Hồ Hoà Bình có diện tích mặt nước khoảng 9.000 ha, dung tích 9,45 tỷ m3, trải dài trên 200 km từ Hoà Bình tới Sơn La. Con sông Đà hung dữ xưa kia nay trở thành hồ nhân tạo lớn, hiền hoà và là khu du lịch (KDL) hấp dẫn. Tương lai không xa, khi đáp ứng đủ 5/5 điều kiện KDL quốc gia, KDL hồ Hoà Bình sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, 1 trong 12 KDL trọng tâm của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là tìm hiểu, trải nghiệm văn hoá gắn với hệ sinh thái lòng hồ Hoà Bình.


Cảnh quan thiên nhiên "sơn thuỷ hữu tình" trên khu du lịch hồ Hoà Bình.

Vẻ đẹp quyến rũ của "Vịnh Hạ Long” trên núi

Với diện tích 52.200 ha trải dài qua các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, Cao Phong, Mai Châu và TP Hoà Bình, hồ Hoà Bình được ví như "Vịnh Hạ Long” trên núi với vẻ đẹp kết tạo bởi cảnh quan sơn thuỷ hữu tình, thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ và điểm nhấn là những dãy núi trùng điệp, hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, nhấp nhô giữa làn nước trong xanh…

Khu vực lòng hồ còn có hệ thống hang động với vô vàn khối nhũ đá mang dáng vẻ khác nhau và sắc màu huyền ảo. Đặc biệt hơn, trên hồ có những vịnh nước nhỏ, trong xanh suốt bốn mùa với hai bên bờ là những cánh rừng bạt ngàn cùng hệ động, thực vật phong phú xen lẫn những bản của người Mường, người Dao còn nguyên bản sắc. Tất cả tạo nên bức tranh tuyệt mỹ mang vẻ đẹp hoang sơ, yên bình giữa vùng sông nước mênh mang… Đây chính là những điều kiện thu hút các nhà đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch.

Trên KDL còn có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh nổi tiếng, như: đền bà Chúa Thác Bờ, động Thác Bờ, động Hoa Tiên, đảo Ngọc, đảo Dừa cùng những bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số mang nét văn hoá bản địa đặc sắc.

Cuốn hút các chương trình khám phá, trải nghiệm

Từ bến cảng Thung Nai (Cao Phong), du khách lên tàu với khoảng 90 phút di chuyển đến điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ) Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc), bước vào hành trình trải nghiệm, khám phá văn hoá dân tộc Mường. Điểm đến này là nơi người Mường Ao Tá sinh sống cạnh hồ Hoà Bình. Bạn có thể thử sức leo núi Đá Bia để chiêm ngưỡng hồ Hoà Bình từ trên đỉnh núi; nghe bà con dân bản kể về nguồn gốc của người Mường Ao Tá, trang phục truyền thống và câu chuyện xây dựng thuỷ điện đã tác động như nào tới cuộc sống nơi đây. Bạn cũng nhớ ghé thăm quán tự giác để hiểu thêm về nét đẹp văn hoá của người Mường và tham gia hoạt động chèo thuyền kayak, bơi lội, giao lưu văn nghệ và trải nghiệm nghỉ tối trên nhà sàn Mường.

Với lịch trình 2 ngày 1 đêm, du khách có thể chọn chương trình du lịch kết nối từ TP Hoà Bình - Cao Phong - Đà Bắc - Mai Châu. Sau khi thăm Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, bảo tàng, đài tưởng niệm và Tượng đài Bác Hồ tại TP Hoà Bình, du khách đến bến cảng Bích Hạ và lên tàu thăm đền Thác Bờ, động Thác Bờ nổi tiếng. Tiếp đó có thể ở điểm du lịch Đảo Dừa (Đà Bắc) hoặc chọn ăn tối, lưu trú tại khu nghỉ dưỡng Mai Châu Hideaway (Mai Châu). Bơi thuyền, ngắm cảnh, chèo bè mảng thư giãn trên hồ sông Đà hoặc đi thăm lồng nuôi cá của người dân địa phương sẽ là những trải nghiệm vô cùng thú vị ở ngày thứ 2 của chương trình.

Hiện nay, có hàng chục chương trình du lịch phong phú, hấp dẫn được xây dựng cho KDL hồ Hoà Bình đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá của du khách trong nước, quốc tế. Bên cạnh các chương trình du lịch ngắn ngày là chương trình du lịch dài ngày với hành trình khám phá DLCĐ các điểm xóm Mỗ - xã Bình Thanh, xóm Tiện – xã Thung Nai (Cao Phong); xóm Ngòi – xã Suối Hoa (Tân Lạc); xóm Đá Bia, Mó Hém – xã Tiền Phong, xóm Ké – xã Hiền Lương, xóm Sưng – xã Cao Sơn (Đà Bắc); trải nghiệm các điểm đến nghỉ dưỡng, sinh thái lý tưởng bên hồ, như: Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort (Mai Châu); Maida Lodge, Mơ Village, Xoan Retreat, Vayang Retreat, Hiền Lương Eco (Đà Bắc)…

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, các loại hình du lịch, đặc biệt là DLCĐ có bước phát triển. Trên KDL đã thu hút một số tập đoàn lớn, doanh nghiệp đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm vui chơi giải trí chất lượng cao. Mỗi điểm đến trên KDL đều có nét riêng, mang đậm bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc. Du khách có thể chèo thuyền trên hồ, thoải mái bơi lội giữa làn nước trong xanh, nghỉ dưỡng ở các điểm du lịch sinh thái hay tại nhà sàn dân tộc, thưởng thức rượu cần, ẩm thực của người Mường, hoặc đi bộ qua các khu rừng nguyên sinh và mỗi tối lại được hoà mình vào vũ điệu sôi động của nhưng chàng trai, cô gái Mường, Dao thân thiện, mến khách.

Bùi Minh

Các tin khác


Du lịch miền Bắc tìm cách phục hồi sau bão lũ

Cơn bão số 3 gây thiệt hại lớn tới nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội của các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có ngành du lịch. Đến nay, cơ bản các điểm du lịch ở phía Bắc đã đón khách trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn cân nhắc tổ chức các đoàn du lịch đến các tỉnh miền núi phía Bắc do yếu tố an toàn.

Xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh

Ba xã vùng cao Quyết Chiến, Ngổ Luông, Vân Sơn, huyện Tân Lạc có độ cao từ 800 - 1.000m so với mực nước biển. Là khu vực có tỷ lệ che phủ rừng cao, hệ thống rừng tự nhiên với các loài động, thực vật phong phú, khí hậu mát mẻ, ôn hòa về mùa hè; nhiều danh lam thắng cảnh, hang động đẹp được xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Hiện nơi đây còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Đồng thời, có hàng hóa nông sản khá phong phú với đồi quýt cổ Nam Sơn, thung lũng rau su su Quyết Chiến, tỏi tía Bắc Sơn, rau củ quả trái vụ Quyết Chiến, thảo dược, rau rừng, chè tuyết, gà lợn giống bản địa Ngổ Luông, rượu Hượp Lũng Vân... tạo sức hút riêng đối với du khách.

Khảo sát lựa chọn xây dựng sản phẩm, tour du lịch mới, đặc trưng vùng hồ huyện Đà Bắc

Trong 2 ngày (27 - 28/9), Sở VH-TT&DL phối hợp với Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát lựa chọn xây dựng các sản phẩm, tour du lịch mới, đặc trưng vùng hồ tại huyện Đà Bắc. Tham gia đoàn khảo sát có các chuyên gia nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch, Câu lạc bộ Lữ hành Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp, công ty lữ hành và đơn vị kinh doanh du lịch trong nước, quốc tế, các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh.    

Cát Bà, Đồ Sơn sẵn sàng đón khách du lịch

Sự vào cuộc của chính quyền địa phương và nỗ lực của doanh nghiệp đã góp phần khôi phục cơ bản hoạt động du lịch tại Cát Bà, Đồ Sơn.

Khắc phục tính mùa vụ, phát triển du lịch khu vực Bắc Trung Bộ

Nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của khu vực Bắc Trung Bộ phong phú, đa dạng nhưng hệ thống sản phẩm du lịch chưa độc đáo, đặc sắc và chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, khí hậu... là thách thức lớn để địa phương phát triển du lịch quanh năm.

Hấp dẫn du lịch cộng đồng của đồng bào Thái Mai Châu

Được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp, khí hậu trong lành cùng bản sắc văn hoá độc đáo, du lịch cộng đồng (DLCĐ) huyện Mai Châu là điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Nơi đây có đông đồng bào Thái sinh sống với tỷ lệ chiếm trên 60% tổng dân số toàn huyện. Cộng đồng người Thái cũng có công đặt nền móng phát triển du lịch trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục