Hậu quả của thiên tai còn đè nặng khi ngay ở trung tâm thành phố Hòa Bình, tại địa bàn các phường: Thái Bình, Chăm Mát, Đồng Tiến và Tân Thịnh đã xảy ra tình trạng sạt lở nguy hiểm. Nếu không kịp thời sơ tán, các hộ dân không chỉ thiệt hại về nhà, tài sản mà tính mạng cũng không đảm bảo an toàn. Những ngày sau xảy ra sự cố, với sự có mặt kịp thời, hỗ trợ khẩn trương của lực lượng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) đã di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo thống kê, có 24 hộ phường Thái Bình, 23 hộ phường Chăm Mát, 23 hộ phường Đồng Tiến, 1 hộ phường Tân Thịnh, 5 hộ xã Sủ Ngòi đã phải di dời khẩn cấp.
Tại huyện Kim Bôi, tình trạng chỗ ở của các hộ bị sạt lở đất tại 3 xã Tú Sơn, Hạ Bì và Vĩnh Đồng cũng rất nan nguy. Cụ thể, 27 hộ với 111 nhân khẩu ở 2 xóm Mớ Khoắc, Mớ Đồi của xã Hạ Bì lập tức phải thực hiện theo Lệnh di dân số 02/LDD-BCH ngày 13/10/2017 của Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh. Cho đến lúc này khi thiên tai đã qua đi 1 tháng, bà con vẫn phải đi ở nhờ nhà anh em, họ hàng. Một số hộ hiện ở tại bến xe khách của huyện. 33 hộ xóm Đúp, xóm Củ của xã Tú Sơn đang ở nhà anh em, họ hàng và ở nhà bạt dựng trên đất của hàng xóm.
Người dân xóm Nhạp, xã Đồng Chum (Đà Bắc) đang ở tạm lán trại chờ tái định cư.
Tại huyện Đà Bắc, 50 nhà dân bị sập hoàn toàn và bị lũ cuốn trôi, 325 nhà dân bị sạt lở đất vào nhà. Huyện đã phải di dời khẩn cấp 211 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm, tập trung ở các xã: Đồng Ruộng, Mường Chiềng, Đồng Nghê, Vầy Nưa, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Trung Thành… Ngoài ra còn 345 hộ dân ở nhiều xã như: Đồng Ruộng, Vầy Nưa, Yên Hòa, Suối Nánh, Tu Lý, Toàn Sơn, Đoàn Kết… cần di dời khẩn cấp do hiện tượng đồi phía trên sau nhà bị nứt, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây mất an toàn.
Theo thống kê của ngành NN & PTNT, toàn tỉnh có gần 6.000 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai. Trong số đó, nhiều hộ vì mất nhà cửa và không thể tiếp tục ở lại nơi ở cũ sẽ phải tái định cư tại nơi khác có nền địa chất an toàn và đảm bảo các điều kiện cho cuộc sống sau này. Đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sau đợt mưa lũ lịch sử, khoảng 4.000 hộ dân cần phải di chuyển ra khỏi vùng lũ quét, sạt lở. Hiện nay, qua rà soát còn phát sinh thêm một số khu vực sạt lở cũng cần phải di chuyển. Tuy nhiên, trong khi nguồn lực có hạn, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư đợt 1 đối với 9 điểm tái định cư cấp bách với 338 hộ cần được tái định cư ngay, trong đó bao gồm 200 hộ thuộc huyện Đà Bắc, 76 hộ thuộc thành phố Hòa Bình và 62 hộ thuộc huyện Kim Bôi.
Mới đây, tại buổi làm việc với các sở, ngành, thành phố Hòa Bình và các huyện: Đà Bắc, Tân Lạc, Kim Bôi để nghe báo cáo về kết quả công tác khảo sát đánh giá xác định các điểm di dân tái định cư cho các hộ dân bị thiên tai trong đợt mưa lũ tháng 10, đồng chí Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh đã nhận định: Thực tế đặt ra trong hoàn cảnh này, có hàng trăm nhà dân không thể quay về chỗ ở cũ, kể cả quay lại vùng đất canh tác, sản xuất cũng hết sức mất an toàn. Hiện rất nhiều điểm di dân tái định cư cần được giải quyết nhưng trước mắt, chúng ta tập trung cho những điểm tái định cư cấp bách, nghĩa là với những hộ dân mất nhà cửa đang phải tá túc nhà người thân, ở lán trại, lều bạt. Còn lại những hộ không mất nhà hoặc không phải di chuyển, việc hỗ trợ của tỉnh theo chủ trương lo được đến đâu hỗ trợ đến đấy. Với khoảng 1.000 hộ đang ở xen ghép sẽ thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hỗ trợ 20 triệu đồng cho hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn di chuyển nội vùng dự án (trong tỉnh) bao gồm hỗ trợ xây dựng nhà ở 15 triệu đồng/hộ, hỗ trợ di chuyển người và tài sản 1 triệu đồng/hộ, hỗ trợ lương thực 3 triệu đồng/hộ trong thời gian đầu tại nơi tái định cư, tối đa không quá 12 tháng, hỗ trợ nước sinh hoạt 1 triệu đồng.
Bùi Minh