(HBĐT) - Công tác chăm sóc người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành, cơ quan chức năng quan tâm. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của NCT từng bước được cải thiện, NCT đã phát huy vai trò trong việc giáo dục con cháu, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chăm sóc NCT vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.


Cán bộ Hội Người cao tuổi thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao cảnh giác, phòng tránh các chiêu trò lừa đảo.

Những vấn đề đặt ra trong công tác chăm sóc người cao tuổi

Hội NCT tỉnh hiện có 115.768 hội viên, sinh hoạt tại 1.481 chi hội, 2.346 tổ hội. Thời gian qua, Hội NCT các cấp đã chủ động làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT trong cộng đồng. Đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của NCT. Tuy nhiên, trong bối cảnh KT-XH địa phương còn không ít khó khăn, thách thức thì nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ NCT vẫn còn những hạn chế. Thực tế trong thời gian qua, các tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của một số NCT để thực hiện các hoạt động kinh doanh như: Tour du lịch 0 đồng, chương trình tặng quà tri ân... Thông qua các chương trình, các đối tượng tiếp cận NCT mời tham gia chụp ảnh chân dung với giá ‘‘cắt cổ” dao động từ 600.000 - 700.000 đồng/người, hoặc mua những sản phẩm như sữa, thực phẩm chức năng với giá "trên trời".

Ông Đồng Đại An, Phó Trưởng Ban đại diện Hội NCT TP Hòa Bình chia sẻ: Thời gian qua, một số tổ chức, doanh nghiệp chủ động liên hệ với chúng tôi để tổ chức các chương trình tặng quà tri ân, du lịch 0 đồng... Cảnh giác với những chiêu trò của các đối tượng, Ban đại diện Hội NCT thành phố đã ban hành công văn gửi các cơ sở hội xã, phường về việc không tiếp nhận tư vấn tặng quà của các tổ chức, đơn vị. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động NCT nâng cao ý thức cảnh giác tránh rủi ro. Tuyệt đối không nhận, sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Công tác chăm sóc sức khỏe NCT được cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện. Mới đây, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 2240 triển khai kế hoạch chăm sóc sức khỏe NCT và nhân rộng mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu: 100% cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách chăm sóc sức khỏe NCT; 70% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, 95% NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 70% NCT được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ)… Thực tế cho thấy, công tác phối hợp khám, chữa bệnh (KCB) cho NCT tại các cơ sở y tế chủ yếu là thăm khám ban đầu, chưa đem lại hiệu quả cao. Nguyên nhân chính do hệ thống máy móc còn thiếu; trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ hạn chế. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều NCT sẵn sàng bỏ tiền đến các cơ sở y tế chất lượng cao KCB. Theo rà soát, tại các cơ sở y tế KCB trên địa bàn toàn tỉnh chưa thành lập được phòng khám chuyên sâu cho người già, chủ yếu là điều trị ghép với các khoa, phòng.

Một trong những vấn đề trăn trở đối với cấp ủy, chính quyền các cấp hiện nay là thiếu điểm sinh hoạt tập trung cho NCT tại địa phương. Các mô hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã được thành lập; câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo Nhân dân, đặc biệt là NCT tham gia. Tuy nhiên, việc sinh hoạt ghép tại các nhà văn hóa thôn, xóm gây nhiều bất tiện. Một số điểm đã xuống cấp, không đảm bảo không gian vui chơi, tập luyện hàng ngày.

Thách thức trong chăm sóc người cao tuổi tại vùng đặc biệt khó khăn

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, toàn tỉnh còn 51 xã thuộc khu vực III. Đây là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn kinh tế chậm phát triển, chất lượng đời sống còn thấp. Thực tế đó dẫn đến việc chăm sóc sức khỏe cho NCT còn nhiều hạn chế. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 8.511 NCT thuộc hộ nghèo, 1.404 NCT sống trong nhà tạm, nhà dột nát, 8.054 NCT sống một mình.

Tìm hiểu thực tế tại huyện vùng cao Đà Bắc. Trên địa bàn huyện thường xuyên hứng chịu các đợt thiên tai, mưa lũ kéo dài nên kinh tế chậm phát triển, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, NCT sinh sống tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc chịu thiệt thòi hơn so với NCT tại các xã vùng trung tâm. Ông Bùi Văn Chen ở xóm Mọc, xã Nánh Nghê cho biết: "Tôi năm nay tuổi đã ngoài 70, sức khỏe không được tốt, thường xuyên phải khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã. Mỗi lần bệnh nặng muốn xuống Trung tâm Y tế huyện điều trị thì ngại đi xa (gần 70 km), còn nếu tiếp tục thăm khám tại cơ sở y tế gần nhà thì không yên tâm”.

Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có các mức trợ cấp cho NCT không có lương hưu từ ngày 1/7/2021. Theo đó, NCT từ đủ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng được hưởng trợ cấp xã hội 360.000 đồng/tháng (tăng 90.000 đồng/tháng so với quy định cũ tại điểm l, khoản 1, Điều 6, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, NCT từ đủ 75 - 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sống ở xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được hưởng 360.000 đồng/tháng. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã xây dựng chính sách hỗ trợ kịp thời đối với NCT thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhưng cần nhìn nhận thực tế rằng, NCT khi về già thường mắc nhiều bệnh, sức khỏe suy giảm, những người không có lương hưu chỉ trông cậy vào con cháu, rất khó khăn. Vì vậy, đối với NCT không có lương hưu sinh sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cần có cơ chế đặc thù riêng.

Đồng chí Bùi Tuấn Hải, Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho biết: "Xác định công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng dân số, đồng thời NCT là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho thế hệ trẻ. Thời gian tới, Hội NCT các cấp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với NCT. Mong muốn Nhà nước quan tâm, xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với NCT là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Tiếp tục xây dựng, phát triển Quỹ toàn dân chăm sóc và phát huy vai trò NCT, tạo cơ sở vững chắc để thực hiện các hoạt động chăm lo, phát huy vai trò NCT trong cộng đồng. Tạo sân chơi bổ ích giúp NCT sống vui - sống khỏe - sống có ích, từ đó tiếp tục phát huy bản lĩnh, cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.


Các địa phương, hội, đoàn thể làm tốt công tác chăm sóc người cao tuổi

Bùi Quốc Hoàn

Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Những năm qua, huyện Lương Sơn quan tâm chỉ đạo Hội NCT các cấp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, làm nòng cốt trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Tập trung nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cộng đồng xã hội thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm và 2 chương trình công tác lớn của Hội.

Đa dạng hoạt động chăm sóc sức khỏe, tạo sân chơi bổ ích giúp nâng cao chất lượng đời sống về vật chất, tinh thần cho NCT. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và uy tín của NCT trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng cấp ủy, chính quyền vững mạnh, tiên phong, gương mẫu trong phong trào thi đua "Tuổi cao - gương sáng” gắn với các cuộc vận động do Trung ương và địa phương phát động.

  

Có cơ chế hỗ trợ người cao tuổi sống ở vùng dân tộc thiểu số, hộ nghèo

Vì Xuân Trường

Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Mai Châu

Hiện nay, tỷ lệ NCT là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Mai Châu chiếm khoảng 60%, hộ NCT thuộc hộ nghèo chiếm 15%, chủ yếu tại các xã: Tân Thành, Sơn Thủy, Thành Sơn, Hang Kia, Pà Cò… Thực tế cho thấy, NCT sinh sống ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn không có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Một số bệnh phổ biến thường gặp như xương khớp, cao huyết áp, tiểu đường… Từ đó dẫn đến tình trạng tuổi thọ trung bình của NCT tại những vùng này thấp so với vùng điều kiện KT-XH phát triển tốt hơn.

Từ thực tế đó, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng, phù hợp đối với NCT là người dân tộc thiểu số, thuộc diện hộ nghèo sinh sống ở vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Từng bước đảm bảo chất lượng cuộc sống cho NCT, đảm bảo công tác chăm sóc NCT được thực hiện kịp thời.

  

Quan tâm tổ chức các hoạt động khuyến khích người cao tuổi sống vui - khỏe - có ích

Bùi Văn Tình

Người cao tuổi xóm Cha, xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn)

Cùng với việc không ngừng chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, hội viên NCT, các cấp Hội cần chủ động thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương đa dạng hoạt động hướng về NCT. Khuyến khích NCT tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền và phong trào thi đua, cuộc vận động do Trung ương, địa phương phát động. Triển khai nhiều hoạt động giúp NCT sống vui - sống khoẻ - sống có ích. Tạo điều kiện phát huy uy tín, kinh nghiệm của NCT trong cộng đồng xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua nhằm xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút NCT nhiệt tình tham gia, hưởng ứng. Nhân rộng và hoạt động hiệu quả mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Từ đó tạo sự đoàn kết, gắn bó, giúp NCT được thụ hưởng các hoạt động bổ ích, lành mạnh và an toàn.

  


Đức Anh

Các tin khác


Điểm sáng phát triển bảo hiểm y tế ở thành phố Hòa Bình

Năm 2023, toàn tỉnh có 840.451 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 6,4% so với năm 2022, đạt 100,2% kế hoạch giao; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,23% dân số (vượt 0,03% so với chỉ tiêu được giao năm 2023 tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Báo Nhân Dân tặng bạn đọc 100.000 bản phụ san tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Chính thức trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7, trùng với thời điểm tăng lương khu vực Nhà nước.

Đa dạng kênh giải quyết việc làm cho người lao động

Đó là giải pháp quan trọng được tỉnh Hòa Bình quan tâm, thúc đẩy nhằm phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm, giúp người lao động (NLĐ) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo thống kê hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 10.000 người bước vào độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm, chưa kể lao động muốn chuyển đổi, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, khả năng tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn khoảng 4.000 lao động/năm, số còn lại chủ động tìm công việc.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng”

Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nét đẹp văn hóa đó được bồi đắp qua các thế hệ và mỗi khi được khơi dậy mạnh mẽ tạo thành nguồn lực to lớn giúp đỡ đồng bào khó khăn. Đúng như tinh thần "lá lành đùm lá rách”, "lá rách ít đùm là rách nhiều”, "bầu ơi thương lấy bí cùng”…

Tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án 250

Sáng 17/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp và Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục