Đường bộ từ UBND xã Trung Thành (Đà Bắc) đến xóm
Sổ bị sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ gây ra. Mọi công tác cứu trở đều phải di
chuyển bằng đường rừng và đường thủy.
Theo thống kê, xã có 2 người chết là ông Hà Văn Tó (SN 1944) và vợ là bà Lường Thị Tóm (SN 1945); 40 nhà cửa bị ảnh hưởng, 16 hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cần phải di dời; có 24 điểm sạt lở ở tuyến đường liên xã, nội thôn, đường vào khu sản xuất, duy nhất đường từ UBND xã đến xóm Sổ bị tê liệt hoàn toàn; các trường học bị bùn đất tràn vào khuôn viên; có 2 bai dâng nước bị hư hỏng; thiệt hại gần 15 ha hoa màu, hơn 22.300 m2 ao cá;… Về xóm Hạ, chúng tôi tìm gặp ông Hà Văn Sướng, con trai của 2 nạn nhân xấu số thiệt mạng do mưa lũ gây ra, ông Sướng nhớ lại: "Ngày 11/10, như thường lệ, bố mẹ tôi chăn thả gia súc tại khu vực suối Tống và nghỉ tại lều tạm cách nhà chừng 2 km. Sáng hôm đó trời mưa rất to, trước khi xảy ra sự việc, tôi trực tiếp gọi điện hỏi thăm tình hình bố mẹ ở lều tạm ra sao thì bố mẹ nói "nước chưa dâng đến lều, các con cứ yên tâm”. Đó là lần nói chuyện cuối cùng của tôi với bố mẹ vì đến 10h sáng, nước rút bớt nên chúng tôi có thể di chuyển đến lều tạm, khi đó đất đá đã vùi lấp hoàn toàn căn lều cùng bố mẹ tôi trong đó”. Cùng với lực lượng dân quân và nhân dân trong xã, công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn nhanh chóng được xã triển khai, đến 11h cùng ngày thì tìm được thi thể đầu tiên là ông Hà Văn Tó. Lực lượng tìm kiếm nỗ lực thay nhau đào bới đất, đá đến 12h đêm mới nghỉ. Phải đến 10h sáng ngày 12/10, thi thể bà Lường Thị Tóm mới được tìm thấy.
Kết thúc công tác tìm kiếm người bị nạn, chính quyền xã nhanh chóng khắc phục hậu quả về cơ sở vật chất. Để đảm bảo giao thông đi lại, xã huy động toàn bộ lực lượng dân quân, công an xã và người dân cùng với hai máy xúc của doanh nghiệp nhanh chóng san đất, đá thông đường. Tuy nhiên, đường vào khu sản xuất Thung Phạt ở xóm Bay và Thung Khương ở xóm Búa bị sạt lở nghiêm trọng vẫn chưa thể khắc phục, chỉ có thể đi bộ chứ không di chuyển được bằng phương tiện. Nghiêm trọng hơn là đường bộ vào xóm Sổ đã bị tê liệt hoàn toàn, đường bị tàn phá nặng nề nằm ngoài khả năng khắc phục của xã. Mọi công tác cứu trợ nhu yếu phẩm cho 58 hộ dân trong xóm đều được vận chuyển bằng đường rừng. Các trường học bị bùn đất tràn vào khuôn viên ngập 20cm đã được dọn dẹp, học sinh trở lại học bình thường. Các đường ống dẫn nước bị vỡ đã được nối lại đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho người dân. Số nhà dân bị ảnh hưởng đã khắc phục cơ bản đạt 50%.
Tuy nhiên, việc di dời 16 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đồng chí Lường Văn Đương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Hiện xã mới vận động di dời được 1 hộ ông Lường Văn Nhất ở xóm Bay, 15 hộ còn lại đã được thông báo về nguy cơ sạt lở cần khẩn trương tìm đến nơi an toàn. Đa số các hộ trong diện di dời là hộ nghèo, kinh phí di dời hạn chế. Đặc biệt, địa hình chủ yếu là đồi núi, ít bưa bãi bằng nên việc tìm địa điểm thích hợp cho các hộ gặp nhiều khó khăn”. Hiện, công tác khắc phục hậu quả ở xã cơ bản được đảm bảo, người dân dần trở lại ổn định cuộc sống. Về những đề xuất trong công tác khắc phục hậu quả, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Đề nghị huyện có phương án hỗ trợ cây, con giống để bà con ổn định lại sản xuất. Cấp kinh phí tu sửa 2 bai bị hư hỏng nặng tại xóm Thượng và xóm Sổ. Đặc biệt, khôi phục tuyến đường bộ từ xóm Sổ lên UBND xã bị hư hỏng hoàn toàn, không để tình trạng người dân bị cô lập kéo dài. Với những hộ trong diện di dời, đề nghị huyện phối hợp với xã tìm phương án giải quyết tránh để tình trạng mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng người dân”.
Thanh Sơn
(HBĐT) - "Nước rút đến đâu, Trung tâm y tế (TTYT) huyện và các trạm y tế của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai công tác xử lý môi trường đến đó. Từ sự chủ động này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo môi trường sống cho người dân sau lũ”, bác sỹ Nguyễn Văn Đang, Giám đốc TTYT huyện Lạc Thuỷ cho biết.