(HBĐT) - Cảnh báo cháy, nổ tại các khu chung cư và cơ sở kinh doanh đặc thù (HBĐT) - Thời gian gần đây, trên toàn quốc và tại tỉnh ta liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại khu chung cư và cơ sở kinh doanh đặc thù. Sức nóng từ các vụ hỏa hoạn đang làm “nóng” dư luận và là hồi chuông cảnh báo với mọi người dân.

 

Liên tiếp xảy ra vụ việc  

Khu chung cư và các cơ sở kinh doanh có điều kiện như quán karaoke, trung tâm thương mại, nhà nghỉ có đặc thù là nơi tập trung đông người, nhiều công trình hỗn hợp, chứa nhiều vật liệu dễ cháy. Quán karaoke, tường cách âm là mút, xốp, lắp đặt hệ thống âm thanh, ánh sáng công suất cao dễ quá tải nguồn điện. Thực tế đã xảy ra những vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản.

 

 

Cán bộ phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) kiểm tra công tác PCCC tại Công ty CPTM Định Nhuận, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình).

Mới đây, vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chiều 1/11 đã thiêu 4 căn nhà cao tầng, nhiều xe máy, ôtô bị hư hỏng. Đặc biệt có 13 người tử vong, trong đó có 1 cán bộ của tỉnh ta. Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 23 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke.

 

Tại tỉnh ta đã xảy ra những vụ cháy tại các cơ sở đặc thù. Trong 10 ngày cuối tháng 10 liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy tại khu chung cư thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình). Khi đó, gia chủ đều đi vắng, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp phải cắt khóa để triển khai phương án chữa cháy. Cụ thể, ngày 21/10, cháy căn hộ tại khu nhà A23, tổ 22 thiêu rụi gần như toàn bộ tài sản trong nhà. Một số căn hộ xung quanh cũng bị ảnh hưởng bởi khói đen. Hàng xóm hoảng loạn, chỉ kịp vơ những giấy tờ quan trọng rồi tháo chạy. Ngày 31/10, cháy căn hộ số 518 tại tòa nhà ở xã hội Dạ Hợp thuộc tổ 5. Ngọn lửa đã nhuộm đen gần như toàn bộ căn hộ, thiêu rụi bình nóng lạnh, làm hư hỏng một số đồ dùng trong phòng tắm.

 

Hòa Bình đã từng xảy ra các vụ cháy tại quán karaoke, nhà nghỉ, khách sạn. Ví dụ vụ cháy quán karaoke Cây Sấu tại tổ 3B, phường Hữu Nghị ngày 7/12/2014. Khi đó, quán tồn chứa nhiều chất cháy như gỗ, nhựa, vải, xốp... Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm toàn bộ tum tầng 2 và phần trần giả tầng 1, sinh ra một lượng khói, nhiệt lớn thiêu rụi 2 ti vi, 1 bộ điều hòa, bộ loa cùng một số vật dụng khác.

 

Còn đó những sơ hở, thiếu sót

 

Nguyên nhân của vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy - Hà Nội bước đầu xác định do thiếu thận trọng khi hàn biển quảng cáo. Cơ sở này chưa có biên bản nghiệm thu về PCCC, chưa có giấy phép kinh doanh.

 

Vụ cháy quán karaoke Cây Sấu tại TP Hòa Bình cũng được cơ quan chức năng của tỉnh xác định do bất cẩn khi hàn mái che. Vụ cháy tại chung cư Dạ Hợp ban đầu xác định do cháy bình nóng lạnh. Khi xảy ra cháy, hệ thống báo động không hoạt động, nhiều người ở tầng trên, dưới không biết vụ việc cho đến khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến. 

 

Phân tích các vụ cháy, nguyên nhân chính đều do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Trong 11 tháng (từ ngày 16/11/2015 - 10/10/2016), toàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy, thiệt hại 2, 5 tỉ đồng, làm 3 người chết, 23 người bị thương. Theo đánh giá của phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CN,CH), Công an tỉnh, tình hình cháy, nổ tiếp tục diễn biến phức tạp. Sự chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đúng mức cho công tác PCCC là vấn đề đáng lưu tâm.

 

Do nguy cơ cháy, nổ cao nên các cơ sở đặc thù theo quy định phải đảm bảo các yêu cầu về PCCC. Tuy nhiên, nhiều nhà, công trình xây dựng chưa qua thẩm duyệt PCCC. Có tình trạng lách luật khi đầu tư xây dựng, trang bị lắp đặt hệ thống PCCC. Khi thực hiện xong thủ tục PCCC thì cơi nới, cải tạo chuyển đổi mục đích kinh doanh. Quá trình hoạt động chưa chú trọng duy trì các biện pháp đảm bảo an toàn. Trong khi đó, việc xử phạt vi phạm đôi khi lại chịu sự tác động từ nhiều phía.

 

Cuối năm 2015, Phòng đã phối hợp kiểm tra chuyên đề tại các điểm tập trung đông người. Qua kiểm tra 65 cơ sở, phát hiện, kiến nghị 126 thiếu sót về PCCC. Đối với quán karaoke, việc chấp hành các nội quy, quy định về PCCC nhìn chung chưa nghiêm túc. Không có cơ sở nào xin giấy phép xây dựng ban đầu đúng mục đích mà đều chuyển, cải tạo từ nhà ở hoặc chỉ tích hợp trong tổng thể công trình. Hầu hết quán karaoke chưa được thẩm duyệt PCCC, chỉ có 1 lối thoát nạn và không đảm bảo chiều rộng, cao. Các điều kiện về ngăn cháy, chống cháy lan không đúng quy định: không có tường, vách ngăn cháy. Kết cấu quán kín nhưng không có giải pháp chống tụ khói. Biển quảng cáo kín mặt tiền. Thiết bị PCCC chưa đầy đủ hoặc chất lượng không đảm bảo…

 

Không chủ quan, lơ là với “giặc lửa”

 

Sau vụ cháy tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), tất các quán karaoke trên địa bàn tạm đình chỉ hoạt động để kiểm tra PCCC. Công an đã khởi tố vụ án. Song, nỗi đau, thiệt hại quá lớn để lại lời cảnh tỉnh với tất cả mọi người. Ngay sau vụ cháy, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tăng cường công tác PCCC; Bộ Công an yêu cầu toàn lực lượng PCCC cả nước rà soát các cơ sở kinh doanh tập trung đông người, đặc biệt cơ sở karaoke, vũ trường có nguy cơ cháy cao, kiên quyết xử lý vi phạm.

 

Từ một đốm lửa nhỏ có thể bùng phát hủy hoại tính mạng, tài sản lớn, vì vậy không thể chủ quan, lơ là với “giặc lửa”. Sau kiểm tra chuyên đề tại các cơ sở tập trung đông người, Phòng Cảnh sát PCCC &CN,CH (Công an tỉnh) đã có công văn cảnh báo, hướng dẫn, kiến nghị khắc phục các thiếu sót. 11 tháng qua, Phòng đã kiểm tra 427 cơ sở có nhiều nguy hiểm về cháy, nổ, kiến nghị 1.348 thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC, phòng nổ. Phòng sẽ phối hợp kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC. Đẩy mạnh tuyên truyền để các chủ công trình, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao duy trì các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC như: lập hồ sơ quản lý an toàn; củng cố, bổ sung và thực tập phương án chữa cháy; trang bị đầy đủ và duy trì hoạt hoạt động của thiết bị, hệ thống PCCC; tăng cường tự kiểm tra, giám sát nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất cháy… Mỗi người dân cần nâng cao ý thức PCCC, tìm hiểu các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy.

 

Thực tế, các vụ cháy gây thiệt hại lớn về người chủ yếu do điều kiện thoát nạn, kỹ năng thoát nạn chưa đảm bảo. Vì vậy, phòng Cảnh sát PCCC &CHCN (Công an tỉnh) khuyến cáo khi xảy ra cháy mỗi người nên áp dụng các biện pháp sau:

- Phải bình tĩnh để xử lý các tình huống. 

- Ngạt thở vì khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao hơn, nhanh hơn bị bỏng, cháy. Khói độc tỏa ra từ mút, xốp khiến nạn nhân ngất xỉu trong vài chục giây và tử vong trong vòng 2 phút. Do đó, hãy di tản nhanh ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt. Đóng các cửa trên đường lan truyền để giới hạn sự lan tràn của lửa, khói. 

- Cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Để chống nhiễm khói, lấy khăn thấm nước che kín miệng, mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Khi muốn thoát ra khỏi đám lửa, dùng chăn mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh ra ngoài để tránh bị cháy quần áo gây bỏng. 

- Không sử dụng thang máy, chỉ sử dụng cầu thang bộ để thoát nạn. Vì khi vừa xảy ra cháy thang vẫn còn điện để hoạt động nhưng khi phát hiện có cháy, điện sẽ bị cắt để phục vụ công tác chữa cháy nên có thể bị kẹt bên trong. 

- Khi sinh sống, làm việc, sinh hoạt trong tòa nhà phải để ý các đường, lối, sơ đồ thoát nạn. Khi thoát ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi và kiểm tra xem còn người bị kẹt trong đám cháy để có biện pháp cứu người. 

- Khi bị kẹt trong đám cháy, khói tràn vào từ các cửa và hành lang, phải nằm xuống sàn nhà cách nơi khói càng xa càng tốt, dùng khăn thấm nước che mặt, đóng hết các cửa lớn, cửa sổ lại để cô lập đám cháy. Nếu có  khói, lửa đang lan đến gần, phải dùng vải, quần áo chèn vào các khe hở, sử dụng bình chữa cháy cố gắng khống chế đám cháy. 

- Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang phải dùng mọi cách làm cho nhân viên cứu hỏa nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét. 

- Nếu thấy an toàn để thoát ra và có một cửa lớn đang đóng, phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì đè sát người vào cửa, mở từ từ, nhanh chóng thoát ra ngoài và đóng lại, không được khóa. Trên đường thoát nạn tìm cách báo động cho mọi người cùng biết. 

- Khi bị lửa làm cháy quần áo, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không được nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động. 

 

- Kịp thời báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ. 

                                                                       

                                                                                   

                                                                          Cẩm Lệ

 

Các tin khác


Dịch vụ công trực tuyến - bước đột phá trong hiện đại hoá nền hành chính công

(HBĐT) - Theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước, dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan Nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Việc triển khai, áp dụng dịch vụ công trực tuyến giúp cơ quan Nhà nước giảm tải áp lực công việc, giảm nhân lực, quá trình giải quyết công việc nhanh, thuận tiện, khoa học hơn, công tác quản lý, điều hành đạt hiệu quả cao hơn. Đối với công dân, doanh nghiệp, thay vì phải đến tận nơi có thể nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên mạng điện tử, qua đó giảm thời gian, chi phí đi lại. ở tỉnh ta, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã và đang được đầu tư thực hiện.

Vai trò của hoạt động khoa học và công nghệ với sự phát triển KT-XH bền vững

Nguyễn Văn Dũng  Phó chủ tịch UBND tỉnh

(HBĐT) - Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Chương trình hành động số 17 ngày 31/1/2013 về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW đánh dấu một bước quan trọng trong việc đưa khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu CNH-HĐH của tỉnh. Theo đó, các cấp, các ngành đã xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ và có hệ thống các chương trình, kế hoạch để đổi mới hoạt động khoa học công nghệ trên các lĩnh vực: phát triển nông nghiệp, nông thôn; khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa;

Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản - cần sự phối hợp chặt chẽ và sâu sát

(HBĐT) - Vừa bảo vệ được nguồn tài nguyên khoáng sản, vừa chống thất thu ngân sách… công việc đòi hỏi sự trăn trở lớn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã dốc sức thực hiện hơn 2 năm qua, tuy nhiên, kết quả chưa được như mong muốn. Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn là chặng đường hết sức gian nan.

1,5 tỷ trẻ em đang hít thở bầu không khí ô nhiễm nặng

Gần 1/7 trẻ em trên toàn cầu thở không khí ngoài trời bẩn gấp 6 lần so với tiêu chuẩn quốc tế cho phép. Trong đó, ô nhiễm không khí là yếu tố hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Đây là thông tin do Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố ngày 31-10. Tương lai bị đe dọa

Miền Bắc nắng mạnh trước khi trở lạnh

Cuối tuần này miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh với cường độ mạnh, nhiệt độ Hà Nội và vùng đồng bằng giảm 8-10 độ C.

Giữ “lá phổi xanh” ở xã Nam Sơn

(HBĐT) - Xã Nam Sơn (Tân Lạc) là địa bàn giáp ranh với huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Xã có tổng diện tích rừng 1.140 ha, trong đó, một phần diện tích rừng nguyên sinh của khu bảo tồn Ngọc Sơn - Ngổ Luông. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã chung tay bảo vệ diện tích rừng, trong rừng giữ được nhiều loại gỗ quý hiếm như: đinh, nghiến, trai, chò chỉ... hàng trăm năm tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục