Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do mưa bão gây ra, tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh vẫn dành nhân lực, vật lực đồng hành cùng bà con vùng thiên tai bằng nhiều cách khác nhau. Đây không chỉ là sự kế thừa truyền thống quý báu "lá lành đùm lá rách” mà còn là trách nhiệm xã hội, hướng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng DN.
Bão Yagi và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có Hòa Bình. Mưa lớn và lũ lụt khiến cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, nông nghiệp nhiều nơi mất trắng, sản xuất gián đoạn… Chị Phạm Thị Hoàn, sinh năm 1989 là chủ sở hữu một số trang bán hàng trên nền tảng mạng xã hội có lượng người theo dõi đông đảo, như "Shop Phạm Hoàn”; "Cô gái Điện Biên”… Chị cho biết: Mưa lớn kéo dài từ trước và sau bão khiến nhà kho rộng hơn 1.000 m2 của công ty nhiều chỗ bị ngập, làm hư hỏng hàng hóa. Tuy nhiên, nếu so với những mất mát, thiệt hại nặng nề mà bà con vùng thiên tai phải gánh chịu, tổn thất của tôi có là gì. Do đó, tôi đã vận động một vài DN phối hợp tổ chức 3 chương trình tặng quà cho người dân 2 tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên và 1 chương trình tặng quà cho bà con xã Tân Thành, huyện vùng cao Mai Châu. Tổng giá trị hàng hóa của 4 chương trình lên đến vài trăm triệu đồng.
Chung tay cùng cộng đồng khắc phục hậu quả bão lũ, thời gian qua, các DN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hành động thiết thực. Nhiều DN tổ chức các chương trình từ thiện tại địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ. Điển hình như Siêu thị Hoàng Sơn (TP Hòa Bình) ủng hộ hàng hóa trị giá hơn 50 triệu đồng cho người dân vùng lũ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Hay 3 DN trên địa bàn TP Hòa Bình gồm: Công ty CP Thương mại Định Nhuận, Công ty CP Thương mại Dạ Hợp, Công ty CP đầu tư xây dựng thương mại Lâm Bình nhận đỡ đầu 3 trẻ mồ côi. Hàng tháng, việc hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu do Hội LHPN TP Hòa Bình xác nhận, quản lý và sẽ thực hiện ngay, duy trì cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Tấm lòng vàng của các DN đã góp phần lan tỏa tình nhân ái, tạo điểm tựa, tiếp sức để 3 trẻ mồ côi vượt qua nghịch cảnh…
Những hành động thiết thực đó là minh chứng cho tinh thần đoàn kết của DN, doanh nhân trong việc đồng hành cùng cộng đồng vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai đối với cuộc sống người dân. Lớn hơn nữa, những hoạt động an sinh quy mô lớn còn thúc đẩy và hướng đến sự phát triển bền vững của xã hội.
Ngoài các chương trình tình nguyện cụ thể nêu trên, cộng đồng DN, doanh nhân tỉnh Hòa Bình còn tích cực tham gia ủng hộ Quỹ cứu trợ tỉnh.
DN, doanh nhân trách nhiệm với cộng đồng; Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền tỉnh cũng có nhiều giải pháp đồng hành cùng DN khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên cơ sở xác nhận của các địa phương tiến hành đình hoãn, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất…
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Hoà Bình, là ngân hàng chủ lực đầu tư vào thị trường nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì đối tượng hướng đến ưu tiên vẫn là nhóm "tam nông”. Chia sẻ một cách thiết thực nhất lúc này với nông dân bị thiệt hại do bão số 3, ngoài những chính sách mà Agribank đang áp dụng, trong cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đối với những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên diện rộng, Agribank sẽ hướng dẫn khách hàng xác định thiệt hại, cùng với chính quyền địa phương để hoàn thiện hồ sơ, tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định khoanh nợ cho khách hàng…
Cùng với hệ thống các ngân hàng thương mại, ngành Thuế cũng có chính sách liên quan đến gia hạn, miễn, giảm thuế do thiên tai nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân, DN bị tổn thất do bão số 3 và hoàn lưu sau bão.
Doanh nhân và trách nhiệm cộng đồng thời gian qua có lẽ là minh chứng rõ nhất của việc: muốn nhận lại, trước hết hãy cho đi.
Minh Vũ