Du lịch đã mở cửa trở lại, nhưng tuyển dụng lại và đào tạo mới nhân lực đang là bài toán cân đối về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sau 2 năm bị hao tổn vì dịch.


Hướng đến tuyển sinh viên sắp tốt nghiệp

Dù chính sách mở cửa du lịch đã được công bố hơn tuần nay nhưng ông Nguyễn Xuân Quỳnh, CEO nhà hàng bếp Việt, nguyên Chủ tịch Vietnam F&B Managers Association (Hội Những nhà quản lý ẩm thực Việt Nam) vẫn chưa tái khởi động nhà hàng đóng cửa gần năm nay. Cả tuần cũng chỉ có 1-2 cuộc gọi hỏi về dịch vụ ẩm thực nên tính ra khởi động lại không mang lại hiệu quả trong kinh doanh.

"Trong Hội chuyên ngành của chúng tôi có hơn 100 thành viên những vẫn chỉ có vài thành viên mới mở lại. Còn lại vẫn đóng cửa chờ khách. Với 1 tuần mà chỉ có 1 – 2 đoàn khách mà mở ra thì chắc chắn lỗ nên tôi dự tính khoảng tháng 8 mới đầu tư lại. Các thành viên trong hội cũng ngồi lại bàn thảo với nhau nhưng thời điểm này không ai dám đầu tư vì liên quan đến nhiều chi phí, trong đó có nguồn nhân lực. Như nhà hàng của tôi toàn bộ nhân viên cũ đã nghỉ, thậm chí bếp trưởng cũng đã chuyển sang làm việc khác. Do đó, đầu tư lại gần như bắt đầu từ con số 0”, ông Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ.

Chú thích ảnh

Hướng dẫn thực tế kỹ năng nghề tại trường Trung cấp du lịch Hà Nội. Ảnh: XM.

Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, trước khi xảy ra dịch, tổng số cơ sở lưu trú đón khách Việt Nam khoảng hơn 30.000. Hiện nay, trao đổi với nhiều địa phương, số lượng cơ sở lưu trú mới mở khoảng 50%, một vài địa phương có đông khách thì đạt khoảng 70% và còn lại vẫn trong tình trạng đóng cửa. Số mở cửa lại công suất hoạt động nhìn chung vẫn còn thấp, chỉ khoảng 5-15%. Thời gian vừa qua, lực lượng lao động tại các cơ sở lưu trú có tỷ lệ nghỉ việc tương đối cao, có thời điểm lên đến 80%. Khi mở cửa trở lại, số lượng lao động quay lại làm việc nhưng hiệu suất thấp dẫn tới tình trạng vẫn phải làm việc luân phiên, đổi ca…

"Việc tuyển dụng nhân lực khó khăn vì thu nhập chưa được hấp dẫn. Do công suất sử dụng buồng phòng thấp nên hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa cao nên nhiều chủ khách sạn cân nhắc tuyển dụng với việc đón đầu thị trường khách thời gian tới”, bà Lê Mai Khanh nhận định.

Cũng với quan điểm trên, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc công ty Santa (đơn vị vận hành nền tảng tuyển dụng nhân lực hoteljob.vn) cho biết: Nhu cầu tuyển dụng thời gian gần đây chững lại, không nhiều như dịp Tết. Một phần do khách chững lại do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Dù vậy, xét về dài hạn, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn vẫn sẽ tăng. Tuy nhiên, có một thực tế những người trước kia đã làm lĩnh vực này không quay trở lại nên nguồn tuyển sẽ chủ yếu là sinh viên mới tốt nghiệp. Các khách sạn, nhà hàng sẽ nghiêng theo phương án vừa tuyển vừa đào tạo theo tình hình thực tế.

Không đến mức "căng thẳng” như khối khách sạn – nhà hàng, khối lữ hành cũng đang chiêu mộ lại "người cũ” kết hợp tuyển người mới. Ông Nguyễn Ngọc Bích, Tổng Giám đốc Mekong Rustic, đơn vị chuyên đón khách châu Âu đến vùng đồng bằng Sông Cửu Long cho biết đầu tuần này vừa phỏng vấn tuyển nhân sự một số vị trí để tái khởi động lại đón khách.

"Trước đơn vị có 16 seller (bán hàng), khi dịch chúng tôi chỉ giữ lại bộ khung. Giờ chiêu mộ lại thì nhiều người chuyển sang mảng bất động sản, bán bảo hiểm đang làm có thu nhập ổn định nên họ không muốn trở lại nghề cũ. Do đó, chúng tôi tính đến phương án tuyển mới để trong tháng tới để giới thiệu sản phẩm”, ông Nguyễn Ngọc Bích chia sẻ.

Tương tự, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel cho biết: "Hiện tôi tuyển lại nhân sự mới được 75% như trước kia. Đa phần, nhân sự cũ đã rời du lịch mà làm ổn định ở lĩnh vực khác thì giờ không muốn quay lại vì yếu tố bấp bênh vẫn còn. Do đó, tôi cũng tính đến phương án tuyển mới sinh viên sắp ra trường để đào tạo vì phải vài tháng nữa du lịch mới thực sự khởi động".

Trong khoảng tháng nay, các doanh nghiệp du lịch cũng đến đặt hàng tuyển dụng sinh viên còn chưa tốt nghiệp. Ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng trường trung cấp du lịch Hà Nội cho biết: Hiện các học viên năm cuối đều được các doanh nghiệp liên hệ với trường để tuyển dụng. Không chỉ vậy, trường cũng liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm đào tạo cho đối tượng thất nghiệp muốn quay trở lại thị trường lao động, kết hợp gắn với đào tạo tại doanh nghiệp.

Kéo dài chính sách hỗ trợ đào tạo

"Với mục tiêu đón 5 triệu lươt khách quốc tế trong năm nay, bằng 1/4 so với lượng khách năm 2019 và 60 triệu lượt khách nội địa thì nhìn chung lực lượng lao động trong ngành du lịch vốn đã thiếu và yếu nay lại càng thiếu hơn. Thực tế chất lượng dịch vụ du lịch dịp cao điểm Tết vừa qua có nhiều rất nhiều vấn đề, nhiều lời phàn nàn của khách cho thấy nhân lực làm dịch vụ đang có vấn đề. Do đó, việc đào tạo mới kết hợp với đào tạo lại sớm triển khai. Về khối lữ hành, nhân lực sẽ chưa căng thẳng bởi bộ khung giữ lại vẫn đủ đáp ứng khi lượng khách chưa tăng. Tuy nhiên, thiếu nhất là khối dịch vụ nhà hàng, khách sạn bởi đây là lực lượng ảnh hưởng chất lượng dịch vụ”, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban truyền thông Hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Flamingo Redtour cho biết.

Chú thích ảnh

Khảo sát thực tế cơ sở lưu trú tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: NVCC.

Là ngành dịch vụ tổng hợp nên chất lượng nhân lực có vai trò lớn đến chất lượng sản phẩm du lịch. Do đó, việc đào tạo nhân lực là một khâu quan trọng. Bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, từ phía Nhà nước cùng cần có chế độ hỗ trợ các doanh nghiệp về tài chính. "Hiện tại, Nghị quyết 68 có hiệu lực từ 7/2021 có chương trình đào tạo lại nhưng từ thời điểm đó cho đến nay, hoạt động du lịch mới từng bước khôi phục trở lại dẫn tới công tác đào tạo nâng cao nhân lực để được hưởng chính sách này chưa diễn ra. Tuy nhiên, tới tháng 6/2022 chính sách này sẽ kết thúc. Mặc dù đã có một vài khách sạn đã triển khai chính sách này, nhưng về cơ bản vẫn còn nhiều khách sạn vẫn chưa thực hiện được. Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cân nhắc kéo dài thêm hiệu lực của chính sách để có thêm kinh phí hỗ trợ cho người lao động trong ngành được đào tạo lại theo xu hướng nhu cầu mới của khách", bà Khanh đề xuất.

Còn bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: "Thị trường lao động của ngành du lịch sẽ tăng sau khi mở cửa. Theo cập nhật từ Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, chương trình này mới chỉ giải ngân được khoảng 5,44 tỷ cho một số tỉnh như Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa,... Trong lĩnh vực du lịch chỉ có một doanh nghiệp là khách sạn Mường Thanh đã làm việc với Tổng cục Du lịch để thực hiện chương trình này. Do đó, ngành du lịch cần sớm đẩy mạnh chương trình này vì sẽ kết thúc vào tháng 6/2022. Ngành du lịch sớm có kế hoạch đào tạo mới kết hợp tổ chức đào tạo lại cho lực lượng lao động cũ”.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phần lớn doanh nghiệp du lịch hoạt động cầm chừng hoặc đã đóng cửa, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhân sự rời bỏ ngành du lịch. Bên cạnh việc phát triển sản phẩm du lịch mới, bảo trì bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất thì việc tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch cần được chú trọng.

Để đáp ứng nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn mở cửa lại, trước mắt, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ đề xuất Chính phủ và đề nghị các địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm quay trở lại ngành để đáp ứng nhu cầu sau khi mở cửa, đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh du lịch chủ động rà soát, tuyển dụng và bồi dưỡng nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ừng yêu cầu thị trường. "Về dài hạn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục có chính sách phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đủ về quy mô, cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch”, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định.

                                                                        Theo báo Tin tức

Các tin khác


Xây dựng thí điểm 6 mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn tại Hà Nội

Từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

Mở cửa du lịch, rộng cánh cửa phục hồi kinh tế

Những vị khách quốc tế đầu tiên trên chuyến bay SQ192 của Hãng hàng không Singapore Airlines từ Singapore đã đặt chân an toàn tại sân bay quốc tế Nội Bài ngày 15/3 - ngày đầu tiên Việt Nam mở cửa du lịch sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Mở cửa du lịch an toàn trong điều kiện bình thường mới

Sau hai năm chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, từ ngày 15/3, hoạt động du lịch tại nước ta chính thức được mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới. Ðể hoạt động du lịch đạt kết quả vững chắc, tránh tình trạng "mở ra" rồi lại "đóng vào", chính quyền các địa phương cùng các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kịch bản, quy trình đón khách, cũng như cơ sở hạ tầng, nhân lực, chất lượng sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Mở cửa du lịch - Hành trình tất yếu

Cùng với sự chuyển đổi từ chính sách "Zero COVID” trong cộng đồng sang chính sách sống chung an toàn với dịch, việc mở cửa cho du lịch và khôi phục ngành du lịch là yêu cầu tất yếu và cấp bách, bởi đây chính là một động lực lớn cho tăng trưởng toàn cầu, qua đó vực dậy nền kinh tế thế giới.

Cơ hội cho du lịch, hàng không bứt phá

Bắt đầu từ hôm nay 15/3, nước ta mở cửa đón khách quốc tế. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định, thời gian đầu lượng khách chưa thể tăng nhanh do có "độ trễ" nhất định, song trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đã mở cửa, đây sẽ là điểm mấu chốt và là cơ hội vàng cho ngành du lịch, hàng không sớm phục hồi, khi các biện pháp phòng, chống dịch dần được nới lỏng.

Tạo “luồng xanh” cho du lịch “cất cánh”

Thời điểm mở cửa hoàn toàn du lịch trong nước và quốc tế đã cận kề, nhưng đến nay, nhiều người làm du lịch vẫn băn khoăn khi còn không ít nội dung liên quan thủ tục, quy trình đón khách chưa được thống nhất, đặc biệt là về chính sách visa và những quy định xuất nhập cảnh, cách ly y tế. Vì thế để việc mở cửa du lịch thật sự hiệu quả, an toàn, linh hoạt, Việt Nam cần gỡ bỏ một cách hợp lý những rào cản làm du khách e ngại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục