(HBĐT) - Công tác quản lý không chặt chẽ là lý do khiến công trình nước sạch ở xã Quy Mỹ (Tân Lạc) sớm rơi vào cảnh “đắp chiếu” trong gần 2 năm, kể từ khi vận hành. Không được hưởng lợi như sự kỳ vọng, bà con ở xã phải sử dụng nguồn nước tự dẫn từ các mó trong núi. ở một số xóm, bà con phải sử dụng cả nước từ đập thủy lợi...
Nắp bể chứa của công trình nước sạch được xây dựng tại xóm ào, xã Quy Mỹ (Tân Lạc) phủ kín cỏ, cây nằm “đắp chiếu”.
Quy Mỹ là xã vùng 2 của huyện Tân Lạc với 5 KDC, trên 4.000 nhân khẩu. Theo đồng chí Bùi Văn Cành, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 1994, xã được đầu tư công trình nước sạch tự chảy từ nguồn vốn của UNICEF. Đến năm 2004, công trình này được nâng cấp với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Các hạng mục nâng cấp gồm: xây dựng đường dây điện, bể chứa nước, nhà điều hành, lắp đặt trạm bơm nước lên bể nén và hoàn thiện đường ống dẫn nước đến các KDC. Việc vận hành, duy tu, bảo dưỡng do tổ hợp tác điện nước xã Quy Mỹ (khi đó) chịu trách nhiệm. Các hộ đăng ký lấy nước từ công trình có trách nhiệm đóng tiền nước hàng tháng.
Với nguồn nước dồi dào, bể chứa và các hạng mục được xây dựng đảm bảo nên sau khi công trình đi vào hoạt động, bà con ở 4/5 xóm của xã Quy Mỹ (trừ xóm Nước) không còn nỗi lo thiếu nước. Tuy nhiên: “Sau khoảng 2 năm vận hành, máy bơm nước bị cháy. Khi đó, tổ hợp tác đã đưa đi sửa chữa nhưng không được, muốn khắc phục phải đưa xuống Hà Nội nhưng chi phí lớn nên họ không đủ khả năng. Từ đó, công trình dừng hoạt động đến giờ”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mỹ chia sẻ.
Công trình nước sạch được xây dựng tại xóm ào, từ nguồn nước của Hang Đắng. Từ xóm ào vào Hang Đắng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh chằng chịt các ti ô dẫn nước về xóm. Nhiều đoạn ti ô bị vỡ do trâu, bò giẫm lên. Dấu tích của công trình nước sạch tiền tỉ đang “đắp chiếu” vẫn còn đó với đường dây điện đứt đoạn, “tàng hình” trong các tán lá rừng. ở trong Hang Đắng, đường ống bằng kẽm dẫn nước từ trạm bơm lên bể nén mất một đoạn chừng 3 m, đã xuất hiện những vết han gỉ.
Cách đó chừng 10m là nhà điều hành được xây dựng khá kiên cố. Tuy nhiên, sau thời gian “đắp chiếu”, phần vì thời gian bào mòn, phần nhiều vì con người phá nên quạt điện, đồng hồ đo nước… đều đã hư hỏng. Bể nén với dung tích hàng chục m3 nước, nay được phủ một lớp rêu xanh, cỏ, cây mọc kín nắp bể. Nước trong Hang Đắng vẫn chảy rì rào, mát lành như ngày nào, chỉ có điều, công trình nước sạch đã “chết yểu”, chẳng thể dẫn nước về thỏa mãn “cơn khát” của bà con.
Cùng với xóm Bùi, xóm U gặp nhiều khó khăn nhất về vấn đề nước dùng cho sinh hoạt. Gia đình chị Bùi Thị Giang là một trong những hộ phải sử dụng nguồn nước từ đập U Tà về. “Mùa này nước còn trong hơn một chút, mùa mưa lúc nào cũng đục. Chưa kể, trâu, bò thả lên rừng thường xuyên xuống đằm ở đập nên rất mất vệ sinh. Dù vậy, khi công trình nước sạch bị hỏng, chúng tôi không biết lấy nước ở đâu mà sử dụng ngoài nguồn nước từ đập này”, chị Giang bày tỏ.
ông Bùi Văn Nhất, Trưởng xóm U cho biết: “Xóm U có 87 hộ, trong đó có hơn 40 hộ phải sử nguồn nước từ đập U Tà. Vào mùa khô, những hộ kéo nước từ các mó ở trong chân núi về cũng khan hiếm nước, phải sử dụng tằn tiện. Thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe mà còn tạo ra rào cản đối với các hộ muốn phát triển chăn nuôi. Chúng tôi mong muốn được các cấp quan tâm, tu sửa lại công trình nước sạch ở Hang Đắng”.
Trao đổi về thực trạng trên, đồng chí Bùi Văn Cành, Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận, trách nhiệm chính thuộc về UBND xã Quy Mỹ. Dù công trình đã được giao cho tổ hợp tác điện nước của xã quản lý nhưng chưa ban hành quy chế mang tính ràng buộc về trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Xã đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên nhưng nhận được câu trả lời “Đây là dự án được đầu tư rồi nên xã phải tự khắc phục”. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mỹ cho biết: Để cải tạo lại công trình này, phải thay máy bơm, bổ sung, sửa chữa lại đường ống (hiện đường ống còn lại khoảng 30%) và đường dây điện.
Viết Đào
(HBĐT) - Được đưa vào sử dụng năm 2004, ngầm Điếm nối liền khu dân cư thôn Cóc Lẫm với trung tâm xã Kim Truy (Kim Bôi) đáp ứng nhu cầu đi lại và hoạt động sản xuất - kinh doanh của hơn 300 hộ dân với 1.700 nhân khẩu. Sau hơn 12 năm sử dụng, ngầm Điếm hiện đã xuống cấp cần được nâng cấp, sửa chữa.
(HBĐT) -Ở xóm Khao, xã Tân Mỹ, hộ gia đình nào cũng xây dựng công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, làm hố chôn lấp rác thải, có hệ thống chuồng trại chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm, mọi người cùng ý thức giữ gìn môi trường. Từ xóm điển hình, đến nay, phong trào đã nhân rộng trên phạm vi toàn xã, đưa Tân Mỹ trở thành điểm sáng công tác vệ sinh môi trường của huyện Lạc Sơn.
(HBĐT) - Năm 2016, Trạm KN-KL huyện Yên Thuỷ đã tổ chức được 115 lớp tập huấn chuyển giao KH-KT về trồng trọt, chăn nuôi cho 3.450 lượt người; thực hiện 84 buổi tập huấn mô hình dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa tại 12 xã, thị trấn cho 660 lượt người tham dự. Cấp phát 200 quyển bản tin khuyến nông, 150 tờ rơi và 4.600 quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.
(HBĐT) - Ngày 21/12, Sở TN&MT tổ chức hội nghị tập huấn triển khai các văn bản quy pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2016. Tham dự hội nghị tập huấn có lãnh đạo Sở TN&MT; đại diện các phòng chuyên môn thuộc Sở TN&MT, cán bộ phụ trách công tác tài nguyên môi trường các huyện, thành phố, xã phường trên địa bàn tỉnh.
“Núi bị hụt chân thì phải ngã đổ thôi”, một người dân sống mấy chục năm ở thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, TP Nha Trang nói như vậy về việc núi Đá Hang liên tục bị đục khoét núi lấy đá những năm gần đây.
(HBĐT) - Nhận thức về bảo vệ môi trường của cán bộ và nhân dân thành phố Hòa Bình đã chuyển biến rõ nét thông qua các hành động thiết thực và cụ thể. Đó là việc thực hiện các quy định, quy chế quản lý đô thị, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng con đường, khu phố, xóm làng sạch đẹp, bảo đảm cảnh quan đô thị, khu phố văn minh.