Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường gây mưa rải rác tại vùng Đông Bắc Bộ; Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng núi và trung du phía bắc có nơi rét đậm, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15 đến 180C, vùng núi cao dưới 90C.


Nước lũ đổ về cuốn trôi nhiều hồ nuôi tôm của người dân ở xã Hải An, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và khu vực giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8; biển động. Khu vực bắc Biển Đông tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; biển động mạnh.

Sóng biển cao từ 2 đến 3 m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1. Ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường và dòng xiết trong đới gió tây trên cao, trong các ngày 23 đến 25-11 ở Bắc Bộ có mưa, trời rét; vùng núi trung du có nơi có mưa vừa, mưa to, trời rét đậm, có nơi rét hại. Từ nay đến hết ngày 27-11, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to đến rất to.

* Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Bộ Công thương, đến 6 giờ ngày 21-11, có 17 hồ chứa thủy điện thuộc quy trình liên hồ chứa khu vực miền trung và Tây Nguyên đang xả tràn, bao gồm: A Lưới, Hương Điền, Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn C, Krong H’năng, Sông Ba Hạ, A Vương, Sông Tranh 2, Đak Mi 4a, ĐakĐrinh, Sông Bung 4, Sông Bung 4a, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Vĩnh Sơn 5, Đồng Nai 2.

* Theo báo cáo ngày 21-11 của Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi) tình hình hồ chứa thủy lợi như sau: Khu vực Bắc Trung Bộ: Các hồ của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đạt bình quân 80 đến 90% dung tích thiết kế. Các hồ có cửa van tại Quảng Trị đang vận hành xả lũ gồm bảy hồ: Kinh Môn, Khe Mây, Nghĩa Hy, Trúc Kinh, Hà Thượng, Ái Tử, Tân Kim. Tại Thừa Thiên- Huế: Hồ Tả Trạch điều tiết, vận hành xả với lưu lượng 283 m3/giây. Khu vực Nam Trung Bộ có năm hồ chứa có cửa van xả tràn: Phú Ninh, Hồ Việt An, Vĩnh Trinh (Quảng Nam); Hồ Nước Trong (Quảng Ngãi); Định Bình (Bình Định).

* Tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các địa phương miền núi chủ động di dời dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn trước 18 giờ hôm nay 23-11. Theo đó, những khu vực đã di dời người dân, tuyệt đối không cho bà con quay trở về nơi ở cũ để đề phòng nguy cơ sạt lở khi có mưa lớn xảy ra. Các nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, Đák Mi 4, A Vương, Sông Bung 4 cần chủ động điều tiết nước, vận hành đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong hai ngày 23 đến 24-11, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa lớn trên diện rộng từ 150 đến 300mm, có nơi hơn 400mm. Dự báo mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn sẽ lên trên báo động 2 đến báo động 3.

* Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến chiều 22-11, mực nước trên các sông đã hạ dần ở mức dưới báo động 2. Tuy nhiên, nhiều vùng thấp trũng tại các huyện, thị xã: Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, nước lũ vẫn còn ở mức cao, nhiều tuyến đường ngập lụt, chia cắt khiến giao thông đi lại khó khăn; hàng trăm nhà dân ngập từ 0,2 đến 0,5 m, nhiều nhất là ở Quảng Điền, Phong Điền và Hương Trà. Tại huyện Quảng Điền, hơn 300 ha rau màu bị ngập trong đợt lũ trước, nay lại tiếp tục bị ngập gây hư hỏng nặng. Nhiều diện tích hoa cho vụ Tết ở thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ, Quảng Thành... bị ngập sâu, thiệt hại hoàn toàn. Dự báo trong những ngày tới, tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, các tuyến quốc lộ 49A từ Huế đi A Lưới, quốc lộ 1A đoạn đi qua đèo Hải Vân dễ xảy ra sạt lở đất, đá.

* Ngày 22-11, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn có mưa lớn khiến tình trạng ngập lụt xảy ra tại một số địa phương thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Cam Lộ. Hàng trăm nhà dân bị nước lũ bao vây cô lập, có nơi nước tràn vào nhà từ 0,5 đến 1,5 m. Tại huyện Hải Lăng, nước sông dâng cao đã khiến các xã Hải Tân, Hải Hòa, Hải Thành, Hải Thiện, Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Trường và Hải Quế bị ngập. Các tuyến đường liên xã Hải Tân - Hải Sơn và Hải Hòa; tỉnh lộ 582 (đoạn đi qua xã Hải Thiện); đường 584 (đoạn đi qua xã Hải Trường); quốc lộ 49C (đoạn đi qua xã Hải Quế) nhiều đoạn ngập sâu từ 0,3 đến gần 1 m. Một số tuyến đường giao thông nông thôn ở khu dân cư thuộc các xã Hải Thành, Hải Tân và Hải Hòa nước ngập sâu, giao thông đi lại bị chia cắt khiến 30 trường học bị ảnh hưởng, nhà trường phải cho học sinh nghỉ học. UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các địa phương triển khai những phương án ứng phó với tình hình mưa lũ có thể tiếp tục kéo dài.

* Theo Phòng Nông nghiệp huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, hiện bảy xã ven biển trên địa bàn đều bị ngập, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đang được thống kê. Tình trạng ngập nước này sẽ được cải thiện nếu các cống ngăn mặn được mở. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có năm trong số 36 cống được mở. Nguyên nhân là do sự chênh lệch mực nước ở bên trong và bên ngoài cống quá lớn cho nên không thể mở, nếu cố mở nhiều lần có thể làm hỏng cống.

* Tại tỉnh Tiền Giang, do ảnh hưởng của bão số 14, mưa lớn kèm dông lốc đã gây thiệt hại nặng cho nông dân trồng sầu riêng. Tại xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy có 87 hộ trồng sầu riêng bị ảnh hưởng. Hộ bị thiệt hại nặng nhất có hơn 300kg quả sắp đến ngày thu hoạch bị rụng, hộ nhẹ nhất cũng gần 100kg. Ước tính mỗi hộ có sầu riêng bị rụng do lốc xoáy mất từ ba đến 20 triệu đồng.

* Ngày 22-11, Đoàn công tác của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên - Huế đến trao số tiền ủng hộ 1,25 tỷ đồng cho Ủy ban MTTQ tỉnh nhằm giúp nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Đây là số tiền trích từ đóng góp ngày lương của toàn thể cán bộ nhân viên trong toàn ngành.

* Ngày 22-11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã ủng hộ 500 triệu đồng hỗ trợ năm tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế, mỗi tỉnh 100 triệu đồng khắc phục hậu quả bão, lũ số 12 vừa qua. Trong đó, hơn 105 triệu đồng được quyên góp từ cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo trong toàn ngành giáo dục Hà Nội; số tiền còn lại được trích từ quỹ ủng hộ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn năm học 2017-2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Công đoàn Giáo dục Hà Nội.

Cứu hộ tàu cá Quảng Bình bị nạn trên biển

Sáng 22-11, lực lượng cứu nạn hàng hải thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã cứu hộ, lai dắt tàu cá QB 92836 TS cùng chín thuyền viên bị nạn trên biển vào bờ an toàn. Trước đó, đêm 20-11, trong lúc đang đánh cá tại khu vực biển vịnh Bắc Bộ, tàu cá QB 92836 TS do ông Nguyễn Niềm, trú tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình làm chủ, bị hỏng bánh lái, thả trôi tự do trên biển. Nhận được thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều động tàu cứu nạn SAR 411 lên đường cứu nạn. Lúc 10 giờ 30 phút ngày 21-11, lực lượng cứu nạn hàng hải đã tiếp cận tàu cá QB 92836 TS và lai dắt tàu vào cảng Hòn La, tỉnh Quảng Bình an toàn.

 

Một tàu cá bị chìm ở cửa biển Sa Cần, Quảng Ngãi

Sáng 22-11, tàu cá Qng 90541-TS của ngư dân Phạm Ngọc Anh, trú thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang neo đậu ở cửa biển Sa Cần thì bất ngờ một trận dông lốc ập tới làm đứt dây neo khiến tàu cá bị chìm. Chiếc tàu vỏ gỗ bị vỡ toác phần đáy, lực lượng cứu hộ đã tìm cách tiếp cận để lai dắt tàu nhưng vì lượng cát bồi lấp quá lớn cho nên đến chiều cùng ngày vẫn chưa thực hiện được. Lúc bị chìm, trên tàu có khoảng 30 tấn mực cùng nhiều ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại, ước tính thiệt hại hơn năm tỷ đồng.

 

 

                                TheoNhandan

Các tin khác

Không có hình ảnh

Miền Bắc có nơi rét hại, miền Trung mưa to

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở phía Đông Bắc Bộ có mưa rải rác; Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam có mưa rất to. Kết hợp giữa không khí lạnh tăng cường và dòng xiết trong đới gió Tây trên cao, trong các ngày 23-24/11 ở Bắc Bộ trời rét, vùng núi và trung du rét đậm, có nơi rét hại.

Lương Sơn ứng phó với thiên tai - bài học về sự chủ động

(HBĐT) - Do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ 17h ngày 9/10 đến 17h ngày 11/10/2017, trên địa bàn huyện Lương Sơn có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại Trạm khí tượng thủy văn Lâm Sơn là 183mm, mực nước trên sông Bùi cao nhất ở thời điểm 15h ngày 10/10 là 2.445 cm, trên mức báo động 3 đã làm ngập toàn bộ các ngầm trên địa bàn huyện, nhất là các ngầm tràn dọc theo sông Bùi và gây ngập quốc lộ 6, khu vực Đông Dương. Mưa to, nước lũ dồn về 3 con sông lớn chảy qua địa bàn huyện, gồm sông Cầu Đường, sông Thanh Hà và đặc biệt là sông Bùi - một con sông nhỏ, ngắn và dốc, hàng năm thường có lũ lớn gây ngập lụt các địa bàn: Cao Răm, Tân Vinh, Nhuận Trạch, Trường Sơn, thị trấn Lương Sơn...

Ổn định dân cư sau mưa lũ ở huyện Đà Bắc - Những vấn đề đặt ra

(HBĐT) - "Là tâm điểm chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, để ổn định cuộc sống cho đồng bào ở huyện Đà Bắc sau mưa lũ chắc còn lâu dài. Khó khăn nhất của tỉnh Hoà Bình nói chung và huyện Đà Bắc nói riêng sau mưa lũ là vấn đề nhà ở. Do vậy, vấn đề cấp bách là phải lo nhà ở cho người dân. Nhà bạt cũng được, nhất định không để ai màn trời chiếu đất”. Quan điểm chỉ đạo đó của đồng chí Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đang được tỉnh và huyện Đà Bắc quyết liệt chỉ đạo. Tuy vậy, ổn định dân cư sau mưa lũ huyện Đà Bắc vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.

Bão số 14 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19-11), khi đi vào vùng biển cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 200 km về phía đông, bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Thủ tướng gửi công điện chỉ đạo ứng phó khẩn cấp bão số 14

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ứng phó khẩn cấp bão số 14.

Cần tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện

(HBĐT) - Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn (VS&NSNT) dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai tại 21 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong thời gian từ năm 2016 - 2020. Là một trong các tỉnh được tham gia dự án, Hòa Bình đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Với đặc thù là dựa trên kết quả - tức là nguồn vốn sẽ được giải ngân dựa vào kết quả thực hiện, Chương trình thực sự là một thách thức đối với tỉnh ta trong bối cảnh khó khăn về huy động các nguồn lực tài chính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục