Đã có rất nhiều tour du thuyền dọc các dòng sông ở Việt Nam, và hầu hết đều khá thành công. Nhưng đối với dòng sông Đà, đặc biệt là dọc theo lòng hồ, nơi có cảnh sắc thiên nhiên vô cùng tuyệt mỹ, dường như, tuyến du lịch trên sông lại chưa được du khách chú ý.



Hồ Hòa Bình hình thành sau khi đắp đập ngăn sông Đà xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, và trở thành một trong những hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, trải dài 230km từ Hòa Bình đến Sơn La. Hồ Hòa Bình nằm trong địa giới của thành phố Hòa Bình và bốn huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu. Hồ có diện tích khoảng 8 nghìn ha, với rất nhiều đảo nổi. Cảnh quan xanh tươi, khí hậu mát mẻ, đặc biệt nước hồ lúc nào cũng xanh trong khiến cho nơi này trở thành một trong những thắng cảnh hấp dẫn của Hòa Bình.

Hồ sông Đà được ví như một Hạ Long trên cạn, với nước hồ lúc nào cũng xanh biếc, cùng với hàng trăm đảo lớn nhỏ được bao phủ bởi thảm thực vật tự nhiên, phong phú tạo nên khung cảnh bốn mùa xanh ngắt. Nhiều du khách thích dạo hồ vào mùa hè, bởi phong cảnh thiên nhiên sinh động, tươi tắn cùng với bầu không khí mát mẻ, trong lành trên hồ. Nhưng cũng nhiều người thích đi thuyền trên hồ vào mùa thu hoặc gần đầu mùa đông. Nắng cuối thu vàng rực hơn, màu xanh cây lá cũng đằm hơn, mặt nước hồ cũng trong hơn. Giữa khung cảnh nắng vàng, rừng xanh, những hòn đảo đá karst nổi bật trên mặt hồ, dưới bầu trời xanh biếc và trong veo tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng với bất kỳ ai đặt chân đến đây.

Ngoài điểm đến nổi tiếng và luôn được khách phương xa ghé thăm là Nhà máy thủy điện Hòa Bình, du khách có thể lựa chọn rất nhiều điểm đến thú vị, hấp dẫn dọc lòng hồ sông Đà để tham quan, khám phá, trải nghiệm. Một số điểm đến trong số này khá phổ biến, và đã hình thành tour, tuyến du lịch theo lịch trình của nhiều công ty lữ hành, hoặc đoàn khách tham quan.

Du khách muốn đến thăm quan, đi lễ ở những đền, chùa dọc lòng hồ, có thể ghé thăm đền Thác Bờ, thuộc huyện Cao Phong, Đà Bắc. Đền Thác Bờ thờ bà Đinh Thị Vân, con gái của Lang Mường đã có công lao giúp vua đánh giặc, và được vua Lê tặng danh hiệu Bà Chúa Thác Bờ. Lễ hội đền Thác Bờ được tổ chức hằng năm vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

Ngoài ra, còn có đền Đôi Cô, thuộc xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, thờ hai người hầu gái của Bà Chúa Thác Bờ. Và không thể không nhắc đến động Thác Bờ, nằm trong dãy núi Chủa, thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc. Động Thác Bờ là điểm đến phổ biến của nhiều tour du lịch trải nghiệm, tham quan trên hồ Hòa Bình.

Một trong những điểm đến khá quen thuộc ở hồ Hòa Bình là Thung Nai, với điểm nhấn là ngôi nhà Cối Xay Gió. Đây là địa điểm đầu tiên kết hợp du lịch với khám phá thiên nhiên hoang dã tại vùng lòng hồ. Đảo Cối Xay Gió gắn với Thung Nai lâu nay đã trở thành điểm đến ưa thích của nhiều bạn rẻ, cũng như nhiều đoàn khách tham quan muốn có những hoạt động vui chơi, trải nghiệm tập thể trong khung cảnh gần gũi với thiên nhiên.

Ngoài những địa điểm quen thuộc kể trên, hiện tại ngành du lịch tỉnh Hòa Bình đang khai thác hàng loạt điểm đến mới dọc lòng hồ sông Đà. Nhiều xóm, bản sau khi khảo sát đủ điều kiện đã được tập huấn, đầu tư và hướng dẫn để trở thành điểm du lịch kết hợp văn hóa truyền thống, sinh thái, và khám phá thiên nhiên hoang dã. Có thể kể đến một số bản, xóm người Dao, người Mường như xóm Bích Trụ (xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình), xóm ké (xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc), xóm Đá Bia, xóm Mó Hém (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc), xóm Sưng (xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc), xóm Ngòi (xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc), xóm Tiện (xã Thung Nai, huyện Cao Phong)…

Ở các điểm du lịch mới này, du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động như xem văn nghệ của các đội văn nghệ truyền thống trong xóm, chèo thuyền kayak, chèo bè mảng, trekking ngắm cảnh trên núi, khám phá rừng tre, hang động, thác nước tự nhiên, đi xe đạp, xe máy khám phá thiên nhiên, tham quan các lồng bè nuôi cá, khám phá cuộc sống hằng ngày của bà con các dân tộc Mường, Dao Tiền…

Cùng với không khí mát mẻ của núi rừng, của hồ, khung cảnh hoang sơ xanh mướt mát của đảo, trải nghiệm cuộc sống bình yên dân dã của người dân ở đây, chắc chắn du khách sẽ có những ấn tượng đặc biệt về vùng lòng hồ sông Đà.

                    TheoNhandan

Các tin khác


Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục