Chiều 9/10, tại Hải Phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ba tỉnh Gia Lai, Đắc Lắk, Kon Tum phối hợp với Sở Du lịch Hải Phòng tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch với chủ đề: "Một chuyến đi, nhiều điểm đến".


Các đại biểu ký kết chương trình liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắk, Kon Tum và TP Hải Phòng. 

Hội nghị là hoạt động thiết thực thúc đẩy hợp tác phát triển liên vùng, từng bước đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đây cũng là cơ hội quảng bá, giới thiệu du lịch ba tỉnh Tây Nguyên tới nhân dân thành phố Hải Phòng; giới thiệu du lịch Hải Phòng tới các doanh nghiệp du lịch khu vực Tây Nguyên, gia tăng kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố.

Đại diện lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ba tỉnh Tây Nguyên, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết, niềm tự hào cho Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum nói riêng là "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, các địa phương còn có các sản phẩm du lịch nổi bật, đặc trưng khác.

Để thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách mời gọi, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Các địa phương đã hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các dự án du lịch có quy mô lớn về vốn đầu tư, đồng thời tăng cường tham gia các hoạt động kết nối, hợp tác với các địa phương trong cả nước.

Ông Nguyễn Đức Hoàng mong muốn, sau hội nghị này, ba tỉnh Tây Nguyên và thành phố Hải Phòng sẽ có những chương trình, dự án hợp tác kinh doanh, đầu tư du lịch phát triển cả về chất lượng và số lượng.

Ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng giới thiệu những tiềm năng, lợi thế, kinh nghiệm nổi bật trong phát triển du lịch của thành phố. Đối với việc kết nối du lịch với ba tỉnh Tây Nguyên, Hải Phòng có nhiều lợi thế tiếp cận Di sản Văn hóa phi vật thể Không gian cồng chiêng Tây Nguyên thông qua đường bay Hải Phòng - Buôn Ma Thuột và nhiều đường bay tới các tỉnh, thành phố lớn trong nước.

Ông Vũ Huy Thưởng đề nghị Sở Du lịch Hải Phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ba địa phương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, tăng cường phối hợp quảng bá, giới thiệu điểm đến. Doanh nghiệp du lịch các địa phương nghiên cứu xây dựng sản phẩm, phát triển thị trường trên cơ sở khai thác lợi thế, tiềm năng khác biệt của mỗi tỉnh, thành phố. Cùng với đó, các đơn vị liên quan quảng bá, đưa các điểm đến du lịch của bốn địa phương vào chương trình tour giới thiệu, bán cho du khách. Các cơ quan báo chí đồng hành, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về điểm đến, sản phẩm du lịch nhiều hơn nữa trong thời gian tới, góp phần đưa ngành Du lịch của bốn tỉnh, thành phố tăng tốc phát triển hiệu quả và bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện ba tỉnh Gia Lai, Đắc Lắk, Kon Tum giới thiệu các tour du lịch nổi bật khi đến các tỉnh này. Các đại biểu đại diện doanh nghiệp bốn tỉnh, thành phố nêu một số kinh nghiệm để phát triển du lịch bốn địa phương như tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mở đường bay thẳng từ Hải Phòng đến ba địa phương.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Du lịch Hải Phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ba tỉnh Tây Nguyên ký kết chương trình liên kết phát triển du lịch nhằm tăng cường sự liên kết hợp tác góp phần khai thác, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch của ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đến thị trường Hải Phòng và ngược lại cùng một số nội dung khác.

Theo TTXVN

Các tin khác


Huyện Cao Phong đa dạng các sản phẩm du lịch vùng lòng hồ

Bên cạnh loại hình du lịch cộng đồng, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện Cao Phong là Thung Nai, Bình Thanh có nhiều tiềm năng về địa lý, tự nhiên và môi trường phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Nơi đây còn có điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh, nhất là vào dịp đầu năm.

Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Điểm đến hấp dẫn

Cách Hà Nội khoảng 150km Khu du lịch quốc gia Mộc Châu vừa là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, vừa là cầu nối du lịch thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh vùng Tây Bắc, được đánh giá là một trong những khu du lịch quốc gia quan trọng nhất trên hành lang du lịch "Qua miền Tây Bắc” trên tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 6.

Đẩy nhanh tiến độ khu du lịch Robinson - cần hỗ trợ từ cơ quan chức năng

Thời gian qua, dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson được cho là chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thay đổi về quy mô dự án. Để dự án sớm đưa vào hoạt động rất cần sự vào cuộc hỗ trợ từ các cấp chính quyền cũng như sự tích cực hơn nữa của chủ đầu tư.

Xây dựng các điểm đến thu hút du khách trên vùng hồ Đà Bắc

Nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Hoà Bình, các xã vùng lòng hồ thuộc huyện vùng cao Đà Bắc giàu tiềm năng phát triển du lịch, điểm nhấn là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Du lịch Hòa Bình đón 195.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 (từ ngày 27/4 - 1/5), du lịch tỉnh Hòa Bình đón 195.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm và khám phá. So với cùng kỳ năm trước, lượng khách đến tăng 14,7%, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, tăng 33,3%; 175.000 lượt khách nội địa, tăng 6,1%.

Khởi sắc du lịch Hòa Bình

Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2023 có mức tăng trưởng tốt cho thấy sự phục hồi tích cực, tạo đà để du lịch Hòa Bình khởi sắc. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định, du lịch của tỉnh đang phát triển thuận lợi, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục