Đồng chí Hoàng Văn Đức, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) điều hành cuộc giám sát.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT: Toàn tỉnh hiện có 1.859 công trình thủy lợi, trong đó có 506 hồ chứa; 1.084 bai, đập dâng kiên cố; 80 trạm bơm; 20 trạm thủy luân; 169 công trình tiểu thủy nông. Tưới tiêu ổn định cho trên 36 nghìn ha lúa 2 vụ, trên 10 nghìn ha cây màu và cây ăn quả. Việc quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, được UBND tỉnh phân cấp cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình quản lý 312 công trình. Cấp huyện được giao quản lý 980 công trình. Các công trình thủy lợi đều được các đơn vị quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả, việc vận hành kịp thời nhanh chóng, thuận tiện cho phục vụ sản xuất. Hàng năm, UBND tỉnh đã có các quyết định phê duyệt danh mục công trình, biện pháp tưới tiêu và kế hoạch diện tích miễn thủy lợi phí, để làm cơ sở xây dựng dự toán cấp bù kinh phí miễn thu thủy lợi phí đối với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và các huyện, thành phố.
Năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục công trình, biện pháp tưới tiêu và kế hoạch, diện tích miễn thủy lợi phí (tại Quyết định số 151, ngày 24/1/2017). Theo đó, kế hoạch diện tích phục vụ là 51.271,36 ha, kinh phí dự kiến khoảng 60 tỷ đồng. Sở Tài chính đã tạm cấp kinh phí 55,865 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện. Hiện, các đơn vị đã hoàn thành cung ứng dịch vụ tưới tiêu nước cho vụ chiêm và đang thực hiện vụ Mùa theo kế hoạch được duyệt. Tuy nhiên, so với kế hoạch và kinh phí còn thiếu năm 2015- 2016 thì tổng số kinh phí còn thiếu là 9,7 tỷ đồng.
Tại buổi giám sát các đại biểu cũng làm rõ những hạn chế, tồn tại trong công tác thủy lợi như: Hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi còn thiếu đồng bộ; Hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi còn thấp; việc thực hiện chính sách thủy lợi phí và thực hiện tiêu chí thủy lợi phí còn nhiều bất cập…
Để nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi, Sở NN&PTNT đề nghị: Cần có sự đầu tư đồng bộ từ đầu mối đến mặt ruộng . Tập trung nguồn vốn đầu tư hoàn thiện những công trình đang thi công. Tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý thủy nông cơ sở, để các công trình cấp huyện quản lý được phân cấp đến tận HTX. Xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật cho tất cả hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh. Các đơn vị thụ hưởng kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí không để chuyển nguồn kinh phí sang năm sau. UBND các huyện giao phòng NN&PTTN là đầu mối thực hiện kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí để thực hiện quản lý, khai thác, vận hành, sửa chữa công trình đối với công trình thủy lợi do cấp huyện quản lý, không giao cho BQL xây dựng cơ bản huyện thực hiện…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí trưởng đoàn đề nghị: Trong thời gian tới Sở NN&PTNT tỉnh cần tiếp tục đưa ra những giải pháp để khắc phục những hạn chế trong việc quản lý khai thác các công trình thủy lợi. Tổng rà soát lại toàn bộ công trình thủy lợi để phân cấp lại cho phù hợp, hiệu quả. Chỉ đạo hướng dẫn các huyện, thành phố giao các công trình thủy lợi cho các tổ chức có đủ điều kiện quản lý. Lập danh mục các dự án cần đầu tư sửa chữa nâng cấp, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020 và kế hoạch đầu tư công hàng năm. Với những kiến nghị của Sở NN&PTNT, Ban Kinh tế- Ngân sách sẽ tổng hợp đầy đủ để gửi tới UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan xem xét xử lý trong thời gian tới.
Thúy Hằng