Khu tái định cư xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) đã đón gần 70 hộ dân ổn định cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Lê Minh Hưng cho biết: Dù là địa bàn thành phố nhưng xã có địa hình cheo leo, nhiều suối ngang phức tạp, chia cắt, là trọng điểm nguy cơ cao trượt sạt, lở đất, lũ ống, lũ quét. Khu TĐC xã Hòa Bình được xây dựng từ năm 2017, cơ bản hoàn thành vào năm 2018, hiện đã đón khoảng 70 hộ dân nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng, nguy cơ trượt sạt khi thi công đường 433 và các điểm trượt sạt nguy hiểm trên địa bàn. Người dân đã làm nhà và dọn đến ở, hiện cuộc sống cơ bản ổn định. Không còn nỗi lo ám ảnh bị đất, đá vùi lấp vào mùa mưa. Khu vực xóm Máy 1 còn 2 hộ dân nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao. Xã đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để bố trí vào khu TĐC để bảo đảm an toàn.
Xã Nánh Nghê (Đà Bắc) địa hình cheo leo, chia cắt, đã xảy ra trượt sạt lớn, Nhà nước đã xây dựng khu TĐC Bưa Cốc, bảo đảm cuộc sống ổn định cho mấy chục hộ dân. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 70 hộ ở khu vực nguy cơ cao đất, đá sạt lở tại các xóm Duốc, Cơi, Bưa Xen. Chính quyền xã mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ bố trí TĐC, hỗ trợ sản xuất để ổn định cuộc sống cho các hộ dân.
Theo Quyết định số 1932/QĐ-UBND, ngày 13/12/2012 về việc rà soát quy hoạch bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020, tổng số hộ cần bố trí ổn định là 12.062 hộ, chia theo các đối tượng: thiên tai 8.462 hộ, đặc biệt khó khăn 2.619 hộ, di cư tự do 692 hộ, khu rừng đặc dụng 289 hộ. Hình thức bố trị tập trung 325 hộ, xen ghép 5.409 hộ, ổn định tại chỗ 6.326 hộ. Tổng vốn số vốn thực hiện quy hoạch 641 tỷ đồng.
UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện 13 dự án TĐC để bố trí TĐC cho 481 hộ dân vùng thiên tai. Cụ thể: huyện Đà Bắc 5 khu bố trí cho 183 hộ; huyện Tân Lạc 1 khu bố trí cho 45 hộ; huyện Kim Bôi 3 khu bố trí cho 85 hộ; TP Hòa Bình 3 khu bố trí cho 138 hộ; huyện Mai Châu 1 khu bố trí cho 30 hộ. Tổng kinh phí 236 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã triển khai một số dự án khu TĐC cấp bách để bảo đảm an toàn cho người dân. Hiện, các dự án đã hoàn thành, các địa phương đã di chuyển 481/481 hộ (đạt 100%) vùng thiên tai đến các khu TĐC ổn định cuộc sống lâu dài.
Đối với các dự án di dân xen ghép được T.Ư hỗ trợ để xây dựng nhà ở, hạ tầng thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai từ năm 2016-2018, Sở NN& PTNT đã phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố rà soát phân bổ kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho 381 hộ vùng bị ảnh hưởng thiên tai, được UBND tỉnh phân bổ tại Quyết định số 1333/QĐ-UBND, ngày 27/6/2019, với tổng kinh phí hỗ trợ 31,434 tỷ đồng.
Theo đánh giá của ngành chức năng và các địa phương: Các hộ di chuyển đến khu TĐC mới được đầu tư đầy đủ, đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu như mặt bằng khu TĐC, điện, nước, đường giao thông, trường lớp học, đảm bảo điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ. Mặt khác, các hộ dân còn được hỗ trợ, đào tạo, dạy nghề, phát triển sản xuất, tăng thu nhập,đời sống từng bước được cải thiện, con em được đi học đầy đủ, không phải lo lắng về nguy cơ thiên tai như các năm trước. Thực hiện tốt công tác bố trí, ổn định dân cư các vùng thiên tai, vùng khó khăn đã làm giảm tình trạng di cư tự do, phá rừng đốt nương làm rẫy...
Tuy nhiên, nguồn kinh phí hỗ trợ thấp nên đời sống của các hộ dân sau khi di chuyển còn khó khăn. Nguồn vốn T.Ư hỗ trợ hạn chế, chủ yếu để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, không có vốn để đền bù giải phóng mặt bằng khu TĐC cũng như đất sản xuất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai.
Theo kế hoạch, năm 2020, tỉnh bố trí TĐC cho 881 hộ vùng thiên tai và di dân tự do đến các khu TĐC để ổn định cuộc sống, cụ thể: huyện Yên Thủy cần bố trí cho 175 hộ; huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình) 90 hộ; huyện Tân Lạc 75 hộ; huyện Lạc Sơn 37 hộ; huyện Mai Châu 124 hộ; huyện Kim Bôi 22 hộ; huyện Cao Phong 33 hộ; huyện Lạc Thủy 60 hộ; huyện Đà Bắc 142 hộ; di dân xen ghép trên địa bàn tỉnh 100 hộ; di dân tự do trên địa bàn xóm Táu Nà, xã Cun Pheo (Mai Châu) 23 hộ.
Để thực hiện mục tiêu đời sống dân cư sau khi được bố trí ổn định phải đảm bảo được đầy đủ, đồng bộ các cơ sở hạ tầng thiết yếu, phù hợp với chương trình xây dựng NTM gắn với các điều kiện phát triển sản xuất lâu dài, bền vững, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành T.Ư báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm từ 150 - 200 tỷ đồng để địa phương chủ động trong việc thực hiện di dân đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch dự án được duyệt.
Lê Chung