Thời gian qua, khái niệm và các nội dung về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã trở thành chủ đề "nóng” được Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội quan tâm. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC, Chủ tịch Nhóm công tác Kinh tế số thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), khẳng định CMCN 4.0 sẽ có mức độ lan tỏa rất lớn tại Việt Nam, nhưng đi kèm đó là những thách thức không hề nhỏ. Nếu không chuẩn bị kịp thời và đầy đủ, Việt Nam sẽ bị chậm chân và tụt hậu.
* Phóng viên: Trong xu thế hiện nay, CMCN 4.0 ở Việt Nam đã và đang diễn ra như thế nào? Đâu là lĩnh vực đầu tiên sẽ chịu tác động và diễn ra CMCN 4.0, thưa ông?
* Ông Nguyễn Trung Chính: CMCN 4.0 được hình thành trên nền tảng của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới... với 5 đặc trưng cơ bản, đó là kết nối số mọi lúc mọi nơi (IoT); trí tuệ máy với việc robot tạo ra robot, tạo ra lực lượng cạnh tranh và thay thế con người ở mọi cấp độ; thay đổi nguyên lý sản xuất, tự động hóa; tốc độ cao và phạm vi tác động bao trùm toàn diện. CMCN 4.0 hiện đã tác động đến mọi mặt, như: điện thoại thông minh - truyền thông truyền hình, mạng xã hội kho tri thức, tự động hóa - nhà máy xí nghiệp, AI hành vi con người. Về cơ bản CMCN 4.0 đem lại sự tiến bộ và nhiều lợi ích cho xã hội (điều mà các cuộc CMCN trước đây cũng vậy), bên cạnh đó cũng sẽ tác động đến một nhóm bị ảnh hưởng. Việt Nam nếu không kịp nhận thức và chuyển dịch đúng thì có nguy cơ rơi vào nhóm nước bị ảnh hưởng. Chắc chắn rằng, các ngành sử dụng lao động chân tay và đơn giản ở Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa như dệt may và da giày. Tuy vậy, mặt tích cực về cơ bản vẫn lớn hơn tiêu cực.
* Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị tác động ra sao? Các doanh nghiệp Việt sẽ phải hành động như thế nào để đón nhận và phát triển thành công khi CMCN 4.0 diễn ra?
* Tất cả khối doanh nghiệp cũng như Chính phủ, dù muốn hay không cũng sẽ chịu tác động của CMCN 4.0. Nếu không thay đổi sẽ bị chậm chân, tụt hậu. Nền kinh tế số cũng mở ra những cơ hội to lớn, nếu ai có ý tưởng sáng tạo thì khả năng hiện thực hóa trở nên đơn giản hơn, khả năng tiếp cận thị trường dễ dàng và rộng lớn hơn trước đây rất nhiều. Vì vây, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh chóng chuyển dịch và đón nhận cơ hội từ kinh tế số. Nếu các hãng taxi cũng áp dụng công nghệ để tối ưu hóa chi phí vận chuyển và giảm giá thành thì sẽ tránh được nguy cơ cạnh tranh từ Uber và Grab hiện nay, thay vì ngồi chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Với lĩnh vực đã có bước phát triển lớn về công nghệ như ngân hàng, giao thông vận tải, thông tin - truyền thông… cũng cần bắt kịp xu hướng, bởi nếu không có sự thay đổi nhanh chóng sẽ bị đối thủ tiêu diệt. Công ty nào sở hữu càng nhiều tài nguyên về lĩnh vực đó thì càng có lợi thế cạnh tranh. Như vậy, tất cả các công ty công nghệ truyền thống phải tìm những cách thức khác nhau để tiếp cận và thay đổi. Ngay với lĩnh vực truyền hình tại Việt Nam cũng cần có sự thay đổi kịp thời vì nếu bảo thủ theo phương thức cũ, chỉ sống bằng doanh thu quảng cáo, sẽ bị đá văng ra khỏi cuộc cạnh tranh. Nên nhớ ngay tại Việt Nam hiện nay, Google đã chiếm khoảng 60% doanh thu của quảng cáo, truyền hình cũng bị mất "miếng bánh” lớn…
* Tư duy quản lý nhà nước, sự vận hành của nền kinh tế Việt Nam sẽ có những thay đổi gì khi CMCN 4.0 bùng nổ?
* Cần chuyển đổi mạnh mẽ sang Chính phủ kiến tạo, vận hành nền kinh tế theo kinh tế thị trường đầy đủ, tự do, bình đẳng. Nhà nước không nên can thiệp hành chính vào thị trường mà tập trung khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia và trở thành thành phần kinh tế quan trọng nhất, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước. Khi kinh tế tư nhân tăng được tỷ lệ đóng góp từ 40% lên 60% - 70% GDP sẽ tạo điều kiện để kinh tế đất nước bùng nổ! CMCN 4.0 không thể làm theo phong trào, nếu là các chương trình tiêu tiền ngân sách không hiệu quả cần ngăn chặn sớm. Thậm chí các tỉnh, bộ, ngành đua nhau làm CMCN 4.0 mà không hiểu rõ về cuộc cách mạng này sẽ sinh ra lãng phí. Bản thân các cơ quan nhà nước cũng phải đổi mới và tiếp cận với CMCN 4.0 nhanh nhất có thể. Bởi nếu không sẽ trở thành lạc hậu, không theo kịp trong vấn đề quản lý, điều hành. Ví dụ, đối với hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) của Bộ Tài chính, khi một trong những nhà cung cấp giải pháp công nghệ như SAP chuyển dịch sang cung cấp phương thức dịch vụ mới trên nền Cloud, không theo như truyền thống trước đây, nếu Bộ Tài chính không nhanh chóng chuyển đổi thì không ai đảm bảo hệ thống này hoạt động được hiệu quả trong 2 - 3 năm tới.
* Liệu nguồn nhân lực có đủ đáp ứng cho CMCN 4.0 phát triển và thành công ở Việt Nam, thưa ông?
* Nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay thiếu và yếu. Trong CMCN 4.0, lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) được coi là nền tảng để phát triển. Thế nhưng, Việt Nam luôn nằm ở nguy cơ thiếu hụt lớn về nhân lực CNTT. Báo cáo của Vietnamworks cho biết, nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm 2016. Dự báo, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT và đến năm 2020 dự báo thiếu khoảng 500.000 nhân lực CNTT. Một vấn đề khác là chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, bởi sau khi tiếp nhận các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại 1 năm mới sử dụng được. Để giải quyết bài toán này, cần thực sự coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu khuyến khích tư nhân tham gia mạnh hơn (hiện Nhà nước chiếm 85%), cần giảm tỷ lệ này xuống bằng cách tăng tỷ lệ từ tư nhân lên 60% - 70% theo chuẩn giới. Áp dụng ngay các thành tựu của hệ thống giáo dục tiên tiến của thế giới như các nước Anh, Mỹ. Đào tạo công dân toàn cầu với tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông ngoài tiếng quốc ngữ.
* Hiện nhiều ý kiến cho rằng, CMCN 4.0 sẽ làm nhiều người mất việc làm. Theo ông, điều này đúng không?
* Một cuộc cách mạng sẽ đem lại lợi ích lớn hơn nhiều so với quá khứ. Có những cái mới thay thế cái cũ, có những đối tượng bị ảnh hưởng, nhưng nhìn nhận chung thì đó sẽ là lợi ích lớn cho toàn xã hội. Máy móc sẽ thay thế con người, con người được giải phóng khỏi những công việc tay chân. Có những đối tượng nhất định có thể mất việc nhưng họ sẽ phải thích ứng. Ví dụ người nông dân ở quê có thể nuôi con cá, trồng rau, làm nghề truyền thống… vốn là những ngành nghề đã gắn bó với họ nhiều đời nay. Họ có thể làm những dịch vụ cá thể hóa, truyền thống như làm đồ thủ công (handmade), kết nối toàn cầu với người tiêu dùng có nhu cầu. Kinh nghiệm thực tế ở Nhật Bản cho thấy, khi cuộc CMCN 4.0 bùng nổ thì có những dịch vụ truyền thống handmade tưởng như đã chết lại tái sinh, đem lại cơ hội việc làm, thu nhập cho nhiều người. CMCN 4.0 là cách mạng của tri thức và việc đầu tiên là phải có tri thức, giáo dục. Mặc dù công nghệ, máy móc đã tiên tiến nhưng cuối cùng vai trò của con người vẫn là quan trọng nhất, bởi chính con người phải đưa ra những quyết định chính xác, cuối cùng.