Đưa chúng tôi đi thăm vườn cam sắp độ chín, anh Trần Hoàng Khanh ở khu 4, thị trấn Cao Phong cho biết: Năm nay, tôi chăm sóc cam vẫn như mọi năm. Lượng phân bón tăng lên vì cây đã trưởng thành hơn năm ngoái, nhưng vẫn có cây bị bệnh. Tuy rải rác nhưng cũng ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng năm nay. Những cây này lá, cành yếu nên tỷ lệ giữ được quả rất kém, nhiều cây không có quả nào. Hiện tượng vàng lá xuất hiện từ cách đây vài tháng. Tôi dùng thuốc để xử lý bệnh. Một số cây đã phục hồi bằng chứng là lứa lộc vừa rồi không thấy màu vàng hoặc trắng nữa. Theo tôi nghĩ cây bị bệnh do năm nay mưa nhiều. Thấy 1-2 cây bị bệnh, theo dòng nước chảy trong vườn cây tiếp theo cũng bị. Những cây trên cao ít bị hơn.
Cũng như cam, một số vườn bưởi ở Tân Lạc và các huyện khác cũng có hiện tượng vàng lá, thối rễ. Theo khảo sát của chúng tôi, cây bưởi vốn khỏe hơn nên tỷ lệ bị bệnh ít hơn. Chủ yếu là những cây trồng ở vùng thấp. ông Nguyễn Quang Thái ở xóm 3, xã Tử Nê (Tân Lạc) cho biết: Những cây bị bệnh thường là cây yếu, điều kiện chăm sóc kém và hay bị úng nước. Tuy không bị nhiều như cam nhưng bệnh cũng ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Nhiều cây phải chặt bỏ, nhất là với những vườn cây mới trồng.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Thạch ở khu 7, thị trấn Cao Phong, năm nay hầu như vườn nào cũng bị bệnh vàng lá, thối rễ với mức độ khác nhau. Đây là bệnh phổ biến do nấm từ rễ gây ra. Vào mùa mưa, nấm phát triển mạnh làm hỏng các đầu rễ non nên cây không hút được dinh dưỡng, gây hiện tượng vàng lá. Khi đào lên, chúng ta thấy các hiện tượng thối ở đầu rễ. Việc xử lý theo nhiều cách khác nhau nhưng tập trung là bỏ rễ bị thối, dùng thuốc tưới cho rễ không bị hỏng và lây lan sang cây khác. Sau đó dùng thuốc kích thích tạo rễ mới. Nhiều người thường đào bồn xung quanh tán với mục đích chặt bớt rễ rồi tưới thuốc, sau một tuần thì tưới thuốc kích rễ để cây ra rễ mới. Khi dùng thuốc, mỗi người có công thức riêng như karoke và protinơ, carole và sonan...
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, đối với những cây mới bị bệnh cần chặt bỏ những rễ bị bệnh, dùng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như cabenzim, bendazol, ridomil gold, alite hòa nước nồng độ 0,3%, tưới 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày. Sau khi tưới thuốc lần cuối, 20 - 25 ngày tiếp tục tưới nấm đối kháng trichoderma. Những cây bị bệnh nặng, không còn khả năng hồi phục cần chặt, đào cả gốc, rắc vôi vào những gốc đã đào để hạn chế mầm bệnh phát triển và lây lan sang cây khác.
Việt Lâm
Lốc xoáy trong đêm quật gãy nhiều cây xanh và làm tốc mái hàng trăm nhà dân ở phường Thủy Dương (tỉnh Thừa Thiên Huế).