẻo, hồng treo gió... Mở Google, chỉ cần gõ cụm từ "tự làm” sẽ thấy xuất hiện một danh sách dài những sản phẩm handmade, từ đồ dùng thông dụng đến thực phẩm. Đó là minh chứng cho sự sáng tạo không giới hạn, phục vụ thiết thực và đem đến niềm vui trong cuộc sống.
Góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống trong ngày Tết cổ truyền
Vẫn biết ngày nay mọi thứ đều sẵn và tiện, nhưng vào dịp Tết cổ truyền có nhiều người lựa chọn bỏ công sức, thời gian để tự sáng tạo, chế biến những sản phẩm trang trí, thực phẩm handmade. Chị Nguyễn Thu Hải, thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) chia sẻ: Làm đồ handmade là một xu hướng lành mạnh và phát huy sự sáng tạo của mọi lứa tuổi. Handmade còn giúp ta "sống chậm” hơn giữa thời đại công nghệ. Với gia đình tôi, mỗi dịp gần Tết, dù bận đến mấy cũng cố gắng sắp xếp thời gian đi mua nguyên liệu và hướng dẫn các bạn nhỏ trong gia đình cùng tham gia làm một số món ăn vặt. Vừa hướng dẫn làm đồ ăn tôi vừa kể về sự tích gắn liền với Tết cho các con. Theo chị, việc giúp bố mẹ, gia đình chuẩn bị Tết là cách để các con hiểu sâu sắc hơn về những giá trị truyền thống của Tết cổ truyền. Khi người lớn và con trẻ cùng trải nghiệm, tình cảm của các thành viên trong gia đình càng gắn kết hơn. Các con sau này cũng sẽ biết trân trọng và biết ơn ông bà, tổ tiên, biết nhớ về cội nguồn.
Không phải làm đồ handmade là sự trở lại của thời kỳ "tự cấp tự túc”, bởi nó không đơn thuần vì mục đích kinh tế, ở xu hướng này còn có không ít nét đặc trưng của một loại hình nghệ thuật. Theo thời gian, nhiều hình thức tiện lợi và hiện đại đã được đưa vào những ngày Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trào lưu làm đồ handmade vẫn ngày càng lan rộng, không chỉ để những người yêu nghệ thuật, yêu nội trợ thỏa mãn sở thích và đam mê, mà còn góp phần "giữ lửa" truyền thống, giúp những ngày Tết cổ truyền không bị mất đi giá trị trong nhịp sống hối hả ngày nay.
Thu Hằng