(HBĐT) - Vào những ngày tiết trời oi ả của thời điểm giao mùa, cũng là lúc người dân ở xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) đóng bè, chuẩn bị chài lưới để tham gia lễ hội đánh cá suối tháng ba. Năm nay, lễ hội được tổ chức vào hai ngày 26 và 27/5, thu hút hàng nghìn người tham gia, đem lại những phút giây thư giãn ý nghĩa giữa cái nắng hè oi bức.


Thi đấu bóng chuyền là một hoạt động nằm trong khuôn khổ của Lễ hộ đánh bắt cá suối tháng ba xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) năm 2018.

Người dân xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) chẳng nhớ rõ mốc thời gian cụ thể, là từ bao giờ lễ hội đánh cá được tổ chức. Họ chỉ biết rằng, cứ vào tháng ba âm lịch hằng năm (có năm vào đầu tháng tư, tùy vào tình hình thời tiết), khi nắng hè đã chói chang, công việc đồng áng cũng đã ngơi tay thì khắp các xóm, bản, bà con lại đóng bè, mảng, chuẩn bị chài lưới và kéo nhau ra sông Cái đánh, bắt cá suối. Theo đồng chí Bùi Văn Nượm, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn cho biết: Trước khi được phục dựng và tổ chức với quy mô lớn, lễ hội được bà con tổ chức diễn ra trong 3 – 4 ngày. Trong những ngày đó, con sông Cái lúc nào cũng nhộn nhịp bè, mảng, trai tráng, thanh niên và những vị cao niên cùng nhau trổ tài đánh, bắt cá. Kể từ năm 2000 trở lại đây, lễ hội được tổ chức thường xuyên, với tần suất từ 1 – 2 năm/lần. Ngoài tính giải trí trong thời gian nông nhàn, bắt tôm, cá để cải thiện bữa ăn thì lễ hội có ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện sự tôn kính với thần linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, sông suối có nhiều tôm, cá.

Có mặt tại đây, chúng tôi đã được tận hưởng không khí lễ hội vui tươi, sôi động. Trong buổi sáng của ngày 26/5, tại sân vận động xã Lỗ Sơn, bà con và du khách thập phương được chứng kiến các trận đấu bóng chuyền hấp dẫn và tham quan, mua sắm các gian hàng với nhiều sản vật của địa phương. Đến buổi chiều cùng ngày, sau khi thầy mo làm lễ cúng thần linh, hàng trăm chiếc bè, mảng của các "tay lưới” bắt đầu quăng xuống dòng sông Cái để bắt cá. Nắng chói chang, nhiệt độ ngoài trời gần 40 độ nhưng hàng nghìn bà con và du khách vẫn đứng vây kín hai bờ sông Cái để cổ vũ. Sau buổi chiều miệt mài, có người gặp may được cả chục cân cá, có người thì chẳng được gì nhưng ai nấy đều vui vẻ và hẹn sang ngày hôm sau, tiếp tục mang chài, lưới ra đánh cá ở hồ Suối Lòng.


Trên những chiếc bè, mảng, những tay săn cá hàng đầu thi nhau quăng chài.

Hồ Suối Lòng thuộc xóm Đồi, hồ có diện tích khá rộng, độ sâu từ 5 – 6 mét. Năm ngoái, tại hồ này, trong ngày đánh bắt thứ hai, nhiều người đánh được cá nặng cả chục kg. Thế nên, năm nay, hồ Suối Lòng tiếp tục thu hút hàng trăm bè, mảng đến đánh cá. Theo dõi các "tay chài, tay lưới” trổ tài từ sáng sớm, chị Bùi Thị Liệng, xóm Đồi chia sẻ: "Vui lắm, hôm nay trời nắng rất to nhưng bà con trong xóm đều ra đây để theo dõi mọi người đánh cá. So với năm ngoái thì năm nay chưa có nhiều người may mắn bắt được cá to, chắc là vì nước sâu hơn, cá lặn hết xuống đáy. Lễ hội được tổ chức không chỉ giúp chúng tôi thư giãn, mà còn là dịp để bán hàng cho du khách đến tham gia lễ hội, nâng cao thu nhập”.

Ngoài những người dân ở xã Lỗ Sơn, trong lễ hội, có không ít những tay săn cá hàng đầu ở các xã lân cận cùng đến trổ tài. Năm ngoái, anh Bùi Văn Chúc, xóm Mương 2, xã Do Nhân cùng 5 người trong xóm tổ chức thành một nhóm và tham gia đánh cá ở sông Cái. Còn năm nay, anh đành ngậm ngùi làm khán giả do chưa kịp tập hợp đội. "Năm ngoái, tôi cùng mấy anh em tham gia, sau một ngày thì bắt được hơn 30 kg cá. Năm nay không tham gia được cũng tiếc lắm. Việc tổ chức lễ hội rất ý nghĩa, vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, vừa mang ý nghĩa giáo dục việc bảo vệ môi trường sinh thái, cấm các hình thức đánh, bắt mang tính tận diệt”, anh Chúc chia sẻ.

Sau một buổi sáng quăng hàng trăm lần chài, anh Bùi Văn Toàn, xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) cũng đã thu được thành quả, dù chưa được như kỳ vọng. Anh Toàn cho biết, để tham gia đánh cá ở hồ Suối Lòng, mỗi bè phải đóng 300 nghìn đồng, còn quăng chài ven bờ là 100 nghìn đồng/người. "Hôm nay, có nhiều người bắt được nhiều cá, cá người được 50 – 60 kg. Bè của chúng tôi thì không bắt được nhiều nhưng điều đó không quá quan trọng vì được tham gia là vui rồi. Hai năm nay, tôi đều tham gia đánh cá và chắc chắn, trong những năm tới, nếu có điều kiện, tôi sẽ tiếp tục tham gia”, anh Toàn chia sẻ.

Đó cũng là mong muốn của rất nhiều người dân nơi đây. Từ khi được phục dựng và tổ chức đều đặn, lễ hội đã trở thành một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, thu hút được đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham gia. Không chỉ có ý nghĩa về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục bảo vệ môi trường sinh thái, mà lễ hội còn có nhiều tiềm năng để tạo nguồn thu cho chính quyền và nhân dân địa phương.

Viết Đào


Các tin khác


Du lịch Kim Bôi trên đà cất cánh

(HBĐT) - Đã từ lâu, Kim Bôi được du khách gần xa biết đến bởi nguồn nước khoáng nóng có công dụng hữu ích cho việc chăm sóc sứa khỏe con người. Cùng với nhiều cảnh quan thiên nhiên, sự nổi tiếng về văn hóa dân gian đã gợi mở những tiềm năng để phát triển du lịch.

Hoang sơ Gành Yến

Trải qua hàng triệu năm kiến tạo địa chất, những bãi đá trầm tích xếp chồng lên nhau, tạo vòng cung ôm quanh bờ biển hình thành nên thắng cảnh Gành Yến (Quảng Ngãi). Bao năm qua, Gành Yến vẫn giữ được vẻ đẹp tuyệt tác, thuần khiết giữa biển khơi mênh mông.

Du khách đổ lên Đà Lạt trốn nóng, giá phòng nghỉ tăng cao

Trong các ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) lại nhộn nhịp đón du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng.

Biển người chen chúc trên các bãi tắm ở Sầm Sơn trong ngày đầu nghỉ lễ

Ngay trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, bãi biển Sầm Sơn ken đặc người dân và du khách đến tắm biển. Dòng người từ khắp nơi vẫn đang ùn ùn hướng về Sầm Sơn nghỉ mát.

Khởi sắc du lịch cộng đồng Đà Bắc

(HBĐT) - Là huyện vùng cao, địa hình tương đối khó khăn, núi cao, sông, suối xen kẽ tạo thành nhiều dài đất hẹp chia cắt, độ dốc lớn. Mấy năm trở lại đây, huyện Đà Bắc khai thác tiềm năng, lợi thế các xã vùng hồ Hòa Bình phát triển du lịch cộng đồng homestay đã tạo nên diện mạo mới và đang trở thành ngành kinh tế triển vọng của huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Thơm, bùi hạt dẻ Lào Cai

(HBĐT) - Lên Lào Cai mùa này, bên cạnh những loại rau xứ lạnh, du khách sẽ khó cưỡng được sức hấp dẫn của một loại đặc sản mang hương vị núi rừng, đó là hạt dẻ. Hạt dẻ Lào Cai được người dân trồng và bán nhiều ở thị trấn Sa Pa thuộc huyện Bắc Hà nên nhiều người quen gọi là hạt dẻ SaPa . Dọc các tuyến đường về, nhất là dừng chân ở chợ Cốc Lếu – thành phố Lào Cai, đâu đâu cũng thấy bà con tíu tít chào mời bên những thúng hạt dẻ rừng vẫn còn nóng hổi, ngất ngây thơm ngậy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục