(HBĐT) - Cách TP Hòa Bình khoảng 40 km theo tuyến đường Hòa Bình - Hòa Lạc, không gian rộng rãi, thoáng mát, sạch đẹp, đặc biệt là bản sắc văn hóa các dân tộc được tái hiện vẹn nguyên, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một điểm du xuân khá phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp hiện nay.




Du khách trải nghiệm hoạt động "Ném còn ngày xuân" tại làng Mường.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) nằm trên hành trình du lịch nghỉ dưỡng của một chuỗi các khu du lịch nổi tiếng như: Thác Đa, suối Ngọc Vua Bà, rừng quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Ao Vua, Đá Chông… và ấp mình dưới chân núi Ba Vì huyền thoại"; với địa hình bán sơn địa, có đồi núi, thung lũng, bao quanh là mặt nước hồ Đồng Mô thơ mộng.

Làng có tổng diện tích 1.544 ha, gồm 7 phân khu chức năng: Khu quản lý điều hành văn phòng, khu dịch vụ du lịch tổng hợp, khu trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, khu công viên bến thuyền, khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, khu di sản văn hóa thế giới, trong đó, khu các làng dân tộc được coi là linh hồn, trái tim của dự án.

Để vào thăm Làng Văn hóa - Du lịch, du khách mua vé ở cổng vào với giá vé 5.000 đồng/trẻ em, 15.000 đồng/người cao tuổi và 30.000 đồng/người trưởng thành, ở độ tuổi lao động. Vì khuôn viên của làng rộng lớn nên du khách nên mua vé xe điện 40.000 đồng/người để có thể thưởng lãm hết những khu vực, cảnh đẹp nơi đây.

Mỗi tháng, Làng Văn hóa - Du lịch tổ chức các hoạt động theo chủ đề khác nhau, tháng 3 này, chủ đề được triển khai mang tên "Mùa xuân nho nhỏ”, nhằm giới thiệu các hoạt động thiết thực, ý nghĩa trong tháng Thanh niên với tình yêu biển, đảo quê hương tại "Ngôi nhà chung”. Cùng với đó là các lễ hội và hoạt động dân ca, dân vũ mang hương sắc mùa xuân,  góp phần thu hút du khách, kết nối quảng bá du lịch văn hóa địa phương, vùng miền. Tạo môi trường, điều kiện để các nhóm đoàn gặp gỡ, giao lưu gắn với thông điệp, chủ đề "Mùa xuân nho nhỏ”, tình yêu biển, đảo của Tổ quốc; động viên tinh thần đồng bào khắc phục khó khăn, đoàn kết chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Trong những ngày này, ở đây sẽ diễn ra các hoạt động với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer). Hiện, 12 địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày, trong đó có tỉnh Hòa Bình với hoạt động tại làng Mường.

Làng Mường nằm ở vị trí nổi bật, ngay bên tay trái cổng vào khu các làng dân tộc - nơi được coi là linh hồn, trái tim của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Những nếp nhà sàn Mường truyền thống nằm trên sườn đồi thoai thoải nhìn xuống khu vực đồi chè yên bình và nên thơ. Xuân này, đến với làng Mường, du khách được chơi ném còn, đi cà kheo, trải nghiệm các nhạc cụ dân tộc Mường… Vì vị trí "đắc địa” và những trò chơi thú vị đó mà làng Mường luôn thu hút đông đảo du khách ghé thăm, trải nghiệm. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, cả không gian văn hóa Mường như được tái hiện với dàn chiêng cổ, cò ke, ống sáo; những bức ảnh về xứ Mường Hòa Bình của nghệ nhân Bùi Thanh Bình; khu vực bàn thờ trang trọng giữa nhà thành kính thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; cửa voóng nhìn xuống đồi chè; bếp lửa giữa nhà với thịt treo gác bếp… Không gian đặc sánh "chất Mường” khiến du khách có cảm giác như đang đứng trong một ngôi nhà sàn của người Mường, giữa một bản Mường cổ nào đó của Hòa Bình.

Bên trong làng Mường là làng Thái, những nghệ nhân đang ở tại làng Thái là người Thái Mộc Châu (Sơn La), hòa quyện trong dòng chảy văn hóa Thái vẫn có thể thấy thấp thoáng văn hóa Thái Mai Châu (Hòa Bình) trong phong cách thiết kế nhà sàn, trong "ếp khẩu” xôi tím dẻo thơm, trong món thịt nướng thơm mùi mắc khén. Và nhất là trong sự khéo léo, niềm nở, thân tình của bà con người dân Thái ở đâu cũng vậy.

Ngoài những làng dân tộc quen thuộc của Hòa Bình, đến với không gian văn hóa mang đậm bản sắc các dân tộc thiểu số và rộng lớn này, du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm về nhà ở, ẩm thực, trò chơi dân gian… của 54 dân tộc trên cả nước. Đây thực sự là một chuyến du lịch, trải nghiệm hấp dẫn, bổ ích, thú vị và hợp lý trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp hiện nay.

Dương Liễu

Các tin khác


Trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên vùng lòng hồ Mai Châu

Bên cạnh thế mạnh du lịch cộng đồng, huyện Mai Châu đang tập trung khai thác tiềm năng phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã vùng lòng hồ, chủ yếu thuộc địa bàn xã Sơn Thuỷ. Từ đó mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời hình thành chuỗi dịch vụ lưu trú đa dạng, phong phú trên khu du lịch hồ Hòa Bình.

Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe lên ngôi

Dịp 30/4 và 1/5 với 5 ngày nghỉ lên tiếp là thời gian lý tưởng để các gia đình chọn những điểm đến thư giãn, tìm về chốn an nhiên. Nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, địa hình miền núi với vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, các khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hút khách dịp này.

Những điểm vui chơi, khám phá tại TP Hồ Chí Minh trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 này, nếu gia đình không đi du lịch xa thì những nơi như Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bến Bạch Đằng… sẽ là những điểm đến thú vị.

Kiểm tra các dự án phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc

Ngày 23/4, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển du lịch hồ Hòa Bình thành khu du lịch quốc gia, do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phát triển du lịch tại huyện Đà Bắc.

Ấn tượng du lịch thành phố bên sông Đà

Không chỉ được biết đến là miền đất có thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hoá đặc trưng, TP Hòa Bình còn có ẩm thực độc đáo với những món ăn ngon, lạ miệng, hương vị rượu cần nổi tiếng. Điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và con người đã tạo nên tiềm năng du lịch phong phú, hấp dẫn cho điểm đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục