Được tổ chức vào khoảng 30/11 âm lịch ngay sau khi công việc mùa màng kết thúc, Tết cổ truyền dân tộc Mông còn kéo dài cho đến ngày cuối cùng của tháng Chạp. Dịp này, điểm đến du lịch cộng đồng (DLCĐ) 2 xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) thu hút đông du khách đến trải nghiệm, khám phá phong tục đón Tết độc đáo.


Du khách tìm hiểu nghề truyền thống của gia đình người Mông xóm Pà Cò 1, xã Pà Cò (Mai Châu) trong dịp Tết cổ truyền.


Trai, gái người Mông và du khách cùng chơi ném pao trong Lễ hội Gầu Tào.

Cùng các gia đình người Mông bày trí, trang hoàng nhà cửa, làm cỗ, giã bánh dày vào chiều 30 Tết và khoảnh khắc rộn rã đêm giao thừa là những trải nghiệm khó quên đối với những du khách lưu trú tại A Páo Homestay. Anh Phàng A Páo, chủ nhà nghỉ cộng đồng A Páo Homestay cho biết: Tết cổ truyền năm nay, DLCĐ 2 xã đón nhiều đoàn khách đến lưu trú. Ngoài ra, hầu hết nhà dân đều chuẩn bị chăn, gối, đệm đón khách có nhu cầu nghỉ lại. Không khí Tết vì thế thêm nhộn nhịp, vui tươi.

Theo quan niệm của người Mông, Tết truyền thống là thời điểm linh thiêng để tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu, con người bình an, khỏe mạnh. Sau lễ cúng thần linh, gia tiên vào sáng mồng 1 Tết, mọi người hân hoan sửa soạn, diện những bộ trang phục đẹp để đi chúc Tết nhà nhau. Bữa cơm ngày đầu năm mới đầy đủ rượu, thịt và không thể thiếu món bánh dày truyền thống.

Chị Vương Phương Giang, du khách từ Thủ đô Hà Nội chia sẻ: 5 năm qua, tôi đã có nhiều lần đến 2 xã Hang Kia, Pà Cò du lịch và năm nay trải nghiệm đón giao thừa cùng bà con vùng cao. Cảm nhận của tôi về phong tục Tết Mông có nhiều điều thú vị và đồng bào nơi đây vô cùng mến khách. Thông qua nghi lễ, phong tục giúp tôi hiểu hơn về giá trị văn hóa, tín ngưỡng và tình cảm gia đình người Mông.

Ở xóm Pà Cò 1 có một homestay đậm chất Mông rất được lòng du khách quốc tế và khách yêu thích tìm hiểu văn hóa bản địa, đó là Homestay A Dê. Du khách thường lưu trú cả tuần tại homestay trải nghiệm ở nhà gỗ, nền đất, nấu ăn bằng bếp củi. Bà Yehudit (du khách Isarel) chia sẻ: Tôi rất thích không khí Tết cổ truyền dân tộc Mông. Thời tiết ở đây khá lạnh nhưng cảnh vật mùa xuân hoa đào, hoa mận nở rất đẹp, bà con ai cũng mặc trang phục truyền thống rực rỡ. Đây là dịp tốt để chúng tôi có những trải nghiệm phong phú, đầy đủ về văn hóa bản địa.

Trong không gian lưu trú cộng đồng Mông, du khách được tự do trải nghiệm ăn Tết tại nhà dân, thăm, chúc Tết các gia đình hay thăm các nhóm nghề dệt thổ cẩm truyền thống, khám phá phiên chợ đêm giao lưu văn hóa dân tộc Mông xã Pà Cò vào các tối thứ 7. Tết Mông cũng là dịp để các đôi trai gái tìm hiểu nhau. Trong các ngày Tết, nam thanh, nữ tú chuẩn bị những bộ trang phục đẹp nhất, đeo các đồ trang sức bằng bạc, tổ chức thành từng tốp chơi ném pao, đánh tu lu…  Du khách cũng rất thích thú khi hòa vào hoạt động trải nghiệm này.

Đón Tết cổ truyền, người Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò đồng thời mở hội Gầu Tào với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, như: giao lưu văn nghệ và trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình; hội thi giã bánh dày, trò chơi dân gian… Thông qua Tết Mông và chương trình lễ hội truyền thống đặc sắc, Hang Ka, Pà Cò trở thành điểm đến văn hoá, du lịch có sức hút đặc biệt. Du khách trong nước và nhiều đoàn khách nước ngoài hào hứng khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, giá trị văn hóa truyền thống và tận hưởng không khí đón Tết vùng cao trong tiết trời lạnh giá, ngắm biển mây, tắm suối nước nóng Bò Ấm, thưởng thức hương vị ẩm thực của đồng bào Mông được chế biến công phu với đặc sản rượu ngô, rượu táo mèo, thịt lợn treo gác bếp, gà đen, lợn bản và các loại rau quả tươi ngon.


Bùi Minh

Các tin khác


Trải nghiệm hấp dẫn tại Ora Hill Farmstay & Glamping Hòa Bình

Gần trung tâm thành phố Hòa Bình với 20 phút chạy xe, điểm đến trải nghiệm mới hấp dẫn Ora Hill Farmstay & Glamping Hòa Bình tọa lạc tại xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong). Nông trại kết hợp nghỉ dưỡng thích hợp cho những ai muốn tìm lại sự cân bằng và niềm vui, tận hưởng không gian sống bình yên, hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên khoáng đạt.

Sức hút du lịch Hòa Bình

Tổng lượt khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá tăng nhanh; doanh thu từ hoạt động du lịch vượt trội so với chỉ tiêu; nhiều điểm đến mới, hấp dẫn được đưa vào khai thác; tiềm năng, lợi thế tài nguyên tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư... đó là những dấu ấn nổi bật trong năm 2024 của du lịch Hòa Bình.

Sức hút du lịch Mường Bi

Mường Bi - Tân Lạc được biết đến là 1 trong 4 vùng Mường nổi tiếng "Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”. Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, cảnh quan, Tân Lạc có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Thời gian gần đây, với sự quan tâm của các cấp, ngành, du lịch trên địa bàn đã có bước tiến mới.

Khai thác tiềm năng du lịch các đảo nhỏ ở Tây Nam Tổ quốc

Kiên Giang là tỉnh ven biển nằm ở cực Tây Nam Tổ quốc, có bờ biển dài hơn 200km, trên 143 hòn đảo lớn nhỏ với nhiều bãi tắm đẹp thu hút hàng triệu lượt khách tham quan du lịch mỗi năm.

Nhìn lại năm 2024: Khởi sắc ngành Du lịch Việt Nam

Năm 2024, ngành Du lịch được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Khai thác lợi thế phát triển các mô hình du lịch tiềm năng ở Hòa Bình

Với vị trí chiến lược quan trọng cùng mạng lưới giao thông tương đối thuận lợi, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đa dạng, Hòa Bình đang là một trong những vùng đất đáng đến trên hành trình khám phá du lịch miền Tây Bắc. Trong tỉnh có nhiều điểm đến giàu sức hút, như: Suối khoáng Kim Bôi (Kim Bôi); Quần thể hang động núi Đầu Rồng (Cao Phong); thung lũng Mai Châu (Mai Châu); Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (TP Hòa Bình)…



Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục