Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn là sợi dây kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động (NLĐ). Thời gian qua, Công đoàn các Khu công nghiệp (CĐCKCN) tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở. Qua đó không chỉ tạo mối quan hệ lao động ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp mà còn củng cố lòng tin của NLĐ, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh.


Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh thăm, tặng quà con công nhân lao động tại Công ty TNHH Sankoh Việt Nam (Khu công nghiệp bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình).  

"Bữa cơm công đoàn” là một trong những hoạt động thiết thực, tiếp tục khẳng định trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác chăm lo và chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, NLĐ từ những bữa ăn, nhu cầu cụ thể thường ngày. Trong tháng 8 vừa qua, CĐCKCN tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp doanh nghiệp tổ chức các "Bữa cơm công đoàn”. Tính đến thời điểm này đã thu hút sự tham gia của trên 2.600 đoàn viên, NLĐ tại 5 CĐCS. Các bữa ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực đơn đa dạng, bổ dưỡng. Tổng kinh phí huy động gần 110 triệu đồng, suất ăn trị giá cao nhất tại Công ty TNHH Almine Việt Nam là 85.000 đồng. 

Chị Nguyễn Thị Dung, công nhân Công ty TNHH Bandai Việt Nam chia sẻ: "Mặc dù chỉ là một bữa cơm nhưng tôi cũng như các đồng nghiệp rất vui vì nhận được sự quan tâm, chia sẻ của ban lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức CĐCS. Suất ăn ngày thường của công nhân     lao động (CNLĐ) khá đầy đặn và đảm bảo các tiêu chí, nhưng với suất ăn "Bữa cơm công đoàn” có lượng thức ăn nhiều hơn, các món tráng miệng cũng được bổ sung. Hy vọng trong thời gian tới chương trình được duy trì và triển khai thường xuyên hơn”. 

CĐCKCN tỉnh hiện có trên 18.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), trong đó có gần 17.000 đoàn viên, sinh hoạt tại 45 CĐCS. CĐCKCN tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp CNLĐ nhận thức được quyền lợi và trách nhiệm, chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp, địa phương. Trong 6 tháng đầu năm nay, tại các doanh nghiệp khu công nghiệp không có tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, tai nạn lao động. 100% đoàn viên, NLĐ được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và công đoàn. 142,8% đoàn viên, NLĐ tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. 100% CĐCS tích cực tham gia hưởng ứng các chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Có 1 đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 15 doanh nghiệp tổ chức hội nghị NLĐ; 17 cuộc đối thoại định kỳ được tổ chức tại doanh nghiệp. Có 33 bản Thỏa ước lao động tập thể được ký kết với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. 

Hưởng ứng chào mừng kỷ niệm  95 năm ngày thành lập Công đoàn  Việt Nam, CĐCKCN tỉnh đã thiết thực tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa hướng về cơ sở, góp phần tạo khí thế thi đua "Lao động giỏi - lao động sáng tạo” tại các doanh nghiệp, đồng thời tăng tính đoàn kết, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CNLĐ. Tiêu biểu như: Hội thi vũ điệu CNLĐ, tổ chức giải thể thao và biểu dương cán bộ công đoàn tiêu biểu trong các khu công nghiệp tỉnh, giao lưu thi đấu thể thao… Các phong trào thi đua do CĐCKCN tỉnh triển khai, phát động có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng; tạo không khí thi đua sôi nổi, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần sáng tạo trong đội ngũ CNLĐ, trọng tâm là phong trào thi đua "Lao động giỏi - lao động sáng tạo”, "Năng suất cao, chất lượng tốt”, "Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”. 

Đồng chí Lê Diệu Hoàn, Phó Chủ tịch CĐCKCN tỉnh nhận định: Qua khảo sát thực tế từ đầu năm đến nay, mối quan hệ lao động tại các doanh nghiệp khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hài hòa, ổn định, không phát sinh điểm nóng. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, CĐCKCN tỉnh xác định lấy lợi ích của đoàn viên, NLĐ là trung tâm của mọi hoạt động. Chú trọng triển khai nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Phối hợp với ngành chức năng giám sát thực hiện chính sách, tổ chức gặp gỡ, đối thoại với NLĐ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết vướng mắc ngay từ cơ sở. Từ đó giúp NLĐ ổn định tư tưởng, góp phần cùng với doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn, đồng thời chia sẻ, đồng hành vì sự ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 


Đức Anh

Các tin khác


Xã Tú Lý di dời 16 hộ dân xóm Riêng trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn

Theo UBND xã Tú Lý (Đà Bắc), chiều 22/9, xã đã di dời 16 hộ dân, 76 nhân khẩu tại khu vực Sung Bang, xóm Riêng đến nơi an toàn khi nơi này xuất hiện vết nứt, nguy cơ trượt sạt cao.

Bàn giao mô hình “Hội Người cao tuổi thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn”

Sáng 23/9, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức bàn giao vật tư và nghiệm thu Dự án mô hình Hội Người cao tuổi thu gom, phân loại và xử lí rác thải tại nguồn ở thành phố Hòa Bình, tỉnh Hoà Bình. Đây là Dự án "Mô hình Hội Người cao tuổi tổ chức thu gom, phân loại và xử lí rác thải ngay từ đầu nguồn” do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, triển khai trên toàn quốc.

Khẩn cấp di dân, không chủ quan với nguy cơ sạt lở đất

Xóm Rổng Vòng, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) có 150 hộ, trong đó 122 hộ sinh sống gần khu vực đồi Lủ Thao. Quả đồi này có độ dốc lớn, đỉnh có độ cao trên 200m so với khu dân cư, nền đất yếu, kết cấu rời rạc nên có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa. Mặc dù chân đồi đã được xây kè bằng bê tông nhằm giảm tình trạng sạt trượt nhưng đây vẫn là khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa năm nay.

Tuổi trẻ xã Ngổ Luông xung kích tham gia bảo vệ môi trường

Phát huy vai trò xung kích, tiên phong, tuổi trẻ xã Ngổ Luông (Tân Lạc) tích cực triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả tại địa phương.

Các địa phương triển khai phương án ứng phó mưa lớn và khắc phục hậu quả thiên tai

Để chủ động tiếp tục ứng phó với hoàn lưu bão số 4 và mưa lũ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ triển khai phương án ứng phó với mưa lớn, nhất là các tỉnh từ Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh ứng phó với lũ trên các sông.

Phường Thống Nhất di dời khẩn cấp 47 hộ dân trong khu vực nguy cơ sạt lở đất

Chiều 22/9, sau những trận mưa kéo dài, người dân khu vực tổ 1, phường Thống Nhất (TP Hoà Bình) phát hiện có vết nứt dài ở khu vực đồi sau khu dân cư, nguy cơ sạt lở cao, đã báo cáo với cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục