Người dân tuyệt đối không vượt ngầm tràn khi lũ về (trong ảnh nước ngập cao tại vị trí ngầm tràn xóm Bin, xã Tử Nê (Tân Lạc) trong bão số 10.
Gần đây nhất trong 2 ngày (15 - 16/9), ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10 trên địa bàn đã để lại hậu quả lớn với 3 người chết. Cụ thể, vào khoảng 22h ngày 15/9, trên tuyến QL 12C qua ngầm xóm Riệc, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn), chị Bùi Thị Tín, 29 tuổi, thường trú tại xóm Đồi, xã Văn Nghĩa cùng chồng trên đường đi làm từ Hà Nội về qua ngầm xóm Riệc đúng lúc mưa to, lũ lớn về khiến chị Tín trượt chân bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong.
Cũng trong đêm 15/9, 1 trường hợp khác là anh Xa Văn Nghìn, 30 tuổi ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum (Đà Bắc) cũng bị lũ cuốn thiệt mạng khi đi qua suối.
Tại thành phố Hòa Bình, vào khoảng 11h40’ ngày 16/9, em Nguyễn Mai Thùy, 16 tuổi, thường trú tại xóm Đằm, xã Dân Chủ trên đường đi học về đã bị lũ cuốn trôi ở khu vực cầu Sắt, ngầm Nà Cạn, xã Dân Chủ.
Đồng chí Đặng Trung Thành, Phó Chi cục PCTT&TKCN, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trăn trở: Địa hình miền núi độ dốc cao, chia cắt, vấn đề thông tin liên lạc cập nhật lũ, bão giúp người dân ở một số vùng sâu, vùng xa tiếp cận chưa được kịp thời, năng lực phòng, tránh thiên tai của một bộ phận người dân còn hạn chế. Cùng với đó là sự lơ là, không chấp hành khuyến cáo của các cấp chính quyền là nguyên nhân dẫn đến những cái chết do lũ cuốn thương tâm.
Có một thực tế là khi xảy ra mưa lũ, việc bố trí lực lượng hoặc có rào chắn cấm nhân dân đi qua các ngầm tràn, khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ở sông, suối để tránh lũ cuốn vẫn chưa sâu sát ở một số nơi, một vài thời điểm. Công tác cập nhật tình hình thiên tai còn chậm do thiên tai xảy đến bất ngờ. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ chỉ huy điều hành ở các cấp còn thô sơ và thiếu, có lúc thông tin liên lạc bị ngắt quãng. Thêm vào đó, một số vùng sâu, vùng xa bị hạn chế về thông tin liên lạc, sự cố mất điện do mưa bão, ngập lụt. Dân cư miền núi chủ yếu là dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, du canh, du cư, việc thông tin về thiên tai, mưa lũ, nhất là thời điểm họ đang đi làm nương rẫy rất khó khăn.
Cũng theo đồng chí Phó Chi cục PCTT&TKCN, những trường hợp mất mạng do vượt suối, ngầm tràn trong lũ bão đã để lại những nỗi đau, mất mát lớn. Để hạn chế thiệt hại về người, tỉnh ta đã đề xuất, kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT bố trí kinh phí đầu tư xây dựng nơi sơ tán khi có mưa bão để di dời người dân đến nơi an toàn. Lập các trạm barie kiên cố và gắn đèn tín hiệu cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí ngầm tràn. Xây dựng thêm một số trạm đo mưa tại các lưu vực sông, suối chính để cung cấp thông tin về lượng mưa phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ. Về phía các địa phương, UBND các phường, xã, thị trấn cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý đường bộ tại các huyện phân công trực 24/24h tại các điểm ngầm tràn. Thống kê lập danh sách các ngầm tràn, vị trí xung yếu thường xảy ra lũ ống, lũ quét. Với người dân, các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao năng lực tự phòng tránh thiên tai, bảo vệ tính mạng.
Bùi Minh